Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Hỡi ôi, "giáo xu" Vũ Khiêu?

Tôi chả bất ngờ gì với cụ Vũ Khiêu cả. Là người chịu khó đọc cụ từ những bài văn tế in năm 1945 đến nay, tôi quả quyết rằng cụ không biết lấy vài trăm chữ Hán Nôm, còn văn bia câu đối của cụ thì dọn vườn cả năm không hết. Phải nói là đối với các thể văn này thì trường hợp cụ Vũ Khiêu chỉ có thể đúng với thành ngữ "Điêu bất túc, cẩu vĩ tục" (Nghĩa là: Lông điêu cài mũ không đủ, đành lấy lông đuôi chó chắp vào). Thơ văn cụ là vậy thôi, nhiều người tưởng là đỉnh lắm. Tôi nói về một bài thơ cụ mới làm ở nghĩa trang Trường Sơn mà lắm người nhắc đi nhắc lại:

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình.

Bài thơ hỏng vì nhiều lẽ nhưng trước hết cả ba câu trước là hỏng hẳn, chỉ mỗi câu cuối chấp nhận được. Tại sao vậy?

Câu 1. Trong thơ văn, hai chữ "bát ngát" thường mang ý nghĩa tích cực, sảng khoái trước một phong cảnh rộng rãi,trùng trùng nhưng khá bằng phẳng. Đứng trước nghĩa trang Trường Sơn, tâm hồn thi nhân muôn trùng xót xa, lỡ lòng nào dùng 2 chữ ấy: Bất nghĩa, vô tình.

Câu 2: Hai chữ "dạt dào" phụ họa cho "bát ngát", nó cũng dương tính. Đứng trước nghĩa trang mà những dạt dào cùng bát ngát thì nó còn ra cái gì nữa. Vui một cách vô duyên trước chốn thiêng liêng và trước sự hi sinh lớn lao. Té ra là "nhất đứng anh hùng" chả có tí tâm nào với "vạn cốt khô".
Cũng ở câu này, cụ dùng "khí anh linh" phụ họa cho Đông hải là rất sái. Khí từ biển thường là giông bão làm cho lật thuyền đổ nhà, là khí có hại khi nó dạt dào. Hoặc nữa, bốc lên thì người ta gọi đó là "thẫn lâu", báo chuyện tai ương. Ấy vậy mà cụ dùng như không. Tại sao cụ lại viết như vậy? Đây chỉ có thể là vì nội lực mỏng manh, tình cảm đãi bôi, trong đầu lóe ra vài nhúm từ vựng là phang bừa ra cốt cho có hoặc khoe mẽ, thị tài (dởm) mà thôi.

Câu 3: Đến câu này thì ôi thôi. Đọc mà rùng mình. "Ba hồi chiêu mộ" xuất tự cổ thi. Bài này có tên gọi là Chiều Xuân hoặc Chơi đền Trấn Võ. Vì nó có thể đọc cả nghĩa "thanh" và nghĩa "tục", có dị bản này khác nên giới nghiên cứu chưa nhất trí là của Hồ Xuân Hương hay của Bà Huyện Thanh Quan:

Êm ái chiều xuân tới Trấn đài
Lâng lâng không bợn chút trần ai
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn giời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào đâu cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Nếu đọc theo nghĩa thanh nhất thì ta cũng thấy đây là một tâm sự hoài cổ xen lẫn bức xúc vì sự đảo lộn hiên tại lúc đó bởi ngôn từ có tính xách mé trịch thượng. Nếu đọc theo nghĩa tục thì ta mỉm cười vì "xuân" (giao hoan nam nữ), "chuông gầm sóng" (động tác tính giao), nước lộn giời (vừa tính giao trên dưới vừa nói lái thành giợi/rợi l...), rồi "nguồn ân, bể ái", rồi "cực lạc" láy thêm cực lạc".
Trở lại với cụ Khiêu, dùng chữ như vậy thì tối thiểu là bất nhã, đặt trước nghĩa trang là bậy bạ.

Câu 4: Câu này không mắc lỗi gì nhưng bài thơ đến 3/4 đã lởm thì còn nói làm gì nữa.
Cụ Khiêu trong văn tế, câu đối, văn bia... chưa sạch được cái nước cản của người năng văn. Ví dụ như như làm thơ bây giờ tả cảnh rước dâu mà viết "Đón em về chim bướm ngất ngây" thì thành trò cười à. Người ta đưa ra cái lí thuyết xuyên văn bản là coi thơ như một lĩnh vực có truyền thống riêng mà mỗi tác phẩm là một lát cắt trong dòng chảy bất tận.

Chỉ có thể nói, văn tế, câu đối, văn bia... của cụ chỉ xứng là mạt hạng của văn chương.

Mọi người không tin, hãy bật mạng lên, dọn vườn tác phẩm của cụ, ngay cả các câu đối cho chính gia tộc nhà cụ, mười chỉ được một mà thôi. Hãy dọn vườn đi nào! Thần tượng dởm sẽ làm hỏng văn chương.

Theo Tễu

2 nhận xét:

  1. Ba voi không được đọi nước xáo!
    Đúng là giáo ...xu (không đáng đồng xu)

    Trả lờiXóa
  2. Hỏi Vũ Khiêu

    Xưa ông giảng chính trị
    Ông thường đem chuyện kể
    Tào Tháo giết cả nhà
    Bạn hắn, Lữ Bá Xa
    Rồi thì ông cao giọng:
    Dân tộc chuyên lật lọng
    Là dân tộc Trung Hoa (!?)
    Cái dân tộc xấu xa
    Chuyên lừa thầy, phản bạn
    Hăng lên, ông còn phán
    Dân tộc ăn thịt người
    Ông cứ giảng khơi khơi
    Học viên, mắt tròn, dẹt
    Lắc đầu, ối thầy ơi!

    Nay viếng hồn liệt sĩ
    Giữa sâu thẳm Trường Sơn
    Mà thơ ông “bát ngát”
    Như đi dạo phố phường.
    Chốn linh thiêng khói hương
    Ông cao hứng “dạt dào”
    “Đông Hải” nhuộm máu đào
    Ông reo “anh linh khí” (!?)
    Rồi ông “rung tâm trí”
    Nhớ “chiêu mộ ba hồi”
    Ông nhớ “chuông gầm sóng”?
    Hay nhớ “nước lộn giời”?
    Hay đầu ông chỉ có
    Cực lạc, ái ân thôi?

    Giữa muôn vạn cốt khô
    Bao người mắt đầy lệ
    Sao ông vô tâm thế
    Viết rặt chuyện tào lao?

    Lại còn chuyện hôm nào
    Ông muốn hoa mào gà
    Được chọn làm quốc hoa
    Vì làng xóm gần xa
    Chẳng nhà nào không có(?)
    Ông khuyên hay ông xỏ?
    Rằng mào gà tượng trưng
    Cho gà trống anh hùng
    Gọi mặt trời thức dậy
    Ông đùa như thật vậy:
    Gà trống rất thương đàn
    Kiếm được cái gì ăn
    Gọi cả bầy chia sẻ…
    Ông ơi, lí lẽ thế
    Cả nón, xin lạy ông
    Mào gà? Mào hay mồng?
    Eo ôi, đều kinh lắm
    Hay là trong sâu thẳm
    Duyên nợ gì với ông?

    Nào kim cổ tây đông
    Nào anh hùng, đại trí
    Nhưng xem ra chữ nghĩa
    Ông nhầm lẫn chết người
    Có bốn chữ còm thôi
    Là “Thượng Nguyên Chu thị”
    Được ông phán rành rẽ
    Thành “Quốc vương thiên nhân”
    Khiến bọn buôn thánh thần
    Mừng như bắt được của
    Theo lời ông, chúng nó
    Khoe khoang: ấn vua Trần
    Đem ban ấn lừa dân
    Hỏi ông, còn liêm sỉ?

    THỐNG CHINH ĐẠI VƯƠNG

    Trả lờiXóa