Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Lực Chuyển 4: Gia Công Trong Sản Xuất Công Nghiệp

(Lợi Thế Cạnh Tranh Về Nhân Công Rẻ Của Các Quốc Gia Mới Nổi Sẽ Biến Dạng)



1 August 2014

Bắt đầu vào giữa thập niên 80’s, tiền FDI bắt đầu dồn dập đổ vào Trung Quốc với 2 mục tiêu chính: lợi dụng phí sản xuất thấp của Trung Quốc để tạo lợi thế giá rẻ cho sản phẩm (outsourcing) và chiếm giữ vị thế khởi đầu cho một thị trường lớn với 1.3 tỷ dân số (market position). Kết hợp với bản chất doanh thương truyền thống của người dân Trung Quốc, dòng tiền FDI này là hai lý do chính đã tạo một sóng thần kỳ diệu và chỉ 25 năm sau, thế giới bắt đầu nói về một siêu cường kinh tế có thể đuổi kịp Âu Mỹ trong vòng 2 thập kỷ tới.

Công thức chiến lược của Trung Quốc cũng không mới mẻ gì. Bắt đầu là Nhật rồi Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…các nền kinh tế này đã hoá rồng một cách khá đơn giản: lợi dụng đầu tư, công nghệ và thị trường xuất khẩu từ Âu Mỹ, cộng hưởng với nhân công rẻ, đất đai, thuế vụ…khuyến mãi từ các chánh phủ địa phương; sản xuất hàng loạt theo gia công, hàng chất lượng rẻ như quần áo, đồ gia dụng…, để tạo thị phần rồi gia tăng hiệu năng để tiến lên những sản phẩm giá trị cao hơn. Với bản tính cần cù và văn hoá chắt chiu, Nhật, Hàn, Đài Loan…bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với những đại gia Âu Mỹ trên sân quốc tế trong những công nghiệp vốn là đặc quyền của Âu Mỹ như ô tô, điện tử, thiết bị công nghệ…

Sự thành công của Trung Quốc trong giai đoạn đầu ấn tượng hơn nhờ số lượng nhân công và tiến trình toàn cầu hoá của nền kinh tế tài chánh. Một ngôn từ bắt đầu thông dụng khi mô tả Trung Quốc như là “cơ xưởng của thế giới”. Nhiều quốc gia mới nổi khác cũng bắt chước và sao y chiến lược gia công này gồm Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ…

Vấn nạn của chiến lược gia công

Tuy nhiên, công thức phát triển này đang gặp 2 vấn nạn quan trọng: sự yếu kém về sáng tạo và kiến thức trong những chế độ còn bị gọng kềm độc tài và tư bản hoang dã kiềm chế; và một lực chuyển đang thay đổi ngành sản xuất công nghiệp vì “nhân công rẻ” không còn là một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu nữa.

Một tín hiệu khá rõ ràng trên thị trường là khi Walmart, chuỗi bán lẻ chuyên vào người thu nhập thấp tại Mỹ, bắt đầu ào ạt quảng bá khẩu hiệu “Buy American” (người Mỹ mua hàng Mỹ). Nhưng phải đợi đến khi Boston Consulting Group (BSG) làm một khảo sát với đầy đủ số liệu thống kê vào 2013, các chuyên gia mới được thuyết phục hoàn toàn. Trong cuộc khảo sát này, Mexico có chi phí sản xuất công nghiệp rẻ nhất và Mỹ đứng hàng thứ 7 sau Trung Quốc. Một báo cáo của Standard Chartered Bank (China) xác nhận thực tại này và cho biết hiện nay, chi phí sản xuất của Trung Quốc chỉ rẻ hơn Mỹ có 5%. Theo đà tiến của hiện trạng, giá sản xuất của hai nước vào 2016 sẽ coi như bằng nhau.

Ngoài chi phí sản xuất, những khoản tốn kém “mềm” khác làm chi phí thực sự tại Trung Quốc có thể cao hơn nhiều. Đó là nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ, cỗ máy hành chánh nặng nề, pháp luật rừng rú, những bất ngờ về “phí bôi trơn”. Nhìn thấy vấn đề cả 5, 7 năm về trước, các nhà đầu tư FDI lớn từ Mỹ, Nhật, Hàn…bắt đầu ngưng những dự án outsourcing mới ở Trung Quốc và quay đầu về quê hương hay tìm những điểm đến thuận lợi hơn.

Dĩ nhiên, những nhà máy chuyên sản xuất cho thị trường nội địa hay các hàng hoá rẻ tiền không xứng đáng với những đầu tư lớn sẽ vẫn được duy trì và phát triển. Các loại xưởng mà nhân công rẻ vẫn là yếu tố quan trọng như áo quần, giầy dép, đồ tiêu dùng, gia công điện tử dây chuyền, hay gây ô nhiễm nặng, hay dùng công nghệ xưa cũ…dời đến Việt Nam, Bangladesh, Campuchia…Những sản phẩm trí tuệ có một mức lợi nhuận cao và đòi hỏi một chất lượng tối ưu thì không còn nhu cầu về giá cả từ “nhân công rẻ”.

Những thay đổi khiến giá nhân công rẻ không còn quan trọng

Có nhiều lý do khiến chi phí sản xuất tại Mỹ bắt đầu rẻ như Trung Quốc; mặc dù chi phí nhân viên của Mỹ vẫn tiếp tục leo thang trong thập kỷ vừa qua.

Trước hết phải nói đến sự tiến bộ gia tốc của công nghệ cao. Ngành IT và sinh học mới bắt đầu khai triển sâu rộng artificial intelligence (AI- sự thông minh giả định?) tạo nên những thế hệ mới về robots rất đa năng. Ngày xưa, các robots tại xưởng máy thường chỉ biết hàn hay vận chuyển vật liệu lắp ráp. Ngày nay, robots đã điều khiển được cả một dây chuyền sản xuất và biết start hay stop khi có sự cố hay cần thay đổi quy trình.

Tôi đã sửng sốt khi nhìn một video về một kho hàng lý tưởng đang thử nghiệm và lên kế hoạch của Amazon rộng gấp 3 lần một sân vận động, chứa đến gần 1 triệu mặt hàng (SKU). Nơi đây, một đội ngũ khoảng 5 ngàn robots không người lái, tự động chạy đi lấy từng món hàng theo đơn đặt hàng gởi đến từ máy kiểm soát trung ương. Mỗi ngày (24/7) 5 ngàn cỗ robots này hoàn tất khoảng 600 ngàn đơn hàng. Toàn kho, chỉ có 12 nhân viên IT lo việc điều hành và bảo trì.

Khi đối diện với thử thách về lương nhân viên cùng với các yếu tố lao động chính trị tại Thẩm Quyến, hãng Foxconn chuyên ráp IPhone cho Apple doạ sẽ đầu tư mua 1 triệu robots trong 5 năm tới. Không chỉ doạ xuông, Foxconn đã vận hành 50,000 robots mới trong năm 2013 và 30,000 nhân viên của xưởng bắt đầu giảm nhiều yêu sách.

Thêm vào việc sử dụng đại trà robots trong cơ xưởng, vận hành của công nghiệp sản xuất sẽ phải thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng. Trước đây, những hàng giá rẻ sản xuất hàng loạt với số lượng khủng để giảm giá bán không còn hấp dẫn với tầng lớp có tiền khắp thế giới, muốn mua hàng thật đặc thù để tạo phong cách. Sự phát sinh những thị trường ngách với những sản phẩm đắt tiền, thiết kế tân tiến, thay đổi thường xuyên… (như hàng hiệu) được ưa chuộng hơn.

Thay vì những dây chuyền quy mô, cơ xưởng trong tương lai sẽ nhỏ hơn, điều khiển bằng hệ thống AI tạo ra nhiều mẫu mả với số lượng nhỏ hơn. Đây là một quy trình mà việc đầu tư lớn vào công nghệ 3D printing hay Internet of things quan trọng hơn là diện tích đất đai hay số nhân công cho cơ xưởng.

Sau phí lương nhân viên mà công nghệ robotics đang hoá giải, giá năng lượng là một thành tố quan yếu trong chi phí sản xuất. Với những tiến bộ bất ngờ trong việc tìm kiếm dầu hoả và khí đốt qua địa phiến shale, International Energy Agency tiên đoán là Mỹ sẽ thành một quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2020. Cộng thêm lợi thế vận chuyển trong nội địa, hiện nay giá năng lượng tại Mỹ rẻ hơn Trung Quốc trung bình khoảng 12%.

Ngoài dầu khí, Mỹ còn giữ lợi thế lớn về thuỷ lợi. Mỹ có dung lượng nước cao hơn Trung Quốc gấp 4.6 lần với giá cho công nghiệp rẻ hơn 8%. Trước đây, các nhà đầu tư FDI tại Trung Quốc thường được khuyến mãi đất bãi cho cơ xưởng với giá gần như cho không trong vài chục năm. Vì sự khiếu kiện của quá nhiều nông dân bị cướp đất, các nhà dầu tư FDI bây giờ phải mua đất gần bằng giá thị trường. Mỹ giữ lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này vì đất sử dụng được của Mỹ lớn gấp 5.3 lần Trung Quốc.

Vào thập niên 70’s, Mỹ bị cú “shock” lớn từ Nhật khi giá và chất lượng sản xuất ô tô cùng điện tử bị Nhật qua mặt. Các con khủng long Mỹ tỉnh thức và GM, Ford, GE, Dow, IBM…khởi động một chương trình tái cấu trúc để gia tăng hiệu năng cho nhân viên không ngừng nghỉ. Sau 30 năm, họ đã thành công ấn tượng. Ngày nay, hiệu năng nhân công Mỹ được xếp vào hàng thứ 7 trên thế giới, trong khi Trung Quốc đứng hạng 29. (Cho những ai tò mò, Việt Nam nằm ở hạng 75 – Xem: http://reports.weforum.org/global-competitiveness-report-2012-2013/#)

Nhờ hiệu năng nhân viên và công nghệ kết nối các mạng lưới phân phối, chi phí để điều hành hệ thống logistics cũng rẻ hơn Trung Quốc khoảng 6% và chí phí vận chuyển rẻ hơn 4%.

Sau cùng, nhờ dòng tiền đầu tư quay đầu về Âu Mỹ tìm chỗ an toàn (kể cả capital flight từ Trung Quốc), và chánh sách giữ lãi suất thấp của cơ quan Fed (US Federal Reserve), các doanh nghiệp Mỹ đang hưởng những khoản vay dài và ngắn hạn vô cùng thuận lợi. Nhìn vào thị trường tài chánh của Mỹ, công cụ mà những CFO nắm trong tay nhiều vô số kể, do đó, đòn bẫy tài chánh của các doanh nghiệp Mỹ đã được vận hành tối đa, tạo nên một lợi thế cạnh tranh lớn với các thị trường mới nổi, kể cả Trung Quốc. Ngoài sự thông dụng của cổ phiếu và trái phiếu, công ty Mỹ dễ dàng tiếp cận ngân hàng về tín dụng cho dòng tiền lưu chuyển hay quỹ công và tư cho những dự án đầu tư mới. IPO và M&A là 2 lĩnh vực khá “hot” hiện nay.

Thử thách của lực chuyển này

Tóm lại, theo đà chuyển hiện nay thì những lợi thế về giá cả trong công nghiệp sản xuất của các quốc gia mới nổi sẽ biến mất.

Tuy vậy, không có nghĩa là những nhà máy gia công củ kỹ hiện tại sẽ phải dẹp tiệm. Những đầu tư cho nhà máy hiện đại với công nghệ cao rất tốn kém và tại các quốc gia nghèo, mới nổi; dòng tư bản nội địa không đủ sức để vượt qua rào cản này. Vả lại, nhu cầu của đa số người tiêu dùng tại đây vẫn còn yếu kém và đơn giản, cần giá rẻ hơn là phong cách. Một yếu tố khác là càng ngày chi phí bảo vệ môi trường tại các quốc gia phát triển càng lên cao. Cho nên, những dự án gây nhiều ô nhiễm vẫn được các nhà tư bản đẩy đến những quốc gia sẵn sàng mở cửa (hay mở phong bì) để đón chào các loại đầu tư này.

& & & &

Tất cả những phân tích về trào lưu trên dẫn đến một kết luận: nếu bạn đang kinh doanh trong công nghiệp sản xuất mà chính yếu là gia công tại các quốc gia mới nổi; bạn sẽ thấy những cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thập kỷ tới vì hiện nay nguồn cung đang vượt khá xa nguồn cầu. Muốn cạnh tranh hữu hiệu trên biển lớn, bạn phải đầu tư vào công nghệ cao hiện đại. Hai yếu tố cốt lõi: sự sáng tạo và tiền vốn ban đầu. Nếu không đủ năng lực cạnh tranh, có lẽ bạn phải suy nghĩ về những ngành nghề như IT, nông nghiệp cao trong các thị trường ngách, dịch vụ du lịch, tài chánh hay an sinh (y tế, giáo dục, an ninh…).

Các đại gia đa quốc đang bắt đầu làn sóng đầu tư mới vào công nghiệp sản xuất. Dow Chemicals, Caterpillar, GE, Ford, Tesla…hay BMW, Nestle, Sony, Panasonic…đều chọn Mỹ cho phần lớn những cơ xưởng mới. Apple cũng đang lên kế hoạch để đem dòng sản phẩm về Mỹ sau khi Google vừa thông báo là toàn bộ Nexus Q sẽ “made in America”.

Don’t Cry For Me, Argentina

Có nhiều bạn đọc muốn biết suy nghĩ của cá nhân tôi về chương trình biến Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020. Theo phân tích, công thức chiến lược này đã được copy từ Trung Quốc và đem ra áp dụng cho Việt Nam đã hơn 10 năm qua. Cho đến nay, chắc ai cũng có thể nhận ra kết quả.

Từ 5 năm nay, Trung Quốc đang loay hoay tháo gỡ những vướng mắc gây ra bởi mô hình phát triển này (ô nhiễm môi trường trầm trọng, tạo ra cách biệt giàu nghèo nhiều bất ổn, suy sụp văn hoá an sinh truyền thống, kiểm soát bởi nhóm tư bản đỏ, đe doạ bởi đủ loại bong bóng tài sản và nợ xấu, không tạo được sự sáng tạo và kiến thức cần cho nền kinh tế mới…và nhiều nữa). Họ đã không thành công và mọi chuyên gia đang tiên đoán về một suy thoái luỹ tiến.

Có thể lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan hơn các bậc thầy, tôi không biết. Nhưng nếu không có thay đổi cốt lõi cơ chế bằng hành động, tôi không muốn nấn ná ở lại quê hương nhìn kết quả sau cùng của trận đấu. Tôi sẽ đợi các bạn bên bờ kia bờ Thái Bình Dương, cùng làm ly cà phê để suy ngẫm về định mệnh và có lẽ sẽ cùng nhau hát bài .… Hận Đồ Bàn?

Alan Phan