Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Alan Phan - Tết Bolsa…

Có lẽ hơn chục năm nay tôi chưa về Mỹ ăn Tết. Lang thang khắp châu Á, những ngày nghỉ Tết, tôi thường tìm đến những bãi biển yên tịnh, bao quanh bởi tiện nghi của các international resorts từ Bali, Maldives đến Madras, Phu Khet, để tâm hồn lắng đọng, suy ngẫm về lỗi lầm của năm cũ, rồi tìm giải pháp kế hoạch cho năm mới.

Tôi cũng đă háo hức ở Việt Nam vài cái Tết…nhưng khá thất vọng với những xô bồ nông cạn của đám đông…tụ họp mù trời trong khói bụi của triệu xe máy (trong khi chở con cái nhỏ bé để tập cho chúng quen với ô nhiễm?), rồi những chen lấn chụp hình quanh chợ hoa Nguyễn Huệ, hay ùn ùn về phía bờ sông Saigon coi đốt pháo bông vào giữa đêm Giao Thừa. Một kịch bản không gì sáng tạo, không khí cổ truyền gần như biến mất và tôi thấy mình lạc lõng trong một văn hóa mới, nhiều trình diễn và trần tục. Sau vài lần, tôi tránh né Saigon, Hà Nội vào dịp Tết và ra các khu nghĩ dưỡng ở Hội An, Long Hải, Nha Trang, Phú Quốc…Nhưng hiện tượng chặt chém du khách cùng những người đồng hương ồn ào…quấy rầy không ít. Cho nên, thôi thì bay xa một chút, tìm cái “thiền định” trong một bối cảnh thích hợp hơn.

Nhưng thực sự, tôi nhớ không khí Tết của Saigon ngày cũ. Có lẽ khi đó trí óc còn ngây thơ? Có lẽ những ngày Tết xưa trôi qua chậm hơn, cái vui không dồn dập cho qua một đêm kiểu party-a-la-fast-food? Có lẽ những đứa trẻ bọn tôi còn biết thao thức đợi Giao Thừa, làm thơ dâng cha mẹ và nhận bao lì xì nhỏ bé? Có lẽ tâm hồn vẫn lâng lâng khi nhìn nhang khói bàn thờ, tin rằng ông bà tổ tiên đang về ở chung cùng gia đình vài ba ngày Tết? Có lẽ vì cười thích thú khi mỗi góc phố có thể làm mình đứng tim vì những bánh “pháo tống” hay đoàn múa lân đu đưa trên cao góp nhặt phong bì tiền? Có lẽ vì tôi thích âm điệu bolero của “Ly Rượu Mừng” hơn là “Tết…Tết…chết đến rồi”? Ngay cả khi về vùng tỉnh nhỏ, Tết ngày nay dường như chỉ là thời điểm để tụ họp cờ bạc và nhậu nhẹt.

Và như thế, cái Tết Saigon ngày cũ đã dần dần biến mất. Cho nên, mỗi lần Tết đến tôi lại thấy mình “tha hương” hơn dù đang ở quê nhà.

Năm nay, vì nhu cầu công việc, tôi lại ăn Tết ở California. Khoảng giữa thập niên 70’s, người Việt ở Mỹ không nhiều lắm. Những hội đoàn cũng tổ chức chợ hoa, chợ Tết…nhưng hơi thiếu lửa. Phần lớn, phải đi làm và ngoài cộng đồng người Hoa ở Chinatown, những sắc dân khác không biết gì về Tết, ngoài những ký ức về Tết Mậu Thân trên TV…Sau vài chục năm, thế hệ mới của người Mỹ gốc Việt đã tạo những dấu ấn sâu đậm quanh các khu sinh sống, nhất là Quận Cam. Bộ máy chính trị của họ đã thành công nắm giữ các chức thị trưởng và hội đồng thành phố ở Garden Grove, Westminster và Fountain Valley. Bộ máy kinh doanh của thương nhân thiết lập các quán ăn, dịch vụ lẻ khắp quận, chưa nói đến thành quả từ Silicon Valley trên bình diện quốc gia. Bộ máy văn hóa truyền thông hội nhập khá thông suốt với mạng lưới media của Mỹ, chắc chắn sẽ tạo nhiều ảnh hưởng khi thu nhập trung bình của cư dân gốc Việt gia tăng trong 5, 10 năm nữa.

Sự lớn mạnh này thể hiện trong lần lễ hội Tết năm nay. Nhìn đoàn phụ nữ lũ lượt trong tà áo dài cổ truyền, các chàng trai đùa giỡn vừa đi vừa đốt pháo, cảnh sát đã đóng không cho xe cộ qua lại khúc đường quanh chùa Huệ Quang, đêm Giao Thừa giữa Little Saigon gợi nhớ những ngày đi hái lộc ở lăng Lê Văn Duyệt…Khói nhang nghi ngút, sân chùa đông nghẹt người xin xăm, coi bói…nhưng rất trật tự, không chen lấn sàm sỡ…Tôi và gia đình anh Thái Thép Việt ấm cúng nhìn xuống Bolsa, nói về chuyện xưa chuyện nay, và tìm thấy tình bạn vẫn đẹp chân thật như ngày nào.

Sáng mồng Một, tôi ghé vài cơ sở báo chí TV, ăn chút tiệc tùng, gặp lại cũng khá nhiều bạn cũ mới. Đi ngang khu Phước Lộc Thọ, những tràng pháo dài mấy tầng cao như Saigon, Chơ Lớn ngày xưa, cùng đoàn múa lân khá xôm tụ, và trên vỉa hè, nam thanh nữ tú lượn phố trong nắng ấm như ngày nào ở Tự Do, Lê Lợi…Một không khí Tết dù thu hẹp trong không gian nhỏ bé của vài khu phố, vẫn mang dáng dấp của “những ngày xưa thân ái”. Sau đó, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống xông đất, mừng tuổi, ghé thăm nhau làm chút trà nóng, bánh mứt, đốt chút hương trên bệ thờ… Chiều tối, theo gia đình đi lễ Công Giáo đàu năm, nơi thánh đường đông nghẹt tín đồ cùng màn đốt pháo hào hứng cho bọn trẻ.

Vài thân hữu kể lại cho tôi chuyện những ngày Tết trong các trại tỵ nạn Hong Kong, Indonesia, Mã Lai…Không gian tù túng, vật chất thiếu thốn, sinh hoạt khó khăn…nhưng nhiều thuyền nhân lại nghĩ rằng những cái Tết nơi đây lại tràn ngập những kỷ niệm đẹp và tình thân thương rộng mở của đồng hương.

Cho nên dù Bolsa, hay vùng bão tuyết Đông Bắc Mỹ hay các trại tỵ nạn, hay thành phố làng mạc của Việt Nam, linh hồn của ngày Tết vẫn là sự thăng hoa của tâm linh, lòng thương yêu chân thật và tính khoan dung chấp nhận cuộc hành trình và những trải nghiệm cùng gia đình, thân hữu.

Có lẽ Tết chỉ có thực trong lòng mình…

Alan Phan

(PS: Tôi hy vọng rằng năm nay, bạn sẽ phạm lỗi lầm. Có lỗi lầm vì bạn đang sáng tạo, thử nghiệm giải pháp mới, để thay đổi mình và thế giới. Có lỗi lầm vì bạn dám làm những chuyện mình chưa từng làm; và quan trọng hơn hết, bạn đã cố gắng làm một cái gì – Neil Gaiman)

Mùa Xuân và Hy Vọng

Alan Phan

dove

Viết vào ngày mồng một Tết năm Quý Tỵ – 10 Feb 2013

Mặc cho những biến cố, bất hạnh hay đau khổ trong năm vừa qua, cứ mỗi độ Xuân về, lòng người luôn phơi phới niềm vui, theo đúng nhịp thở của thiên nhiên, để tin rằng một chu kỳ mới sẽ đến, mọi thứ sẽ thay đổi và tất cả vấn nạn đang bao quanh sẽ tự động biến mất nhờ một phép lạ không tên. Đây là tâm trạng không riêng với người Việt hay Á Châu mà còn phổ cập khắp nhân loại, giàu hay nghèo, giỏi hay dở, già hay trẻ, khôn hay ngu. Trong tiềm thức chúng ta, “mùa xuân và hy vọng” là một điệp khúc bất diệt và nhen nhúm cho chúng ta một nhóm lửa qua đêm dài và lạnh lẽo.

Mỗi dân tộc đều có những nghi thức cổ truyền hay du nhập để chào mừng sự tái sinh này. Phổ biến trong văn hóa Việt-Hoa là “ngày xuân trẩy lộc”, là “bói quẻ đầu năm”, là “xông đất lấy hên”, là “chúc Tết mọi nhà”…và trăm tục lệ hay lễ hội khác. Ai cũng biết rằng hết rằm tháng giêng, phần lớn cuộc đời của chúng ta sẽ quay lại đường cũ với những vấn đề cũ, những tư duy cũ và những thói quen cũ. Nhưng với những ngày xuân, hy vọng là tất cả và chúng ta đều mơ về một tương lai đẹp như chuyện cổ tích. Tâm hồn mọi người quay lại tuổi thơ, và ai cũng chắp tay cúng kiến cầu nguyện sự giúp đỡ của Ơn Trên trong những ngày Tết.

Cho đến Tết này, tôi đã sống qua 68 mùa xuân. Ngoại trừ những năm đầu đời khi trí óc chưa hoạt động đúng mức, mọi ký ức về “mùa xuân và hy vọng” luôn tỏa sáng và làm ấm áp những thời điểm của thử thách, thua lỗ và sai lầm. Cái giá phải trả là những thất vọng sâu đậm hơn sau đó dễ tạo nên trầm cảm và suy sụp. Và nguyên nhân chính của sự thua cuộc thường đến từ những tính toán lạc quan và không thực tế để lại từ “mùa xuân và hy vọng”. Cho nên, đôi khi trong suy nghĩ của tôi, hay nhiều người khác, là mong muốn xuân đừng đến để chúng ta yên ổn với số phận hay tìm ra một giải pháp khách quan hơn.

Nhưng thói quen luôn luôn là thói quen. Mỗi độ xuân về, lòng tôi lại rạo rực một niềm tin mới, một tư duy mới, một kế hoạch mới, và một tương lai mới. Nhiều người sẽ bền chí biến ý tưởng thành hành động cụ thể; nhiều người sẽ để mặc cho thời thế đẩy đưa. Sự khác biệt có thể là yếu tố chính để quyết định ai là đại bàng và ai là chim sẻ, trong sự nghiệp kinh doanh lâu dài.

Nhiều khi làm con chim sẻ trong khu vườn yên tĩnh nhỏ có thể là một hạnh phúc. Nhưng lòng tham luôn thúc đẩy con người bay cao như cánh đại bàng dù phải trải qua bao song gió. Sau rất nhiều thành bại, mất còn trong cuộc sống, tôi không biết chân lý nằm ở đâu? Thôi thì phải thông cảm với sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.

Đầu xuân khai bút, tôi xin nhắc lại vài câu sáo ngữ, như một khách lạ đang xông đất nhà người:

Nhân dịp Tết, Alan kính chúc mọi thân hữu, độc giả và đối tác một mùa xuân đầm ấm bên gia đình, một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn và sau những đêm dài, quê hương sẽ hồi sinh trong nắng ấm của bình minh.

Mong mọi người sẽ tìm được một thanh bình nội tại và những niềm vui mỗi ngày trong đời sống và công việc.

Alan Phan

(Blog Alan Phan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét