Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó

Ngày 30/ 6/ 1925, Phan Bội Châu trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu; vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì bị mật thám Pháp bắt cóc rồi đưa về Hà Nội. Lúc đầu tòa xử chung thân khổ sai nhưng sau vì sợ phản ứng của quần chúng cả nước, phải đổi lại là quản thúc tại gia.

Từ năm 1926 cho đến ngày mất (1940), cụ Phan sống trong căn nhà tranh ở Bến Ngự, Huế.
Ngao ngán nhẽ một đời xả thân vì nước mà ngờ đâu lại có kẻ bội phản, báo thời khắc, lộ trình đi lại của cụ cho mật thám Pháp biết mà bắt cóc tại tô giới của Anh rồi đem về nước xử án. Trong vòng lao lí cụ vẫn không ngừng chí đấu tranh, vẫn viết sách, viết báo để cảnh tỉnh hồn dân tộc.

Chuyện “Lịch sử con Vá” do cụ viết đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936 kể chuyện chó để ngụ ngôn cho mọi người thấy chó còn hơn những kẻ mà cụ gọi là “mặt người lòng thú”, những “hạng muông người”. Chuyện con Vá cụ kể chủ yếu nêu cao đức trung nghĩa cùng những thành tích dũng cảm của nó.

Chuyện bắt đầu kể việc trồng bia mộ chó :

“Năm Giáp tuất âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu…

Kể chuyện chó, cụ lại nói đến người :

Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

Tôi nói : Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất, ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì ?...

Cụ Phan vừa kể lại vừa lí luận - đặt ngang chó với người thì kẻ “tinh thần mất hết tri giác” cũng là chó thôi nhưng chắc chắn chưa thể sánh được cùng con Vá, bởi Vá của cụ là tấm gương “dũng” với bao nhiêu những hành động can đảm : một mình chiến đấu với bầy dê đực hơn mười con mà chẳng hề sợ hãi; một mình đánh nhau với cả bầy chó Tây béo tốt… Chiến đấu dũng mãnh với cường địch đến nỗi bị thương mù cả hai mắt…

Kể về “dũng” xong lại kể tiếp về “nghĩa” : 

Còn như về phần “nghĩa” của Vá thì càng khiến cho tôi phải đặc biệt thương nhớ nó quá. Nó ở với tôi suốt tám năm hơn, trong miệng nó cắn người lạ có hơn trăm người, mà nó ghét nhất là những người thình lình vào buồng tôi nằm. Đêm nào nó cũng gác ở trong buồng tôi chẳng khác gì một tên vệ binh của Tào Tháo. Ban đêm đã thế mà ban ngày cũng vậy. Có một ngày kia, giữa buổi trưa tôi không nằm trong buồng; hai tên trò bé, đứa mười tuổi, đứa chín tuổi, lẻn vào buồng lên giường tôi nằm thẳng hai chân xuống. Bỗng Vá thấy được liền lấy miệng kéo chân bọn ấy ra (…). Một ngày kia nó đưa ông bạn tôi là cố Cháu ra ga, giữa đường bị người ta thiết mưu bắt nó, giam nó ở nhà họ từ bảy giờ mai đến tám giờ đêm mới mới thấy Vá chạy về thở ào ào, nằm thim thíp như hình đau mỏi lắm. Tôi lại thăm nó, thấy bên cổ nó còn có sợi dây buộc tròn, chắc là bọn bất nhơn kia đã trói nó riết lắm.

Vá ơi ? mày có nghĩa thật !

Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc là mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm hút rơi, ba miếng canh rau lạnh, và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta, ta thật không thể nào quên được Vá.

Lại có một phen nữa tôi đi lên vườn trên Nam Giao, nó đi theo tôi, tôi đuổi nó về. Đột nhiên mất nó đến bốn ngày. Ai dè tảng sáng ngày thứ năm sắc trời còn lờ mờ, người trong nhà ngủ chưa dậy, vỗ đầu nó thấy nó tiều tụy lạ thường chắc là ba bốn ngày nó không ăn một hột cơm nào. Người xưa có câu “Chó Nghiêu không ăn cơm Chích” e cũng có lẽ. Tôi vì thế mà càng đặc biệt thương yêu nó. Chẳng những thế, từ năm kia tôi nuôi một mụ ở; mụ này tuổi ngoài bốn mươi mà tính tham lam cũng phi thường. Có một đêm, mụ rình buổi tôi ngủ say, biết được bao giấy ở trong mình tôi, rình lẻn vào buồng, thò tay vào trong áo tôi vừa lần được bao giấy ra thì Vá ở dưới giường làm một tiếng “hộc” rất to, chụp vào chân mụ, mụ phải vứt bao giấy chạy mau ; tôi thột dậy thì bao giấy tôi đã chạy xuống chân giường.

(…) Trong lịch sử Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị” là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bã chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bã. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bã nó, bã mãi bã hoài mà không bã được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay…

Kể về “dũng” và “nghĩa” của Vá xong cụ Phan kết thúc :

“Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư ?...

Vậy là kể chuyện chó để nói đến điều xa xôi, to tát hơn. Kể chó là để nói tới người mà người đây là người dân Việt lúc này đang chịu đè nén dưới cường quyền, muốn thoát thì không chỉ có nghĩa, có dũng mà cần phải có cả trí nữa.

Câu chuyện trên năm 1992 được in lại trong Phan Bội Châu toàn tập; tập 4 ; NXB Thuận Hóa do GS. Chương Thâu sưu tầm và biên soạn.. Cả bộ sách đã tập trung được gần hết tác phẩm của cụ Phan từ rất nhiều nguồn : từ những đề từ, những câu đối quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán, những bài thơ ngâm vịnh, các bài văn nghị luận cho đến cả những bài phú, biểu, tán, văn bia, các truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí, tự truyện, các nghiên cứu về Chu Dịch… trên báo chí hoặc rải rác khắp trong quần chúng và các nhà Nho còn lưu giữ được… Tất cả được gom lại trong cả thảy 10 tập, hơn 4.000 trang. Thật là một công trình dày công phu, nhiều tâm huyết.

NHỮNG TẤM BIA MỘ CHÓ CỦA CỤ PHAN
ĐÃ LƯU DANH VÀO SỬ SÁCH

Đến Huế, về thăm mộ cụ Phan : phía dưới chân mộ nhà chí sĩ là 6 tấm bia mộ của hai con chó “nghĩa- dũng” và “nhân-trí” của cụ :

1- NGHĨA DŨNG CẨU (con Vá) :











Phiên âm: Nghĩa Dũng cẩu (con Vá ) chi trủng.

“Duy dũng dã, kiến cường tắc đấu ; duy nghĩa dã, tận trung ư chủ. Ngôn giả đa, hành hãn cấu. Nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ mang, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thuỳ tai , diện nhân tâm thú. Dụng thị thê nhiên, thụ bi nhữ mộ.”

GS. Chương Thâu tác giả “Phan Bội Châu toàn tập” - tập 6, trang 405 - NXB Thuận Hóa 1992, đã đọc nhầm mất 02 chữ (có gạch chân) :

a/…Ngôn giả đa, hành hãn hữu

(đúng ra là : …Ngôn giả đa hành hãn cấu. Chữ 覯 (cấu) ở cuối câu nghĩa là gặp được. Nghĩa cả câu này: Kẻ nói được thì nhiều nhưng kẻ làm được thì ít gặp).

b/…Ư duy nhữ Vá nãi kiêm nhi hữu…

( đúng ra là :…Ư duy nhữ mang nãi kiêm nhi hữu. Nghĩa là : Chỉ có mày là kiêm được cả (vừa NGHĨA lại vừa DŨNG).

Giữa câu không phải là chữ Vá mà là chữ mang ( 庬 ) nghĩa là lẫn lộn(Khác hẳn với “Vá” thuộc Nôm phải viết là 播 hoặc . Hơn nữa nếu đặt chữ “ Vá ” vào đây làm chủ ngữ thì câu trở nên sai về cấu trúc ngữ pháp). 

Bia quốc ngữ (cụ Phan dịch nghĩa) :

“Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa, nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó !

Ôi ! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó.”

Theo lời kể của “Lịch sử con Vá” trên báo thì thoạt đầu cụ Phan chỉ cho trồng bia một tấm, về sau chắc là cụ đã viết và cho khắc thêm hai tấm nữa, một bằng chữ Hán, một khắc bằng quốc ngữ kể công trạng của Vá. 

Sống trơ trọi không vợ con, không họ hàng thân thích. Mất con Vá, cụ Phan đau xót lắm. Vá chết năm 1934 ; ba năm sau lại chết thêm con Ky; cụ Phan cũng lập bia mộ cho nó. Mặc dù Ky không được cụ viết lịch sử lên báo như Vá nhưng xem mấy dòng ghi năm tháng cuối bia thì ta biết được Ky chết vào năm Đinh sửu (1937).

2- NHÂN TRÍ CẨU (con Ky) :










Phiên âm: Nhân Trí cẩu ( Ky ) chi trủng.

“Cận nhân giả, thường bần vu trí. Cận trí giả, thường bạc ư nhân. Nhân trí lưỡng bị, nan hĩ tai ! Hà vật súc nhân, nãi kiêm nhi hữu.

Đồng sự nhất chủ, tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới, nhân dã ! Kiến phi kì chủ, tắc cừu địch thị chi, hoá lợi bất năng nhị , trí dã.

Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.

Nam lịch Đinh Sửu nguyệt nhật. Chủ nhân Sào Nam chí.”

Sách “Phan Bội Châu toàn tập” (tập 6, trang 406 ) đã phiên âm bia này nhầm thêm 02 chữ nữa:

a/ …cận trí giả thường bần ư nhân

(đúng ra là : …cận trí giả thường bạc ư nhân . Nghĩa là : Kẻ gần với trí thì thường ít nhân).

b/…Nhữ nãi bất thọ. Thụ lặc sở cảm ư nhữ mộ…

(đúng ra là : Nhữ nãi bất thọ ; viên lặc sở cảm ư nhữ mộ… Nghĩa là :Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày.)

Bia quốc ngữ ( cụ Phan dịch nghĩa) :

Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí ; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con KY nầy lại đủ hai đức ấy.

Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó.

Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ thiệt là trí đó.

Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.

Mầy sao vội chết !

Hỡi trời ! Hỡi trời !

Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.

Đau đớn quá ! Đau đớn quá !

Kia những hàng muông người.

Bia công trạng của Ky viết dài hơn bia của Vá và cũng là những lời ca ngợi chó để so với loại mặt người dạ thú : “…Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.”

( Nhân mà trí, loài vật như mày lại được như thế! Trời ơi! Trời ơi!. Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày. Ai kia là người mà lại là thú đấy, chẳng thể sánh với mày được.)

Xem thế, tâm trạng của cụ Phan trong những năm sống hẩm hút ở căn nhà tranh bến Ngự ấy là hết sức cay đắng trước thói đen bạc của đời. Cụ xả thân cho xã hội mà đáp lại là những kẻ mặt người lòng thú luôn rình rập để mưu hại : kẻ đã bán cụ cho Pháp, kẻ lại theo lệnh Tây luôn ngó nghiêng do thám quanh nhà.

Xem mấy bia mộ chó của cụ Phan ta trộm nghĩ rằng phải chăng trên cõi đời này có nhiều kẻ chưa thể sánh được với Ki và Vá - chưa sánh được cả về tư cách lẫn cả cuộc đời, hành trạng ./.

Sưu tầm (Kiến Thức Ngày Nay Số 724 Ngày 20. 9. 2010 ).


Thư giản cuối tuần: Phát âm miền Tây Nam Bộ




 Mẹ nó, có cu mà không dê thì kiếm nó làm quái gì chứ!


Icon_Symbol_Laugh


Tại một cơ quan nọ có 3 ông cán bộ mang 3 cái tên: Hoan, Quan và Quang, mà theo giọng của người miền Tây Nam Bộ thì chỉ có duy nhất kiểu phát âm là “Wang”.
Một hôm, có một cô gái trẻ là dân Nam Bộ chính hiệu, đã đến gõ cửa cơ quan gặp ông bảo vệ và nói:
- Bác ơi, làm ơn cho con gặp anh Wang!
- Wang nào? Ở đây có 3 Wang;
Wang không có cu (Q) cũng không có dê (g); Wang có cu có dê và Wang có cu không dê.
Cô kiếm Wang nào?
- Dạ, con kiếm anh Wang có cu mà không dê đó bác!
Một anh người Bắc tình cờ đi ngang qua có nghe mẩu đối thoại đó, lầm bầm:
- Mẹ nó, có cu mà không dê thì kiếm nó làm quái gì chứ!”
(ST)

Một bài thơ ngắn có nhiều dị bản



Lê Bá Dương thời trẻ

Một bài thơ chỉ vỏn vẹn có 4 câu, thế mà lại có khá nhiều dị bản. Điều đó chứng tỏ bài thơ đã tạo được sự đồng cảm nơi người đọc đồng thời có sức lan tỏa trong công chúng... Nhưng tình trạng “tam sao, thất bổn” đã gây khó khăn cho nhiều người muốn sưu tầm thơ hay. Nhiều bạn đọc gửi thư cho chúng tôi hỏi về bản gốc của bài thơ này, chúng tôi đã liên lạc với tác giả bài thơ để hình thành bài viết này như một cách để trả lời bạn đọc...

Tác giả bài thơ Lời gọi bên sông là nhà báo Lê Bá Dương (phóng viên Báo Văn hóa thường trú tại miền Trung và Tây Nguyên), anh từng là bộ đội lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị (từ năm 1968 - 1973). Sau chiến tranh, kể từ năm 1976, năm nào anh cũng có đôi ba lần về lại chiến trường xưa thắp hương, thả hoa cho đồng bào, đồng đội. Cũng chính từ việc làm của anh mà ở Quảng Trị đã hình thành lễ hội truyền thống Thả hoa trên sông vào mỗi dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7) hằng năm...

* Xin anh giới thiệu xuất xứ bài thơ Lời gọi bên sông một cách... chính xác nhất ?

- Bài thơ được “viết” vào chiều ngày 27.7.1987. Chữ “viết” tôi để trong ngoặc kép vì cái cách làm thơ câu chữ chợt đến trong đầu, nhớ nhập tâm rồi sau này tiện lúc nào thì viết thành chữ vào nhật ký, sổ tay và bài thơ Lời gọi bên sông cũng có cùng cách viết như vậy. Hôm đó thả hoa cho đồng đội xong, tôi một mình ngồi lặng lẽ bên bờ sông Thạch Hãn, chợt thấy những chiếc thuyền đang ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo đang hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Cứ vậy, từng lời như từ lồng ngực tôi bật ra thành câu, thành chữ: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Tan chợ chiều xuôi đò có vội/Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong”. Tôi “viết” để trải lòng mình nên cũng chẳng gửi in ở đâu, chỉ có đọc cho nhà văn Thế Vũ nghe khi chúng tôi đi tàu từ Huế vào Nha Trang. Sau này (khoảng năm 1990), chúng tôi có dịp gặp lại cùng với nhà văn Đỗ Kim Cuông. Anh Thế Vũ bảo tôi đọc lại bài thơ. Đọc xong anh Đỗ Kim Cuông góp ý: “Bài thơ cảm động nhưng xót xa quá. Về câu chữ thì từ “xin” cứ lặp đi lặp lại, có nên không ?”. Tôi đã sửa từ “xin” ở câu đầu tiên thành từ “ơi”. Đây là thán từ gọi đò theo phương ngữ Quảng Trị (ơi đò... bớ đò... đò ơ!) khi gọi lên có tiếng đồng vọng nên nghe càng thắt thẻo hơn. Riêng 2 câu cuối được viết lại thành “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Bản này được in trên tạp chí Khoa học công nghệ Khánh Hòa dịp 27.7.1990.

* Và, những dị bản?

- Có một nhà báo là chỗ anh em thân tình, anh đã nhiều lần giới thiệu bài thơ Tiếng gọi bên sông trong các bài viết của anh, nhưng qua đó anh cũng tạo ra một dị bản: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”. Có lẽ bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người nên người này nhớ một hai câu, người khác thuộc trọn bài nhưng hầu như nếu so sánh thì vẫn có vài từ khác nhau: Đò lên (Đò xuôi)... ơi chèo nhẹ (xin chèo nhẹ)... Có tuổi hai mươi (có tuổi đôi mươi)... thành sóng nước (hòa sóng nước)... bờ mãi mãi ngàn năm (bờ bãi mãi ngàn năm). Ngay trong bản thơ xuất hiện một cách khiêm nhường ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị cũng có 2 từ chưa chính xác. Đó là từ xuôi và xin ở câu thơ đầu tiên, đúng trong nguyên bản là từ lên và ơi... Như vậy, ngoại trừ nguyên bản ban đầu và “nguyên bản” thứ 2 do tác giả sửa thì các dị bản truyền miệng trong dân gian không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên cho dù đọc với chính bản hoặc bất cứ dị bản nào thì đều cảm nhận đó là tiếng lòng nguyên vẹn của tác giả gửi gắm vào những dòng thơ xót xa hòa lẫn máu và nước mắt thấm đẫm tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Bởi vậy, có lẽ không nên đặt các bản thơ lên bàn cân xăm soi, chẻ từ, chiết nghĩa làm gì. Tôi tuy là tác giả nhưng vẫn coi bài thơ là tiếng lòng của mọi người.

* Nghe nói chung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại?

- Hiện bình quân mỗi ngày tôi nhận được 1 cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí ở Phú Yên cũng có người gọi Tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin về bài thơ, tên, số điện thoại của tác giả. Nhiều người cứ tưởng bài thơ còn nhiều câu nữa nên gọi điện hoặc trực tiếp đề nghị tôi cho biết trọn bài thơ. Ngay cái tựa Lời gọi bên sông cũng là một giai thoại. Lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề” như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đem bài thơ đi in, thấy thiếu cái tựa liền gọi điện hỏi tôi. Tôi giải thích đó chỉ là lời người bên sông... Không ngờ người biên tập cho in luôn tựa bài thơ là Lời gọi bên sông.

H.Đ.N 

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)


THƠ LÊ BÁ DƯƠNG: LỜI GỌI BÊN SÔNG






Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm


(Sưu tầm: Dương Đình Hữu - ĐN)




Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Xúc động cảnh chó chôn xác đồng loại trong cát

Mời bà con bấm vào đây:

http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/128589/xuc-dong-canh-cho-chon-xac-dong-loai-trong-cat.html

“Gà thành phố” - thú cảnh đang hút hồn người nuôi




Các thí sinh gà tham gia cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013". (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Bao giờ cũng thế, cứ mở cửa phòng làm việc là Phạm Tú Anh lại chạy lên thăm “căn phòng” của những chú gà cảnh. Với cậu thanh niên sinh năm 1987 này, việc dành khoảng hơn ba giờ đồng hồ, chia đều ba buổi mỗi ngày để chăm sóc các "em gà" Serama, từ việc cho ăn, vuốt ve, tắm rửa hoặc cho các "em" vận động là thú vui thường nhật.

Hơn một năm nay, mốt chơi gà Serama đang "bùng nổ" trong cộng đồng chơi sinh vật cảnh ở đất Hà Thành. Họ đã thành lập Hội những người thích gà Serama Hà Nội để cùng nhau chia sẻ trải nghiệm chơi giống gà độc đáo có nguồn gốc từ Malaysia.

“Say” gà


Mặc khách ngồi thu lu một chỗ với ly cà phê, Tú Anh mải miết chải lông, vuốt ve những chú gà Serama có hình dáng kỳ lạ, ngực ưỡn thẳng về phía trước. “Ngôi nhà” của các “em gà” [theo cách gọi của Tú Anh-pv] rộng khoảng 7m2, nằm trong quán càphê ở ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Tú Anh kể rằng, cuộc sống hiện tại của anh khó lòng rời xa những "em gà" Serama nhỏ bé. Là người thường xuyên ra Bắc vào Nam, mỗi lần đi dù chỉ vài tuần, anh đều xách theo hơn 40 "em gà" cùng hành trang của các "em" như thức ăn, lồng, hộp... lên tàu.

“Trong suốt hành trình gần 2.000km, mình luôn phải cho chúng ăn và ủ ấm cho chúng. Nhìn chúng say tàu lù rù, chẳng ăn uống được nhiều suốt dọc đường thương lắm nhưng để chúng lại thì không đành. Ngoài bản thân mình trực tiếp chăm chúng thì không yên tâm giao cho ai cả,” Tú Anh chia sẻ.

Không chỉ “xách” gà cưng đi dọc Tổ quốc mà làm việc ở đâu Tú Anh cũng nuôi vài "em" ở đó, ngay cả tại văn phòng riêng ở công ty anh cũng dành ra nửa mét vuông để nuôi gà.

Khoe với Vietnam+ bộ sưu tập những quả trứng bé chỉ bằng nửa viên bi ve, Tú Anh hồ hởi: “Những quả trứng ‘lỗi’ của mấy em này còn nhỏ hơn cả quả trứng có kích thước bé nhất thế giới ghi trong kỷ lục Guiness đấy. Mỗi lần gà đẻ, mình đều giữ lại toàn bộ, cất riêng làm kỉ niệm.”

Là một trong những thành viên đầu tiên của Hội những người thích gà Serama Hà Nội, Tú Anh cho biết cách đây khoảng một năm số lượng người chơi ở Hà Nội chưa đến chục người vậy mà hiện nay đã ngoài 50 người, mỗi người cả vài chục con gà. Đấy là còn chưa kể những người nuôi gà không gia nhập hội thì không đếm xuể. “Đây là một giống gà được người chơi đánh giá là đẹp, dễ nuôi trên diện tích nhỏ và còn được gọi là ‘gà thành phố’,” Tú Anh hồ hởi.



Tú Anh coi việc chăm sóc đàn gà Serama của mình như một phần tất yếu trong cuộc sống. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Cũng là một thành viên trong hội, đam mê và sở hữu hơn chục "em gà," anh Nguyễn Bá Hiếu (sinh năm 1982, ở Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội), thì kể vì thú chơi này mà bị vợ kêu ca rất nhiều. “Say” gà đến nỗi, khi đi làm về chẳng kịp ngắm vợ con đã ra… nghía đám gà.

Nhà chật, nhưng cứ hễ trống chỗ nào là anh Hiếu lại làm chỗ nhốt gà, thậm chí là cả trong phòng ngủ. Mê gà, anh đã tìm các loại sách vở liên quan đến việc chăm sóc gà từ khi mới nở đến lúc trưởng thành, ghép trống, ấp trứng… Theo kinh nghiệm của mình, anh Hiếu cho hay nuôi 10-20 con gà mỗi tháng cũng hết hơn 1 triệu đồng chi phí.

Anh Vũ Anh Điệp, 30 tuổi, ở Cầu Giấy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ gà Hà Nội cho biết, hiện nay, Hội gà ở Hà Nội họp định kỳ 2 lần/tháng nhằm trao đổi kinh nghiệm, đưa gà đi giao lưu với nhau.

Khi trao đổi, gà được dân chơi định giá theo cảm quan. Giá một "em" Serama trung bình từ 7-8 triệu đồng, "em" đoạt giải nhất vẻ đẹp gà năm 2012 được người chơi định giá lên đến 30 triệu đồng. Cá biệt, ở Hà Nội có trường hợp “chuyển nhượng” lên tới 50 triệu đồng/con; Thành phố Hồ Chí Minh gần 100 triệu đồng/con.

Kỹ nghệ “nắn” dáng gà


Mới đây, dân chơi gà cảnh thủ đô đã tổ chức cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013.” Trong cuộc thi, mỗi “em” phải vượt qua khoảng 60 hạng mục, chia làm 6 tiêu chí lớn bao gồm: kiểu (30 điểm), tính cách (25 điểm), đuôi (15 điểm), cánh (10 điểm), lông (10 điểm), điều kiện khác (10 điểm). Gà trống và gà mái đều được dự thi và chịu sự đánh giá giống nhau.

Ban giám khảo là những “chuyên gia,” là chủ nhiệm các câu lạc bộ trong làng chơi gà cảnh. Gà được thả vào trong những chiếc lồng rộng, thời gian thi khoảng một tiếng để các “em” phô diễn vẻ đẹp. Trong cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013," ngoài việc chấm điểm từ Ban giám khảo, mỗi chủ gà được phát phiếu đánh giá, bình chọn, chấm điểm cho “em” nào ấn tượng nhất. Sau đó, Ban giám khảo cân đối điểm rồi lựa chọn ra quán quân xứng đáng.

Theo các “nhà gà học,” để có được một thí sinh gà đi thi giải, người nuôi phải luyện tập cho chúng trong gần một năm trời. Với các ‘kiểu’ khác nhau, gà cần có một chế độ ăn và chế độ luyện tập phù hợp. Thông thường, phải mất đến 9 tháng thì dáng gà mới hoàn thiện.

Là người có “em gà” đoạt giải Nhất tại cuộc thi vừa qua, anh Hiếu cho hay, để nắn dáng, khi còn nhỏ xương mềm, gà sẽ được cho vào một chiếc hộp chữ nhật kín có kích thước đáy vuông nhỏ. Chiếc hộp này để hở phía nắp trên cho ánh sáng chiếu vào buộc con gà lúc nào cũng phải ngửa lên nhìn để “nắn xương, tạo dáng” cho gà khoảng khoảng 4-5 tháng.



Chuồng đặc biệt dành cho việc "nắn" dáng gà. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Để gà trình diễn đẹp khi thi, chúng sẽ được luyện tập bằng cách “đối mặt” với một con gà ở một chiếc lồng khác nhằm kích thích phô diễn, gây ấn tượng. Hàng ngày, chủ gà phải đi kiểm tra khả năng của các “em” để uốn nắn kịp thời và nhặt ra các “em” thể hiện năng khiếu tốt nhất. Dáng dấp, tính cách của các “em” hoàn thiện đến đâu còn phụ thuộc vào cái duyên, tay nuôi của chủ gà. Các “em” không được tham dự nhiều mùa thi trong cùng một giải, muốn tham dự mùa tiếp thì chủ gà phải đào tạo một “em” hoàn toàn mới.

Thức ăn dành cho gà Serama cần đủ sáu loại ngũ cốc: kê, thóc, vừng đen, vừng trắng, gạo lứt, cám gà con. Thỉnh thoảng người nuôi cần cho gà ăn thêm thuốc phòng cúm, chất dinh dưỡng bổ sung vitamin giúp gà khỏe mạnh, kích thích ăn uống và sung sức hơn.

Gà Serama được nuôi trong nhà kín gió và cần bóng đèn để giữ nhiệt. Trong điều kiện trưởng thành, chế độ ăn của gà thêm các loại tép khô xay. Khi gà thay lông hoặc khi gà còn non thì cần thêm trứng cút lộn xay nhỏ, dầu cá (2 ngày/viên) kích thích mọc lông, mượt lông. Gà sẽ được sẽ ép chế độ cân từ 3-4 tháng sau đó mới ép dáng.

“Chăm gà như chăm con, bất kỳ ‘em’ nào bị ốm mình cũng phải thức cả đêm để bơm nước, bơm thuốc cho gà, đứng ngồi không yên. Vất vả là thế nhưng mà vui, và lại vui hơn khi thấy giống gà này ngày càng có nhiều người đam mê,” anh Hiếu chốt lại./.



Cận cảnh một chú gà Serama trong cuộc thi "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013". (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Quán quân giải "Vẻ đẹp gà Serama Hà Nội mở rộng tháng 6/2013". (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Serama hiện là giống gà tre nhỏ và nhẹ nhất trên thế giới, có nguồn gốc từ Malaysia. Đây là giống gà có bộ lông đẹp, đặc biệt là kích thước tí hon khiến người ta có thể nuôi gà cả trong nội thành. Hiện nay, người nuôi gà Serama vẫn đang tiếp diễn việc giảm trọng lượng của vật nuôi này với một số cá thể gà trống đạt 185 g và gà mái đạt 155 g.

Giống gà này được người nuôi chơi về dáng, bao gồm: dáng thon (slim), dáng táo (apple), dáng tròn (ball) và dáng rồng (dragon). Trong đó, dáng rồng là dáng đẹp nhất của giống gà này với đầu nằm xa về phía sau, ức cao vượt mặt, cánh được giữ thẳng đứng và chân có độ dài từ trung bình đến ngắn.

Khi mới về Việt Nam, giá gà bố mẹ được nhập từ Malaysia cao ngất ngưởng hơn 20 triệu đồng/đôi, để tiết kiệm chi phí, dân chơi gà đã tự nhân giống. Sau vài năm, số lượng gà đến nay ước tính đã có khoảng hơn 1.000 con tại Hà Nội và chính thức được cấp giấy phép thành lập Hội những người thích gà Serama Hà Nội trực thuộc sự quản lý của Hội sinh vật cảnh Hà Nội.

Quỳnh Trang (Vietnam+)


Chuyện làm ăn: 'Vua' rắn mối miền Tây

Là thạc sĩ thể dục thể thao nhưng Thuyết lại có đam mê trái ngành. Không chỉ làm giàu từ rắn mối, anh còn nuôi thêm lươn, dế, bồ câu, nhím, heo rừng và cả sâu bọ.
Thuyet-ran-moi-1372146032_500x0.jpg
Thạc sĩ thể dục thể thao Nguyễn Văn Thuyết với đam mê trái nghề. Ảnh: Duy Khang
Quê Hà Tĩnh, theo cha mẹ vào Nam lập nghiệp năm 4 tuổi. Kinh tế gia đình gặp khó khăn, học hết lớp 9 Nguyễn Văn Thuyết rời ghế nhà trường để sửa xe đạp kiếm sống. Một năm sau được bạn bè động viên, anh thi vào sư phạm rồi trở thành giáo viên thể dục của Trường tiểu học Phong Phú A của huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Hàng ngày, sau giờ dạy, Thuyết tiếp tục bám lấy lề đường sửa xe để tăng thêm thu nhập.
                                          Ảnh: 'Vua' rắn mối đa năng
Những lúc vắng khách, Thuyết thấy rất nhiều rắn mối chui ra từ đám cỏ ven đường. Thế là anh tìm cách bắt cho bằng được loài bò sát có chân để cải thiện bữa ăn. Lúc đầu Thuyết nướng, sau đó lột da hấp xé thịt trộn gỏi rồi đến nấu cháo, xào sa tế… và thấy món nào chế biến từ rắn mối cũng ngon. Từ đây, suy nghĩ làm giàu từ nghề nuôi rắn mối bán cho nhà hàng, quán nhậu lóe lên. Năm 2008, Thuyết bỏ ra 150.000 đồng trả công cho vài thiếu niên trong xóm giúp anh săn hàng chục con rắn mối mang về nuôi bằng thức ăn chủ yếu là cào cào, dế chũi.
Hai năm sau đàn rắn mối của Thuyết tăng trưởng lên hàng nghìn con. Lúc này anh chuyển công tác về Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, đàn rắn cũng di cư dần về trang trại cuối đường Nguyễn Thị Định trong khu địa ốc thành phố Bạc Liêu. Thời gian này Thuyết vừa cho tăng đàn, vừa bắt rắn trưởng thành bán lẻ cho nhà hàng, quán nhậu ở miền Tây với giá trên 500.000 đồng một kg. Kinh tế gia đình ổn định, Thuyết khăn gói sang Quãng Châu (Trung Quốc) làm nghiên cứu sinh và trở về nước với bằng thạc sĩ khoa học thể dục thể thao loại giỏi.
chuong-nuoi-ran-moi-1372146033_500x0.jpg
Chuồng nuôi rắn mối đơn giản của anh Thuyết. Ảnh: Duy Khang
Vừa dạy vừa làm kinh tế gia đình trong điều kiện đất đai hạn hẹp. Vì vậy, không chỉ rắn mối mà Thuyết còn nghiên cứu cách nuôi heo rừng, nhím, bồ câu, lươn, dế... Trong khuôn viên rộng hơn 1.000 m2, chủ trang trại 35 tuổi dành một nửa để nuôi rắn mối với hàng nghìn viên gạch ống chất cao 6 lớp. Cạnh đó là hồ thủy tạ nhỏ gọn, xung quanh hồ được trồng rau lang, rau muống để tạo môi trường tự nhiên. Trên tường rào khoảng 1m, anh Thuyết xây viền bằng gạch men có độ trơn cao để rắn không thoát được ra ngoài.
Theo anh Thuyết, dùng gạch ống cho rắn mối trú thân và sinh sản sẽ rất tiện cho việc vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Gạch ống hút nước nhanh, tạo không gian khô thoáng, giúp bò sát ít bị bệnh. Hôm nào rắn lười ăn vì "trái gió trở trời", anh Thuyết ra đồng săn dế "đãi" lũ bò sát. Ăn xong rắn khỏe mạnh nhanh, Thuyết nhận định vài bộ phận trong cơ thể dế có sức đề kháng tốt. Vậy là chủ trang trại cho dế sinh trưởng đại trà trong các thùng xốp để làm “mồi” cho rắn và bán ra thị trường với giá 150.000 đồng một kg.
Không chỉ có dế, cá lòng tong và tép chấu, anh Thuyết còn nghiên cứu cách nuôi sâu bọ để thức ăn của rắn mối thêm phong phú, có nhiều dinh dưỡng và sức đề kháng chống bệnh hiệu quả. Từ những con sâu mua về cho rắn ăn còn dư, anh Thuyết nuôi thành bọ cánh cứng. Chính những con bọ này đẻ ra trứng rồi Thuyết mang trứng bỏ vào các khai nhựa chứa cám hỗn hợp với trái cây, vỏ thơm (khóm) phế phẩm xin được ở chợ gần nhà.
ran-moi-1372146033_500x0.jpg
Cạnh "lâu đài" gạch ống dành cho rắn mối, anh Thuyết trồng vài cây xung quanh và trồng rau lang, rau muống để tạo môi trường tự nhiên cho loài bò sát trú ngụ. Ảnh: Duy Khang
"Hiện nay sâu bọ trong trại của tôi không chỉ dùng làm thức ăn cho rắn mối mà còn bán ra ngoài với giá 180.000 đồng một kg. Tới đây tôi mở rộng trang trại, tăng đàn rắn, dế và sâu bọ để thu hút khách du lịch đến tham quan miễn phí", anh Thuyết tiết lộ kế hoạch.
Không giấu kinh nghiệm, hàng ngày Thuyết lên website của mình để chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các bạn trẻ quan tâm đến nghề nuôi rắn mối và các loại côn trùng. Với số lượng rắn mối dao động từ 50.000-70.000 con, mỗi tháng anh xuất chuồng khoảng 7.000-8.000 cá thể trưởng thành (hơn 200 kg) với giá sỉ 300.000 đồng một kg, thu lãi hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa kể Thuyết bán rắn mối giống với giá 15.000 đồng một con và thu nhập thêm từ đàn dế, sâu bọ.
Duy Khang

Chuyện học hành: Bài văn 200 triệu đồng

 - "Chìa khóa của chiếc hòm cuộc đời kỳ diệu nằm ngay lúc này, ngay trong suy nghĩ của chính mình" là câu kết trong bài luận giúp Minh Hoàng nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo trị giá 200 triệu đồng.

học bổng, bài luận, nghị lực, Đại học FPT
Bài luận củaNguyễn Minh Hoàng, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, viết gửi Trường ĐH FPT để tham gia chương trình học bổng Nguyễn Văn Đạo.
Đôi chân không bình thường như những người khác, nhưng Minh Hoàng vẫn nỗ lực rèn luyện và trở thành một trong những thành viên của hội “đá cầu phủi” Hà Nội.
Chơi ghi-ta với một niềm đam mê, Hoàng dùng tiếng đàn để nhìn thấy những nét đẹp của cuộc đời.
Say mê môn toán, và đạt được những thành tích học tập tốt Minh Hoàng tự tin nộp hồ sơ tham gia học bổng Nguyễn Văn Đạo.
Minh Hoàng cho biết: bài luận này là những cảm xúc chân thật của mình về mẹ, về cuộc đời mà một đứa trẻ như Hoàng có nhiều điều kiện hơn để trải nghiệm.
Mẹ Hoàng, chị Nguyễn Thúy Đào, kể: trưa ngày 15/3, chị lên ký túc xá trường THPT chuyên ĐH KHTN HN để chở Hoàng đi nộp hồ sơ. Trong vòng một tiếng đồng hồ, từ 13h đến 14h cùng ngày, Minh Hoàng ngồi viết bài luận. Sau đó, chị Đào nhờ người đánh máy giúp, rồi nộp hồ sơ học bổng. Bản viết tay bài luận của Minh Hoàng, chị Đào lúc nào cũng nâng niu như một “báu vật”.
học bổng, bài luận, nghị lực, Đại học FPT
Cây đàn ghi-ta là bạn đồng hành, giúp Minh Hoàng nhìn thấy những nét đẹp và lạc quan trong cuộc đời
 Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Hương, một trong hai người trực tiếp phỏng vấn Minh Hoàng ngày 5/5 chia sẻ: Minh Hoàng có đầy đủ 3 tiêu chí để được lựa chọn trao học bổng gồm tài năng (căn cứ vào kết quả học tập), ý chí (nghị lực học hành, vượt lên khó khăn, hoàn cảnh gia đình...) và đam mê (thể hiện rõ qua việc yêu thích công nghệ thông tin). Hoàng xứng đáng nhận học bổng 100% (trị giá trên 200 triệu đồng).
Ngoài ra, Hoàng là một học sinh khá đặc biệt, em có khả năng chơi ghita và mặc dù sức khỏe của em không tốt nhưng em có nghị lực và luôn nỗ lực trong học tập.
học bổng, bài luận, nghị lực, Đại học FPT
Minh Hoàng (giữa) trong vòng tay gia đình
Dưới đây là bài luận của Minh Hoàng.
Để hiểu về một ai đó quả thật không phải chuyện dễ. Ngay tới chính bản thân họ, đôi khi họ cũng không thể hiểu nổi mình. Thực chất, để hiểu được bản thân mình không khó. Nếu chúng ta có những khoảng lặng, ngồi nghĩ về những gì đã qua, đánh giá về những việc mình đã làm, đó là hình ảnh chân thực nhất về bản thân. Vậy ta có thể thay đổi bản thân ta không? Bản thân ta không cố định, thế nên hoàn toàn có thể thay đổi. Cứ như vậy, càng trải nghiệm, sẽ càng hiểu bản thân hơn, bản thân gắn với cuộc đời này, sẽ càng hiểu cuộc đời hơn. Chúng ta sẽ biết rằng, cuộc đời này kỳ diệu vô cùng.
Tôi sinh ra không được khỏe mạnh như những người khác. Bệnh tật bám tôi dai dẳng ngay từ khi tôi có mặt trong cuộc đời này. Thật khó tin với một đứa trẻ sinh ra 3,1kg mà 6 tháng tuổi chỉ vỏn vẹn 4,5kg. Đến bây giờ, nhiều người vẫn nói rằng: “Nếu không phải là con của mẹ mày, thì mày chết lâu rồi!”. Bất hạnh phải không? Với tôi thì không, vì tôi biết được rằng tôi có một người mẹ tuyệt vời. Và cũng thật may mắn, đầu óc của tôi bình thường, được ăn học đàng hoàng, được sống trong một gia đình hạnh phúc. Như vậy, một chút bất hạnh trên chả là gì! Mà cũng cảm ơn nó vì nó mà tôi biết mẹ tôi yêu tôi nhất!
Ngày trước, mẹ cũng hay đánh mắng tôi. Chuyện đó xảy ra nhiều lắm, cũng thật khó mà thống kê hết được. Nghĩ lại thấy mình thật ngốc! Trước khi bị mắng thì tưởng mình đúng, mình hay lắm, nhưng khi bị mắng mới thấy tội lỗi chồng chất. Nhưng tôi biết mẹ muốn tốt cho tôi. Và vì thế tôi không bao giờ cãi lại mẹ tôi, dù chỉ một câu. Nếu như không có những trận mắng đó, thì cũng không có tôi bây giờ! Thật buồn vì nhiều người con lại nghĩ rằng mẹ không thương nó, rồi từ lòng tự tôn mù quáng ích kỷ, mà thành những ngã rẽ cuộc đời! Chỉ từ một việc thôi, việc suy nghĩ và đánh giá khác nhau sẽ dẫn đến những hành động khác nhau, và từ đó dẫn đến những số phận cuộc đời khác nhau. Việc quyết định thế nào là ở mình!
Với một cậu con trai tinh nghịch, thích khám phá và tư duy thì toán học là một môn học được ưa chuộng. Với tôi không phải ngoại lệ. Và sau những cố gắng hồi cấp 2, tôi đã thi được vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, một trường có thể nói là khá danh giá và nổi tiếng. Tôi được ở ký túc xá, được tiếp xúc với cuộc sống tự lập. Ở đây, tôi biết rất nhiều người, và biết được rất nhiều những cảnh đời khác nhau, và cả những cách đánh giá khác nhau về cuộc đời mình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng tóm lại, đa số họ không thấy thoải mái trong cuộc sống. Có nhiều nguyên do lắm! Có thể là do cuộc sống gia đình, có thể do học tập, hay do những gì không may xảy đến. Và họ đổ lỗi cho cuộc đời, cho số phận, cho người khác…
Có phải cuộc đời quá bất công với họ không? Sao lại nhiều người bị cuộc đời bất công như thế? Từ lúc sinh ra, quả thật không phải ai cũng giống ai. Có nhiều người sinh ra trong nhà giàu, có người sinh trong nhà nghèo, có người khỏe mạnh, có người ốm yếu, tật nguyền… Cuộc đời bất công vậy sao? Không! Cuộc đời không bất công, thực tế rất công bằng. Cuộc sống này chỉ là một sau bao nhiêu cuộc sống khác. Những gì đang hiện diện là hệ quả của chuỗi thời gian phía trước. Nhưng không nói về những gì đã xảy ra trước đó, vì chúng đã qua rồi. Hãy coi như ngay lúc này đây là khởi điểm và việc của chúng ta là vẽ tiếp đường đời phía trước, tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chính mình.
Có một điều rất đơn giản, cái gì phù hợp với mình thì sớm hay muộn cũng đến với mình, còn những gì không phù hợp với mình thì dù cố gắng giữ nó cũng đi mất. Một người nghèo với đầu óc kinh doanh giỏi thì sẽ trở nên giàu, và khi giàu anh ta có thể quản lý đồng tiền do anh ta kiếm. Một cậu công tử được để lại một tài sản kếch xù, nhưng không biết cách sử dụng, rồi ăn chơi thì phá sản là điều tất yếu. Một người tốt thì được nhiều người quý. Người xấu thì bị coi thường… Thế giới không thể thay đổi, vì thế ta phải thay đổi chính bản thân mình. Cũng có những lúc cảm thấy cuộc sống không hạnh phúc hay thấy khó chịu, nhưng nếu không có điều xấu thì cũng không có điều tốt, không có tối thì cũng không có sáng. Những điều đó luôn tồn tại song song, nhìn về một sự việc nghĩ nó là tốt cũng đúng, nghĩ là xấu cũng đúng, điều quan trọng là mình nghĩ về nó ra sao. Nếu luôn thấy được niềm hạnh phúc ngay trong những gì mình đang có, thì chúng ta sẽ luôn thấy hạnh phúc.
Cuộc đời thật kỳ diệu. Điều kỳ diệu đó đến khi ta tích cực. Chính một suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến một hành động tích cực; một hành động tích cực sẽ dẫn đến một thói quen tích cực; một thói quen tích cực sẽ dẫn đến một cuộc đời tích cực. Chìa khóa của chiếc hòm cuộc đời kỳ diệu nằm ngay lúc này, ngay trong suy nghĩ của chính mình.
  • Chân Luận

Quái lạ: Kim loại mọc ra từ ... bụng!

ANTĐ - Báo chí Indonesia trong 5 năm trở lại đây vẫn thường nhắc đến trường hợp vô cùng bí ẩn về cô Noorsyaidah, 45 tuổi, một giáo viên mầm non, sống tại ngôi làng Sangatta, Đông Kutai, từ ngực - bụng của cô mọc ra tua tủa những kim loại sắt!? Có những đoạn kim loại dài đến  20cm. Chúng cứ tiếp tục lớn dần và không chịu rụng. Noorsyaidah phải sống cùng phiền toái này suốt 22 năm qua mà không biết là vì sao. 



“Đùn đùn, nó đâm lên khỏi bề mặt da”!

Noorsyaidah bắt đầu thấy trong người xuất hiện các biểu hiện lạ vào năm 1991 khi cô đang là sinh viên học ở trường đại học Mulawarman. Ngày hôm ấy, trong lúc tắm, cô hết sức ngạc nhiên và sợ hãi khi tận mắt nhìn thấy một sợi dây chồi ra từ ngực trên của mình. Chưa hết hoảng hốt, ngày hôm sau, các sợi dây khác thi nhau tủa ra như chiếc bàn chải dùng để kì cọ được làm bằng các dây sắt. Mỗi một đoạn kim loại đó dài từ 10 -20 cm. Khi nhô lên khỏi da chúng khiến cho cô Noorsyaidah có cảm giác đau đớn như bị kim châm liên tục nhiều lần trong cùng một thời gian. Đùn đùn, nó đâm lên khỏi bề mặt da, có lần có đến thảy 2-3 sợi cùng mọc lên trong khoảng khắc thời gian ngắn ngủi. Tất cả trông như là một cảnh được làm từ công nghệ hiện đại…”,  Noorsyaidah cho biết.

Tiếp đó các dây kim loại trông rất giống một sợi dây sắt rỉ “chui” ra khỏi ngực và bụng của cô. Chúng không chỉ làm cô đau đớn mà còn làm cô không thể di chuyển bình thường. Cô luôn phải cúi xuống và kéo áo ra khỏi những chỗ có kim loại mọc ra. Trong tuần đầu tiên chúng có rụng đi, để lại vết sẹo nhỏ. Tuy nhiên, một tháng sau chúng lại đùng đùng mọc lại. Không giống như lần mọc đầu tiên, bắt đầu từ lần mọc thứ 2 này trở đi, chúng không bao giờ rụng nữa. Chúng cứ tiếp tục lớn dần, có cái tồn tại đến 7 tháng. Trong những điểm chồi ấy, có một vài chỗ bị nhiễm trùng vì quá trình ôxi hóa kim loại. Nó bắt đầu rỉ, ăn vào da thịt cô Noorsyaidah càng bị đau đớn, cô phải dùng các loại thuốc khử trùng, sát trùng để chữa trị các vết thương.

Một cơ thể sống bình thường!?

Trong suốt 22 năm qua, Noorsyaidah đi đến nhiều bệnh viện với hy vọng các bác sĩ sẽ tìm ra được nguyên nhân và phương pháp chữa trị. Nhưng đi đến đâu, cô cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ngậm ngùi, người phụ nữ ấy mang theo đau đớn và sự khó hiểu về nhà. Nhưng sau đó, đến năm 2007, chứng bệnh kỳ lạ của cô bắt đầu thu hút giới truyền thông và sự quan tâm của nhiều người. Một bệnh viện ở Samarinda đã đồng ý trả tiền viện phí điều trị và tiến hành các nghiên cứu về trường hợp lạ của cô. Một nhóm gồm 7 bác sĩ và các chuyên gia của bệnh viện ở Samarinda được lập ra mang tên Wahab Sjahranie. Kết quả cho thấy, những sợi dây kim loại này mọc và tăng trưởng ở dưới bề mặt của da. Chính vì vậy, nó không đâm sâu vào nội tạng trong cơ thể của Noorsyaidah. Còn nguyên nhân sự đâm chồi của những dây kim loại là do đâu thì họ chưa thể xác định được. 

“Tôi chưa bao giờ thấy và cũng chưa bao giờ gặp một trường hợp nào mắc bệnh kỳ lạ đến như này. Con người không thể sinh ra dây sắt hoặc gắn bó với nó trong cơ thể của chính mình”, ông Ajie Syirafudin, Tổng Giám đốc Bệnh viện Abdul Wahab Sjahranie cho biết. Trường hợp của Noorsyaidah là cơ thể cô ấy tự sinh ra. Trong khi đó, các xét nghiệm chứng tỏ, mọi chức năng trong cơ thể của Noorsyaidah đều khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Thời gian đầu, các điểm chồi kim loại có bị nhiễm trùng nhưng suốt thời gian gần đây, chúng không bị nhiễm trùng nữa, Noorsyaidah cũng không còn phải thường xuyên dùng thuốc rửa như trước. Theo lý thuyết thì một cơ thể người bình thường sẽ từ chối bất cứ một vật thể cứng lạ nào đâm vào mà gây ra những phản xạ khác nhau, nhưng ở Noorsyaidah sự phản xạ đó dừng như “tạm ngừng”, “liệt”. “Dây không phải là xương hay một định dạng nào. Đây là một dây sắt!”, ông Ajie nhấn mạnh.
Ngân Hà 
(Theo Mysterytopia)

Chuyện làm ăn: Bỏ học tiến sĩ về quê làm mắm

LTS: Hỡi những Giáo sư, Tiến sỹ, Kỷ sư, Cử nhân... giấy hãy tự ngắm lại mình với bao đề tài, luận án, đề án rởm mãi mãi chỉ là mớ ...giấy lộn.

Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...

Những ngày này, Đào Thị Hằng tất bật đi về giữa TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị để tham dự hội thảo, làm thủ tục kiểm định chất lượng các loại mắm, thiết kế nhãn mác, quảng bá hàng hóa... Vì thế, Hằng hầu như không có nhiều thời gian để thăm nhà. 
Sinh ra trong gia đình đông anh em, làm nghề chài lưới ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nhà Hằng rất nghèo. Trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên cô thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia. Còn Hằng chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc thợ may. Thi năm đầu tiên trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, Hằng xin ba mẹ ôn thêm năm nữa.
mamthuyennan-1372135853_500x0.jpg
Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. Ảnh: Báo Quảng Trị.
Năm sau Hằng đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm (Huế) với 26 điểm và may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và học bổng thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên. Vào đại học, Hằng theo đuổi ước mơ du học. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổngNăng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Australia. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, Hằng nhận học bổng tiến sĩ.
“Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn", Hằng chia sẻ và cho hay một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của cô là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ Tây, nhưng quyết định trở về nước với quan niệm đất nước cần ông hơn là các nước phát triển.
Trong lần trao đổi với ông Thiện về cách thức giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Ký ức của Hằng vẫn vẹn nguyên về những năm tháng vất vả, khó nghèo: "Mùa hè khi ba làm được nhiều cá, tôm, bán không hết, mẹ tôi đưa về nhà ướp muối làm mắm đu đủ, mắm cà. Mùa đông khi trời mưa gió, món thường nhật của cả gia đình tôi là cơm nóng với mắm. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng xoong bằng nước mắm. Mắm mẹ làm đã nuôi 6 chị em chúng tôi khôn lớn”.
Đầu năm 2013, ngay khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại. Để được người dân chia sẻ, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm làm mắm ruốc gia truyền, cô đã về nhà dân ở lại hàng tuần liền, cùng xắn tay làm mắm với bà con.
Các bà, các chị giàu kinh nghiệm làm mắm đã tận tình chỉ bảo cho Hằng cách làm các loại mắm, cách nếm, thử mắm xem vị, mùi mắm như thế nào là đạt yêu cầu. Đi đến đâu, Hằng cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại công thức, kinh nghiệm làm mắm của từng vùng miền, làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

Đi nhiều vùng miền, Hằng được biết nhiều loại mắm đặc sản từng được tiến vua như mắm thu, mắm đối, mắm nhum..., nhưng nay rất ít người làm. Nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng vẫn chưa được bán rộng rãi, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ. Thêm một điều nữa là hầu như con cháu của các dì, các mệ vốn có truyền thống làm mắm ngon lâu đời đều không muốn nối nghiệp gia đình.
"Cộng thêm áp lực từ nước mắm sản xuất công nghiệp vốn rẻ, quảng cáo hoành tráng, chai bao đẹp mắt lại hợp khẩu vị, khiến họ không mặn mà gì với nghề làm mắm ruốc truyền thống. Cứ tiếp tục như vậy thế hệ con cháu mình sẽ không biết nước mắm, mắm ruốc là gì, quan trọng hơn là mất nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển cả ngàn năm nay”, Hằng trăn trở.

Hằng cho rằng, nghề làm mắm và nước mắm duy nhất có ở Việt Nam. Thái Lan nhập nước mắm Việt Nam về pha chế rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Bangladesh chỉ có ruốc khá thơm ngon và thường được người dân bỏ vào giấy kẽm, nướng lên cho thơm trước khi nêm vào thức ăn. Qua đi thực tế ở các vùng làm mắm ruốc và nước mắm truyền thống ven biển các tỉnh miền Trung, kết hợp với kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình, Hằng nhận thấy, về nước mắm, mỗi loại cá sẽ cho mỗi loại nước khác nhau về màu sắc, mùi thơm và độ ngọt.
daothihang-1372135853_500x0.jpg
Đào Thị Hằng bên sản phẩm của mình tại một hội thảo về môi trường. Ảnh:Báo Quảng Trị.
Hiện Thuyền Nan có 5 loại nước mắm, đều nguyên chất, đảm bảo thơm ngon, không hóa chất, không chất bảo quản. Hằng trực tiếp làm việc, đặt hàng với hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng. Điều đặc biệt hầu hết gia đình là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh cảnh khó khăn.

Cô giải thích, sở dĩ chọn những hộ làm mắm lâu đời có hoàn cảnh đặc biệt tham gia dự án sản xuất là giúp họ có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện cho con cái học hành. Từ khi tham gia dự án của Hằng, các sản phẩm của dì Rỏ, mệ Tùng (ở Mỹ Thủy, Hải Lăng), dì Xây, dì Lê, vợ chồng anh chị Xiêm Cát, dì Thảo, anh Tùng (ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đã có mặt khắp các tỉnh thành.
Hiện tại, chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, Hằng phải tích cực phân phối sản phẩm thông qua kênh bán lẻ và bán hàng trên mạng. Khi hoàn thành xong việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, cô sẽ mở rộng phân phối, cũng như ấp ủ xây dựng một cơ sở sản xuất có quy mô, mời những người làm mắm ruốc có uy tín về làm, đồng thời mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

“Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.
Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 tuổi, Hằng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.
Giải đáp thắc mắc vì sao chọn tên Thuyền Nan để gắn với thương hiệu sản phẩm mắm ruốc, Hằng bộc bạch: “Chiếc thuyền nan ở vùng biển quê mình giờ hiếm lắm, bà con đều đóng tàu lớn để ra khơi. Nhưng dù gì đi nữa, thuyền nan vẫn là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, cũng như gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Tôi cũng trưởng thành và được nuôi lớn nhờ thuyền nan đánh cá của gia đình, nhờ nó tôi đã được đến nước Australiaxa xôi để học tập và giờ quay về để được góp một phần nhỏ bé giúp bà con quê mình”.