Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

LỄ HỘI ĐÌNH VỒNG VÀ DÒNG HỌ DƯƠNG HIỂN HÁCH



Cây cầu Vồng và Cầu Lim đều hiện hữu, nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn chính là ở phía bên kia đầu Cầu Vồng và đầu Cầu Lim xưa có điều gì đã diễn ra, phải chăng là 2 lễ hội nổi tiếng, một mang tính âm, một mang tính dương, đặc trưng cho 2 miền Kinh Bắc thượng hạ? Với Yên Thế xưa, từ mạch nguồn này, cùng với thời gian và sự cống hiến của con người, đặc biệt là 18 vị quân công họ Dương mà  Vân Cầu tỏa sáng để rồi cây Cầu Vồng trở thành huyền thoại đi vào thơ ca, trở thành điển tích ...   
LỄ HỘI ĐÌNH VỒNG VÀ DÒNG HỌ DƯƠNG HIỂN HÁCH
Nằm về phía Tây của huyện Tân Yên là vùng đất cổ ghi dấu ấn vang dội trong lịch sử đấu tranh của dân tộc – đất Vân Cầu. Tâm điểm chính là làng Vồng, quần thể di tích đình Vồng, chùa Vồng, đền Vồng, nghè Vồng, ngòi Vồng và cầu Vồng. Tại đây vào ngày 15 và 16 tháng riêng diễn ra lễ hội Đình Vồng đặc sắc – Lễ hội hàng tổng thứ 2 của huyện Yên Thế xưa.
Cầu Vống bắc qua suối Vồng - nơi cây cầu cổ đi vào huyền thoại . 
Đình Vồng là công trình có quy mô lớn, kiến trúc điêu khắc tinh xảo, toạ lạc trên một khu đất cao rộng, gần ngòi Vồng và cầu Vồng. Đình gồm 5 gian xây dựng bằng gỗ lim với hai hàng cột cái cao to, phần kết cấu kẻ, xà đều được soi, chạm khắc hoa văn phong phú. Trên bờ nóc đình là đôi rồng chầu mặt nguyệt, bờ nóc đắp ly hoá cùng 4 đao cong vút làm cho công trình vừa bề thế vừa mềm mại. Đình nhìn về hướng Nam, phía sau là rừng Vồng vốn là rừng nguyên sinh rất rậm rạp. Phía trước cửa đình là ngòi Vồng uốn khúc. Ngay bên cạnh đình là đường Quan triều, nay là đường liên xã, nối 2 bờ ngòi là Cầu Vồng. Đình Vồng nay mới được trùng tu lại qui mô bề thế. Chùa Vồng được dựng cùng hướng với đình Vồng, kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm tiền đường 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Thiêu hương 4 gian nối với phật điện 3 gian 2 chái cũng 4 mái đao cong. Chùa được khởi dựng từ thời Lê, tu dựng vào năm Chính Hòa nguyên niên 1680 thời Nguyễn. Nghệ thuật điêu khắc gỗ đơn giản thanh thoát. Phía trước chùa Vồng có cây hương đá và cây thị cổ thụ trên 300 tuổi. Đền Vồng cũng nhìn ra con ngòi Vồng và Cầu Vồng. Đền gồm 1 gian 2 chái 4 mái đao cong, có quy mô nhỏ. Bên trong có khám, ngai thờ, bài vị cùng nhiều đồ tế khí. Cạnh đó là Nghè Vồng -  nơi phối thờ 18 vị Quận công họ Dương.
Tại quần thể di tích này hàng năm vào ngày 15 và 16 tháng riêng diễn ra lễ hội Đình Vồng đặc sắc – Lễ hội hàng tổng thứ 2 của huyện Yên Thế xưa.  Gốc rễ của Lễ hội Đình Vồng là lễ hội dân gian và hiện nay vẫn còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá dân gian độc đáo. Trung tâm lễ hội được tổ chức tại khu di tích đình Vồng với quy mô lớn, lực lượng chính là 4 xã : Song Vân, Việt Ngọc, Ngọc Vân, Lam Cốt và một số xã khác ở phía Tây của huyện Tân Yên. Trong ngày hội, người ta tổ chức tế lễ, rước sắc. Đặc biệt xưa có tục tế ngựa rất uy nghiêm, cùng nhiều trò chơi, nhiều môn thi đấu thể thao giầu tính thượng võ như: Múa võ, vật, đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, đánh phết, chọi gà, thi thả diều, thi thổi cơm, chạy chữ...đó là các tập tục quen thuộc của cư dân nông nghiệp cầu tạnh cầu mưa, mong dân khang vật thịnh mùa màng tốt tươi.
Trong di tích đình chùa Vồng, điều mà mọi người lâu nay quan tâm đó là cây Cầu Vồng, từ đó giải mã câu phương ngôn Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim. Theo các tài liệu còn ghi lại ở địa phương cho biết, Cầu Vồng xưa được xếp vào loại cầu đẹp, cầu hai nhịp uốn cong như cầu vồng, toàn bộ được làm bằng lim, kiến trúc theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” trên có mái và sơn đỏ toàn bộ. Cây cầu được dựng từ thời Mạc thế kỷ 16 đã đi vào lịch sử với câu phương ngôn “ Trai cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim”. Nó như một biểu tượng chung cho cả vùng Yên Thế Hạ nổi tiếng vũ dũng và thượng võ. Tuy cầu bị mất đi nhưng tên gọi Cầu Vồng mãi còn trong tâm tưởng mỗi người dân xứ Bắc như một chứng tích của vùng đất anh hùng với lễ hội truyền thống mang đậm sắc thái văn hoá miền Yên Thế Hạ xưa và Tân Yên nay.
Có thể là như vậy, nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn chính là ở phía bên kia đầu Cầu Vồng và đầu Cầu Lim xưa có điều gì đã diễn ra, phải chăng ở đây là 2 lễ hội nổi tiếng, một mang tính âm một mang tính dương, đặc trưng cho 2 miền Kinh Bắc thượng hạ? Từ mạch nguồn này, cùng với thời gian và sự cống hiến của con người, đặc biệt là 18 vị Quận công họ Dương mà vùng đất Vân Cầu tỏa sáng để rồi địa danh Cầu Vồng trở thành huyền thoại đi vào thơ ca, trở thành điển tích.  
Bản sao Thần phả tại gia đình ông Dương Ngọc Giao, thôn Hồng Phúc, xã Song Vân
Đình Chùa Lợ nơi thờ Thượng tổ Quận công Dương Quốc Nghĩa và vợ Cao Phu Minh
     Địa danh phát tích câu phương ngôn Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim là đất Vân Cầu xưa, nay thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên nơi có cây Cầu Vồng và lễ hội Đình Vồng lịch sử, huyền thoại là chính xác. Nhưng mọi sự khẳng định bắt đầu từ nhân vật nào như nhiều người đã nói, đã viết thì có lẽ đều là ... hơi vội. Bởi dân gian là đi từ cái thực đến huyền ảo, hư thực đan xen. Rồi từ cái huyền ảo nó lại được con người đưa trở lại phục vụ cho cuộc sống. Bóc tách ra tìm cội nguồn khống dễ. Điều phải thừa nhận vào thời nhà Mạc dòng họ Dương ở Vân Cầu lập nhiều chiến công vô  cùng hiển hách. Đại Việt sử ký toàn thư có viết: Sau khi Mạc Đăng Doanh cướp ngôi thì Vũ Văn Uyên – cựu thần nhà Lê cát cứ ở miền Tuyên Quang cũng tham gia vào cuộc vận động khôi phục nhà Lê. Tại xã Lương Sơn huyện Lục Yên còn có thành Mị Lang, tục gọi là thành Bầu tương truyền là thành của Văn Uyên cự với nhà Mạc. Cựu thần nhà Lê trấn giữ vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa suốt cho đến khi nhà Mạc thất thủ. Khi đó hẳn tại Yên Thế - một trong những đầu mối quan trọng dẫn về kinh sư đã diễn ra những trận chiến ác liệt, dòng họ Dương thành danh ở đây. Sử sách ít ghi lại, nhưng trong truyền thuyết và huyền thoại có nói rất nhiều về 18 vị Quận công họ Dương. Tuy nhiên có những điều đã được viết trước đây chưa hẳn đã chính xác.
Tương truyền đây là nơi đặt mộ phần Thượng tổ Quận công
Đền thờ Vua Bà Cao Phu Minh
Tại nhà ông Dương Ngọc Giao, thôn Hồng Phúc, xã Song Vân có lưu một bản thần phả, viết bằng chữ Hán, nội dung như sau: Xã Vân Cầu, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, từ trước đến nay, phụng thờ chư vị tiên tổ anh linh Dương gia có công lớn ở triều Mạc: Thượng Tổ Quận Công Quý công họ Dương tên là Quốc Nghiã. Phu Nhân của Thượng Tổ Quận Công, họ Cao tên huý là Phu Minh. Các con của Thượng Tổ Quận Công cùng bố mẹ được phụng thờ ở Đình Miếu, mãi mãi không đổi, lưu truyền muôn đời: Bình Tây Quận Công quý công họ Dương tên là Quốc Minh. Nhất Phẩm Quận Công quý công họ Dương tên là Hùng Lượng. Triều Mạc thời ấy, nhiều cháu của Dương Gia, có công có đức, đã được phong tặng rồi. Đến nay tên họ còn ở những nơi thờ phụng: Dương Quốc Trung, Dương Quốc Bảo, Dương Quang, Dương Quốc Thái, Dương Quốc Anh. Đến lệ, dân xã cùng toàn gia tộc, cung kính các vị Công Tước Tôn Linh tại miếu đường theo nghi lễ.
Căn cứ vào bản Thần Phả trên, thì tại đây không có chuyện 3 anh em họ Dương mà là 3 cha con, trong đó người khởi nguồn cho dòng họ này là Thượng tổ quận Công Dương Quốc Nghĩa và vợ là Cao Phu Minh. Thượng Tổ Quận Công Dương Quốc Nghĩa người ở Quán Lỏng, cách cây Cầu Vồng huyền thoại khoảng một cây số. Ông làm quan thời nhà Mạc, mộ nằm trên một gò đất gọi là Mả Quan, ở xóm Bùi, xã Song Vân. Cao Phu Minh, dân gian gọi với cái tên Vua Bà, vốn quê ở Cầu Lim, Nội Duệ. Truyền thuyết về Bà mở quán kén chồng với hành động lạ thường: Bốc than hồng, bỏ lên đùi non, thổi lửa châm đóm mời khách hút thuốc. Gặp chàng họ  Dương rút dao nhọn chẻ đóm xong cắm dao vào đùi, mặc cho máu chảy, ung dung ngồi châm lửa hút. Duyên sự kỳ ngộ ấy mà chàng trai Cầu Vồng Yên Thế, cô gái  Nội Duệ Cầu Lim nên vợ nên chồng. Lại có ttuyền thuyết Bà tỷ thí nơi đấutrường, biết bao dũng tướng nam nhi phải bó tay khuất phục. Truyền thuyết về việc Bà giả chồng lên ngựa, vung gươm đánh giặc, khiến cho chúng chết như phơi rạ... Miếu thờ Bà thường vẫn gọi Miếu Vua Bà, tên chữ là "Cao Linh Từ" hiện đang được thờ phụng ở xóm Bùi xã Song Vân. Cũng từ mối nhân duyên này đã để lại cho đời mười tám Quận công lừng lẫy thời nhà Mạc (1527 - 1592). Trong đó người con cả Dương Quốc Minh được phong là Bình Tây Quận Công, hiện đang được thờ phụng ở Đình Vồng xã Song Vân . Người con thứ Dương Hùng Lượng được phong là Nhất Phẩm Quận Công phụng thờ ở làng Dinh Cao Xá.
Có thể từ hai nhân vật này mà trong dân gian đã cho ra đời câu phương ngôn: "Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim". Cũng có thể từ mối nhân duyên này đã làm sáng lên câu phương ngôn trên và góp phần làm cho nó trường tồn cùng thời gian.
 ( Đình Lương sưu tầm )


    2 nhận xét: