Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Một thần tượng chuẩn bị ra đi ...


Kính thưa quí vị,

Chúng tôi rất đau đớn loan báo để qui vị cùng biết là chồng và trưởng nam của gia đinh chúng tôi, Ái, ALAN PHAN đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley tối thứ Ba ngày 14 tháng 10 trong tình trạng hôn mê. Dù đã được cứu chữa, Ái vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh nên gia đình Ái (vợ Ái(Melissa) và hai con của Ái) đã chấp nhận rút ống dưỡng khí vào ngày thứ hai này 26 tháng 10. Theo qui định của nhà thương, ICU chỉ cho vợ con được vào.

Vì vậy, sau đó khi Ái (ALAN) được đưa về nhà quàn, gia đình chúng tôi sẽ xin thông báo sau để quí vị đến viếng lần cuối.

Admin

Ngày 18/10/2015

Theo Blog ALAN PHAN 

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

30 tuổi vợ chồng tôi đã đủ tiền tiêu đến hết đời

Làm cách nào mà chàng kỹ sư phần mềm Pete, sống ở Colorador, Mỹ, đã được nghỉ hưu từ 8 năm trước, khi anh mới 30 tuổi.


Pete sống ở Longmont, Colorado (Mỹ). Triết lý tài chính của anh là: Mắc nợ giống như bạn đang ngồi trên một đoàn tàu ọp ẹp, chạy trên đường ray sắp đi qua một cây cầu sắp sập, bắc qua một khe núi cao".

Anh Pete và cậu con trai ra đời sau khi anh chị đã cho phép mình "về hưu". Ảnh: Forbes.

"Để đạt mục tiêu được nghỉ hưu sớm, một trong các bí quyết của tôi là tiết kiệm hơn 50% thu nhập. Để tích lũy tiền tối đa, tôi mua rất ít đồ dùng. Chẳng hạn, mẹo lớn nhất là chọn cách sống gần nơi làm việc đến mức chỉ cần đi xe đạp, và nói chung là ít đi lại. Những cuốc đi lại không cần thiết sẽ đốt cháy một khoản thu nhập đáng kể mà nhiều người không nhận ra. 

Khi tôi và vợ bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình ở giữa độ tuổi 20, chúng tôi nhận ra rằng công việc của mình xung đột với ý muốn trở thành cha mẹ tốt. Chúng tôi đã quyết định lý tưởng nhất là mình có thể nghỉ việc trước khi sinh con đầu lòng. Điều đó thúc đẩy chúng tôi phải tiết kiệm nhanh chóng. Chúng tôi từng có thói quen không mua xe hơi mới, đạp xe đi làm thường xuyên, nấu ăn ở nhà. Nhưng một lần nữa, chúng tôi nhận ra sức mạnh thật sự của các biện pháp này, và bắt đầu lặp lại các thói quen đó, nhưng chặt chẽ hơn nhiều. Chúng tôi cũng dừng những ý tưởng mua sắm bất chợt kiểu "Ồ, món đồ kia để ở phòng khách nhà mình sẽ đẹp đấy nhỉ".

Ban đầu, chúng tôi có mức lương nhân viên kỹ thuật, khoảng 40.000 đôla mỗi năm, sau đó tăng dần lên 70 tới 120 nghìn đôla. Chúng tôi dành để trả cho các khoản thế chấp, phần còn lại bỏ vào quỹ đầu tư Vanguard. 

Chúng tôi chi tiêu khoảng 50 đôla mỗi tuần cho việc chợ búa cách đây 10 năm. Nó tương đương khoảng 70 đôla mỗi tuần cho một cặp vợ chồng ngày nay. Bí quyết để cắt giảm tiền đi chợ của chúng tôi là ăn ít thịt, mua thực phẩm về chế biến thay vì mua đồ đã chế biến sẵn, và đi chợ giảm giá mỗi khi có thể". 

Pete cũng cho biết hạnh phúc không sinh ra từ việc tiêu dùng các sản phẩm sang trọng, mà từ việc thách thức bản thân và giúp cá nhân trưởng thành. Bản thân anh hiện tại vẫn trong quá trình thắt chặt cuộc sống vốn đã căn cơ của mình bằng việc sẽ đến ở căn hộ nhỏ hơn nơi ở hiện tại khá nhiều. 

Dưới đây là các bí quyết căn cơ của vợ chồng Pete giúp họ được nghỉ hưu ở tuổi 30



Gia đình anh Pete giờ đây có thời gian để hưởng thụ các chuyến du lịch mà không cần phải lo kiếm tiền. Ảnh: Forbes.


Cắt giảm sử dụng xe hơi

Đi xe đạp, đi bộ hoặc chạy bộ bất cứ ở đâu có thể, và chỉ sử dụng xe hơi cho lựa chọn cuối cùng. Bằng việc sắp xếp lộ trình hợp lý, bạn sẽ tránh được việc phải di chuyển vài lần mỗi ngày. Hầu hết mọi việc đều có thể lùi lại vài ngày, nếu bạn thực sự nghĩ về điều đó. Chẳng hạn, nếu bạn thiếu một nguyên liệu cần thiết cho một món ăn, chỉ việc viết ra và sau đó làm món gì khác cho bữa tối.

Đạp xe nhiều hơn

Xe đạp là một cỗ máy cân bằng cuộc sống. Là một cỗ máy in tiền của tuổi trẻ. Sức khỏe và lợi ích tài chính mà nó mang lại có thể tạo ra sự khác biệt lớn giữa "khánh kiệt" và "triệu phú" chỉ trong vài thập kỷ. Và ở nhiều nơi, bạn có thể đạp xe nhanh hơn đi ô tô đến cả chục km/giờ, bởi vì bạn miễn dịch với việc kẹt xe và có thể duy trì tốc độ cao trên các cung đường quen thuộc. Hãy chọn vị trí nhà ở và công việc của bạn có thể di chuyển bằng xe đạp, thay vì phải dùng đến xe hơi.

Học thêm nhiều kỹ năng
Hãy phát triển thêm các kỹ năng, để bạn có thể tự mình bảo trì một số đồ dùng cá nhân (nhà, xe, vườn...). Xu hướng ngày nay là người ta thuê những người khác làm vườn hộ, còn mình thư giãn vào cuối tuần. Hãy làm theo xu hướng ngược lại, và để mình làm hầu hết các phần việc có thể. Kết quả là bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp trong mọi thứ, có thể dễ xin việc hơn, hạnh phúc hơn và chi phí sống cũng giảm đi đáng kể.

Nấu ăn tại nhà thường xuyên hơn, để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất

Ăn ít thịt và tránh các thực phẩm đóng gói, thực phẩm có đường. Ăn nhiều rau và các loại chất béo tốt như các loại hạt, dầu olive. Khi đi du lịch hoặc đi làm, mang theo thức ăn mình tự nấu thay vì quăng mình vào các cửa hàng ăn nhanh. Lời khuyên cổ điển này rất hiệu quả, vì nó giúp bạn tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi năm, trong khi lại cải thiện sức khỏe của bạn đáng kể.

Đặt thư viện công cộng lên đầu danh sách giải trí

Ở đó bạn có thể có được các bộ phim, sách, tài liệu, DVD, tạp chí, đĩa nhạc... mới nhất, và lại là một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi hay gặp gỡ người mới. Trẻ con cũng thích vào đó. Và nó còn miễn phí nữa.

Coi thiên nhiên là nơi thư giãn và nghỉ dưỡng chủ yếu
Ngay cả những tour du lịch tốt nhất cũng không thể so sánh với thiên nhiên - thứ miễn phí, sẵn có 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Khi bạn ra ngoài và hưởng thụ thiên nhiên, nó sẽ mang đến cho bạn nguồn giải trí vô tận.

Sử dụng các thiết bị hiệu quả

Cắt giảm tiền triệu chi phí mỗi năm bằng việc giảm bớt việc phụ thuộc vào máy điều hòa không khí (chẳng hạn mùa đông chấp nhận cho nhà lạnh hơn một chút, mùa hè nóng hơn một chút). Điều này cũng giúp cải thiện sức chịu đựng của cơ thể trong các điều kiện thời tiết khác nhau ngoài trời. Nếu có thể, hãy phơi quần áo ngoài trời để khô tự nhiên, thay vì dùng máy sấy, chỉ giặt đồ khi cần thiết, thay các tủ lạnh cũ kỹ 20 năm, chỉ sử dụng các đèn led, dùng vòi hoa sen có tốc độ chảy nhỏ. Cách nhiệt tốt cho nhà cũng sẽ giảm được nhiều tiền cho chi phí điều hòa.

Chỉ mua quần áo cần thiết

Vì vẫn cần mặc đẹp, bạn có thể chọn việc sở hữu ít quần áo hơn (nhớ là chất lượng tốt) và sử dụng cho đến khi chúng đã cũ sờn. Làm theo cách này, bạn sẽ tránh được việc chất hàng tủ quần áo dư trong nhà.

Chỉ đi nhà hàng vào những dịp đặc biệt

Coi việc đi ăn nhà hàng như là một phần thưởng cho phép bạn sống như ông hoàng một đêm - dùng cho những dịp đặc biệt như khi trả hết nợ - thay vì coi đây là điều thuận tiện chỉ bởi vì bạn không tìm thấy thứ gì trong tủ lạnh tối hôm đó. Nhờ thế, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Đầu tư vào con người

Phát triển mối quan hệ tốt với những người xung quanh, nơi làm việc và thậm chí cả hàng xóm láng giềng, vì nó có thể giúp bạn hạnh phúc hơn và có cơ hội làm việc tốt hơn. Bằng việc cắt bỏ những khoản thời gian vô ích như ngồi xem tivi, chém gió về xe hơi, bạn có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động như tình nguyện, giải trí, các hoạt động nhóm, làm gia tăng mạng lưới công việc, gia đình và xã hội của bạn.

Chọn các kỳ nghỉ mang lại nhiều trải nghiệm

Thay vì các chuyến du lịch chỉ ngồi trên xe bus và ngắm phong cảnh qua cửa sổ xe, hãy chọn các tour du lịch bạn được sống cùng người địa phương. Còn nếu du lịch ngắn ngày, gần nhà, tôi nghĩ cắm trại và các kỳ nghỉ hoạt động như leo núi, bơi lội... sẽ hay hơn cả.

Để con bạn tự lực

Đừng bao bọc con quá nhiều, hãy để trẻ đạt được một số điều bằng cách tự thân chúng. Về mặt lý thuyết, tôi mong con trai mình sẽ thực hiện các ý tưởng làm việc chăm chỉ và tự khởi tạo doanh nghiệp.

Thuận An (theo Forbes)

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?

3053796924_529d884070

Có một câu chuyện kể rằng: Một ngày nọ, có một người hỏi một vị lão tiên sinh, mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?

Vị lão tiên sinh kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”. “tại sao?”

“Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất, còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi.”

 Bạn có lẽ sẽ cười vị lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng mà bạn không biết là có rất nhiều người cũng nghĩ như thế sao? Người mà hàng ngày chăm sóc bạn, bạn cũng không cảm nhận được điều gì cả? Nhưng nếu là một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt, cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, mà đánh đổi nhưng bạn lại cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Một khi người ngoài làm một việc na ná như thế thì bạn lại sẽ hết sức cảm kích. Đây chẳng phải là giống như đã hồ đồ“cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời” hay sao?

r1B001EE3utr1030ng_zps8e48675d

Một cô gái đã có một cuộc tranh cãi với mẹ của mình, tức giận đến mức tông cửa chạy ra ngoài và quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô đã đi lang thang cả ngày ở bên ngoài, đến lúc bụng đói cồn cào, nhưng lại không có một đồng tiền nào, mà lại không muốn trở về nhà để ăn cơm. Mãi đến lúc trời tối, cô mới đi vào một quán mì, ngửi thấy mùi mì thơm tỏa ra. Cô thực sự rất muốn được ăn một bát, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể liên tục nuốt nước miếng.

Bỗng nhiên, ông chủ quán mì ân cần hỏi han: “Cháu gái, cháu có muốn ăn mì không?”, cô gái ngượng ngùng trả lời: “à, nhưng mà, cháu không mang tiền”. Ông chủ nghe xong cười to: “haha, không sao cả, hôm nay cứ coi như bác mời cháu đi!”

150504-cuoc-doi-thoai-trong-quan-mi-1-thumb
                                                                   (Ảnh minh họa)

Cô gái quả thực không thể tin vào lỗ tai mình, cô ngồi xuống, ngay lúc đó, một bát mì được mang ra, cô ăn say sưa, và nói: “Bác chủ quán, bác thật là một người tốt!”

Ông chủ quán nói,: “Ồ, sao cháu lại nói vậy?”, cô gái trả lời: “Chúng ta vốn không quen biết nhau, bác lại đối xử tốt với cháu như vậy, không giống như mẹ của cháu, hoàn toàn không hiểu được những nhu cầu và ý nghĩ của cháu, thật là bực mình!”

Ông chủ quán lại cười: “haha, cháu gái, bác chẳng qua mới chỉ cho cháu một bát mì thôi, mà cháu đã cảm kích bác như thế, thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu hai mươi mấy năm nay, cháu chẳng phải là càng nên cảm kích mẹ của cháu hay sao?”

Nghe ông chủ quán nói xong, cô gái như tỉnh giấc mơ, lập tức nước mắt trào ra, cô bỏ mặc nửa bát mì còn lại mà vội vàng chạy về nhà.

Mới đến ngõ trước cổng nhà, cô đã nhìn thấy bóng mẹ xa xa, đang lo lắng nhìn quanh bốn phía cổng ra vào, trái tim cô như thắt lại, cô cảm thấy muốn nói một ngàn lần một vạn lần lời xin lỗi với mẹ của mình. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì mẹ của cô đã nghênh đón và nói: “trời ơi, con cả ngày đã đi đâu thế này? Mau mau, đi vào nhà rửa chân tay, ăn cơm tối đi.”

Tối hôm đó, cô gái mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mẹ đối với mình.

Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người đã quên mất là nó đem lại cho mọi người ánh sáng, khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì ngược lại sẽ không thấy biết ơn, vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết.

Hy vọng trong chúng ta mỗi người đều biết mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn.

ht

Trong cuộc sống thực tại, chúng ta thường hay không để mắt đến những điều mình đã có, cho rằng chúng là lẽ đương nhiên, không có gì quan trọng với mình, mà lại đi phàn nàn số phận bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.

Kỳ thực, biết ơn cũng là một loại thái độ tích cực của cuộc sống, đúng như một số người đã nói:“Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ là người đã tôi luyện ý chí của bạn, hãy cảm ơn người đã lừa dối bạn bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm của bạn, hãy cảm ơn người đã coi thường bạn bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn của bạn…”. Cần phải mang một tấm lòng biết ơn, biết ơn số phận, biết ơn hết thảy những người đã giúp bạn trưởng thành, biết ơn hết thảy những gì ở xung quanh mình.

Để có một tấm lòng biết ơn, yêu cầu chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ phát triển khỏe mạnh là để báo đáp ân huệ của dòng nước mát, con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành và dạy dỗ của cha mẹ.

Hãy học cách biết ơn đi! Khi bạn cảm ơn cuộc đời, cuộc đời sẽ ban thưởng cho bạn ánh nắng mặt trời rực rỡ. Bạn oán trách trời đất, khả năng cuối cùng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi! Không phải vậy sao? Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn đều đáng để chúng ta quý trọng, cảm ơn mặt trăng, càng cần phải cảm ơn mặt trời!

21-bai-hoc-ve-cuoc-song-6

Theo NTDTV

Mai Trà biên dịch

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Song Chi - Trở về với thiên nhiên.

Khi còn ở Việt Nam, phải thú thực là tôi ít quan tâm đến thiên nhiên, chỉ trừ khi đi…chọn cảnh để làm phim! Một phần do sống ở một thành phố lớn, đông đúc, náo nhiệt như Sài Gòn, không còn chỗ cho thiên nhiên đã đành mà ngay cả bầu trời, mặt trăng hay mặt trời mọc, mặt trời lặn cũng bị che khuất sau những tòa nhà cao tầng, dây điện giăng chằng chịt khắp nơi. Nhưng cho dù có đi du lịch trong Nam ngoài Bắc, tôi cũng chỉ chú ý đến chỗ nghỉ tiện nghi, nhà hàng, quán ăn ngon, quán café thú vị…hơn là thiên nhiên.


Nhiều khi lẩn thẩn tự hỏi tại sao. Vì quá bận rộn, quay vòng với cuộc sống, vì thiên nhiên ở VN tuy đẹp không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới nhưng đã bị che chắn khỏi tầm nhìn bởi muôn vàn thứ vật cản do con người tạo ra, bị tàn phá cũng do con người, hay vì khi du lịch ở VN người ta cũng không thật sự thoải mái, tĩnh tâm để tận hưởng thiên nhiên bởi lúc nào cũng có chuyện gì đó làm cho bực mình, phân tâm như bụi bặm, tiếng ồn trên đường, nạn chặt chém, móc túi, gian lận…khắp nơi? Không biết.

Từ khi ra nước ngoài, sống tại Na Uy và đi du lịch nước khác, tôi có thì giờ để thưởng thức thiên nhiên hơn. Na Uy xứ rộng người thưa, có biển bao quanh, nhiều núi, đồi, vịnh, nhiều đèo khúc khuỷu, thiên nhiên vừa khắc nghiệt vừa có vẻ đẹp hùng vĩ. Dân Na Uy cũng như các dân tộc Bắc Âu khác vốn nổi tiếng là sống với thiên nhiên, chuộng thể thao. Rất nhiều gia đình từ trung lưu trở lên có nhà nghỉ mùa hè hoặc mùa đông. Mùa hè thì đi biển, bơi, lái tàu, lướt sóng, đi dã ngoại. Mùa đông lên núi, trượt tuyết, hay đơn giản chỉ là tắt hết mọi tiện nghi của đời sống hiện đại, tắt mọi thiết bị như điện thoại, TV, laptop để sống trong những cái nhà gỗ nhỏ, bên bếp lửa và thưởng thức sự tĩnh lặng, nghỉ ngơi.

Là một con người của thành phố lớn, lúc đầu tôi cũng không cảm thấy quen thuộc, gần gũi với thiên nhiên. Tôi vẫn thích đi du lịch ở những thành phố có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có nhiều thứ để xem như bảo tàng, gallery, nhà hát, những quán café, nhà hàng ngon…Nhưng bên cạnh đó, dần dần tôi tập tìm cách tận hưởng thiên nhiên và sự bình yên.

Như đã nói Na Uy có diện tích xấp xỉ VN thậm chí còn nhỉnh hơn một chút, (385,178 km2 so với VN 332,698 km2 ) nhưng dân số chỉ có khoảng trên 5,1 triệu người (số liệu của Wikipedia năm 2013); nên dù ở những thành phố nhỏ như Grimstad với dân số chỉ có hơn 20,000 người, Lillehammer khoảng hơn 26, 000 dân, Fredrikstad có khoảng hơn 75, 000 dân…hay ở giữa thành phố lớn nhất nước là Oslo với dân số cả nội ô và ngoại ô khoảng 950, 000 người, thiên nhiên luôn luôn có chỗ cho tầm mắt con người tha hồ nghỉ ngơi. Luôn luôn có những công viên với những bãi cỏ xanh ngát, những dòng sông, hồ hoặc biển và núi. Và bầu trời thoáng đãng trên đầu.

Tận hưởng thiên nhiên, nhiều khi chỉ đơn giản như một ngày hè nằm ngửa duỗi dài trên bãi cỏ xanh mướt ở thành phố nhỏ Kristiansand, ngắm bầu trời xanh trong vắt mênh mang để rồi ngủ quên lúc nào không hay, với quyển sách vẫn để mở trên tay và cái earphone nghe nhạc vẫn còn cắm trong tai… Đôi khi dạo quanh khu chợ trời ở phố cổ của thành phố Fredrikstad, tìm mua một món đồ cũ/cổ chỉ với ý thích, rồi ngồi nhấm nháp ly kem lạnh trong một quán café nhỏ, ấm cúng.

Đôi khi, vào một ngày hè nắng, đi picnic ở một công viên xanh ngắt hoặc trên bãi biển bên ngoài thành phố Oslo, cùng gia đình, bạn bè… nướng thịt ăn ngoài trời, rồi nghỉ ngơi thư giãn.

                                          Công viên Sognsvann, Oslo. Ảnh: Di Nguyễn.

Đôi khi đi xa tới những vùng như Haukeliseter, một khu du lịch nghỉ dưỡng khá nổi tiếng của Na Uy, được bao bọc bởi những dãy núi cao phủ tuyết trắng xóa quanh năm và trên con đường vòng lên núi, hai bên đường tuyết đọng cao ngất ngay cả giữa mùa hè. Ở đây du khách ngồi trong nhà hàng vừa ăn vừa nhìn ra quang cảnh bên ngoài qua khung cửa kính chạy suốt chiều dài ngôi nhà. Du khách có thể tắm sauna bằng bếp củi lửa nóng rừng rực, và vào mùa đông quanh đó có những quán bar nhỏ xây bằng gỗ hình chóp như kim tự tháp, bên trong có bếp lửa, du khách chui vào trong, ngồi quanh bếp lửa vừa xuýt xoa vì hơi nóng, vừa uống rượu vừa nói chuyện rì rầm.

Dãy núi tuyết phủ như vậy mà vẫn có những người đi bộ lên núi. Nghe một số người Na Uy kể có một người đàn ông từ mấy năm nay bỗng có ý thích sống một mình trên núi cao, cắm lều khi chỗ này khi chỗ khác, sống một cuộc đời hoàn toàn hoang dã, không ai biết đích xác hiện tại ông ta ở đâu.


                Khu du lịch Haukeliseter và con đường hai bên tuyết đóng băng cao ngất. Ảnh: SC.

Trên con đường dưới chân núi có một ngôi nhà gỗ nhỏ, vừa làm chỗ ở cho một gia đình người Na Uy vừa làm quán bán thức ăn cho khách qua đường-quán chỉ bán có hai món, một món giống như một thứ cháo sữa ngọt gọi là rømmegraut và bánh waffle (tiếng Na Uy: vaffel) ngọt và café đen không đường theo kiểu uống của người Na Uy. Bà chủ quán chừng trên dưới 70 tuổi, bảo ngôi nhà và cái quán này có từ thời người chị của cha bà để lại, tới nay cũng đã 90 năm, mọi thứ trong nhà cho đến thức ăn bán cho khách đều giữ y nguyên, không thay đổi chút gì.

Còn nữa, đi đến thành phố Stavanger để tham quan Preikestolen or Prekestolen, tiếng Anh gọi là Preacher's Pulpit hay Pulpit Rock, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Na Uy, leo lên vách đá dốc đứng cao hơn 600 mét, nhìn xuống biển sâu hút phía dưới. Ở đây có một địa điểm mà du khách nào đã tới đây cũng phải tìm đến và chụp cho được cái hình khoe với thiên hạ, đó là một tảng đá lớn nằm kẹt giữa hai vách núi, du khách phải leo xuống đứng trên tảng đá này, chụp xong tấm hình lại leo lên.
Hay vùng phía Bắc nổi tiếng với khí hậu lạ lùng-nửa năm hầu như chỉ có ngày không cò đêm, nửa năm hầu như chi có đêm không có ngày, với ánh sáng cực quang nhiều màu sắc, đẹp lạ lùng trên bầu trời v.v…

                                                            Preikestolen. Ảnh: internet.

Dù đi du lịch ở bất cứ đâu tại Na Uy, thiên nhiên cũng trải dài chung quanh, người thì ít và không hề có cảnh chen lấn, tranh giành hay vội vã bất cứ chuyện gì, tất cả đều thong thả, thư giãn. Thời gian và cả nỗi lo lắng đều không tồn tại. Và chính giữa những khung cảnh ấy, người ta có thể sống chậm lại, thưởng thức từng giọt café đắng trên lưỡi, lắng nghe hơi thở của chính mình, tiếng cười, ánh mắt của người yêu dấu, và lắng nghe thiên nhiên, để thấy thật ra cuộc đời chẳng có bao lâu mà phải vội vã chụp giựt, tranh giành, sân si làm gì.

Song Chi

(Blog RFA)

Thế giới rộng mở khi ta buông bỏ cái tôi


Ảnh: Fotolia

                                                                       Ảnh: Fotolia

Trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta thường chỉ coi trọng bản thân mình và ngày càng hiếm người thật lòng đặt mình vào hoàn cảnh của những người khác và suy nghĩ cho họ. Khi một người cạnh tranh và đấu đá cho những ham muốn và lợi ích cá nhân, các xung đột sẽ xảy ra không ngừng. Cổ nhân dạy “thanh thản mang lại may mắn và hòa bình tạo ra giàu có” là rất đúng. Chúng ta chỉ nhận được một điều gì khi chúng ta cho đi, và chỉ thu hoạch sau khi đã lao động chăm chỉ. Khi một cá nhân bỏ qua cái tôi của mình, anh ta sẽ thật sự cảm nhận được cảnh giới tinh thần của “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (sau khi qua rặng liễu tối, sẽ là hoa tươi và một ngôi làng phía trước).

Có một câu chuyện kể rằng thời xưa, một người bị lạc trong một sa mạc. Trên bờ vực của cái chết, ông phải đối mặt với những cơn đói và khát không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, ông vẫn lê từng bước chân nặng nề tiến về phía trước. Cuối cùng, ông đã tìm thấy một túp lều nhỏ bị bỏ hoang một thời gian dài. Phía trước của túp lều có một máy bơm nước, nhưng nó không chứa một giọt nước nào. Trong cơn tuyệt vọng, ông bất chợt nhận thấy một ấm đun nước để cạnh máy bơm. Miệng của ấm đun nước đã được đóng bằng một mảnh gỗ và một tờ giấy nhỏ đã được đặt trên ấm đun nước cho biết: “Hãy đổ nước trong bình đun nước này vào trong máy bơm trước sau đó mới có thể bơm nước. Nhưng xin hãy nhớ đổ đầy nước vào các bình này trước khi rời khỏi đây”. Sau khi đọc xong, ông cẩn thận mở tấm gỗ ra và nó thật sự có nước.

Vào thời điểm đó, người đàn ông đã phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Hoặc là ông sẽ đổ nước vào cái bình và có thể nước sẽ không còn chảy ra từ vòi nước nữa và ông sẽ chết khát ở nơi hoang mạc này, nhưng nếu ông uống chỗ nước đó và cứu mạng sống của chính mình thì những người đến sau đó sẽ không có hy vọng. Sau một lát do dự, ông cảm thấy như có một cảm hứng tuyệt diệu mang đến cho ông sức mạnh và ông quyết định làm theo những chỉ dẫn ghi trên tờ giấy. Nước đã chảy ra và ông uống cho đến khi thỏa mãn cơn khát đã giày vò ông. Sau khi nghỉ ngơi một chút, ông đổ nước vào đầy bình chứa, đậy nắp lại và ghi thêm vào tờ giấy nhỏ là:“Xin hãy tin tôi, những điều ghi trên tờ giấy này là thật và chỉ khi bạn dẹp bỏ được sự lo ngại về sự sống chết, bạn mới có cơ hội để tận hưởng vị ngọt của làn nước suối”.

Buông bỏ cái tôi là đức tính hy sinh cho những người khác và cũng là một tinh thần cao cả. Khi một người thật sự đặt tự ngã của mình xuống, trí tuệ sẽ xuất hiện giúp anh ta phân biệt được đâu là chân đâu là giả, và anh ta sẽ nhận được những phần thưởng bất ngờ. Mặc dù trong thế giới này, không phải lúc nào ta cũng nhận lại được ngay sau khi cho đi, nhưng chỉ khi cho đi, ta mới có thể nhận lại và có cơ hội để tận hưởng làn nước mát lành.

Tác giả: Guan Ming | Dịch giả: Serena D

(Đại Kỷ Nguyên)

Lê Phương Dung - "Sống Chậm"



Giữa guồng quay vô tận của thời gian, áp lực của cuộc sống, của công việc, người ta bắt đầu thấy chóng mặt, ngột ngạt… thì khái niệm sống chậm không còn là điều gì đó quá mới mẻ. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.

Sống chậm! Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…

Bạn hãy nhìn cách các dòng sông đi, nó uốn lượn. Bạn hãy nhìn vào con đường cao tốc. Nếu mà là trên một hoang mạc không vật cản, nó là một vệt thẳng tắp. Con người muốn đi nhanh, có lẽ là bởi họ biết cuộc sống của mình hữu hạn và ngắn ngủi. Một đời người dài là thế, có khi chưa bằng một cái chớp mắt của vũ trụ.

Tự nhiên sống chậm vì tự nhiên không mục đích. Nhưng con người lại là một tạo vật sống có ý thức và có mục đích. Dù biết rằng đôi khi vì quá nghĩ đến mục đích mà bỏ qua nhiều điều thú vị trên đường đi.

Sống chậm, tôi nghĩ không phải là một cách sống đối nghịch với cách sống nhanh. Nó cũng không biện minh cho cách sống lờ đờ không mục đích, không lý tưởng.

Tôi thì đồ rằng, những người đầu tiên nghĩ đến sống chậm là những người sống nhanh nhất, nó là một cách tự nhắc nhở để điều hòa, để nhắc nhở rằng con đường còn dài và cần giữ sức, cần tái tạo, để thực sự là sống, chứ không phải là phi như bay trên đường đời.

Tôi cũng là một người vội vã. Nhưng nếu một buổi sáng nào đó, chuẩn bị đi làm, đột nhiên trời đổ mưa thật to, thì khả năng lớn là tôi sẽ quay vào nhà, pha một ly sô cô la nóng, tự thưởng cho mình việc đọc một cuốn sách nào đó trong lúc ngắm mưa ngoài ban công.

Nhà báo Lê Phương Dung
Sống nhanh hay sống chậm với tôi là sự lựa chọn của thời điểm. Nếu đi quá nhanh, tôi cũng sợ rằng mất đi những cảm xúc nho nhỏ, thậm chí là mất đi những khoảnh khắc đẹp nhất. Một con đường nhiều lá vàng, một khoảng trời nhiều gió, một cốc cà phê thật ngon, một quyển sách thật hay, hay đơn giản chỉ là một chậu cây cảnh đẹp...

Nói cho cùng thì định luật vạn vật hấp dẫn được Isaac Newton phát hiện ra khi nằm nghỉ dưới một gốc táo. Ý tưởng về khinh khí cầu đến khi người phát minh ra nó ngồi trên một bãi biển và ngắm bầu trời...

Nhưng tôi cũng sợ là nếu sống quá chậm, tôi sẽ chẳng kịp tặng cho cuộc sống này được điều gì, vì tôi chẳng có gì ngoài cái cảm xúc nhỏ nhoi cho riêng bản thân mình.

Tôi nghĩ đến một người bạn tôi quen. Đó là một con người đang sống nhanh, nhưng sống nhanh một cách ý nghĩa, cảm thấy mình tồn tại một cách hoàn hảo trong sự bận rộn. Chẳng phải như thế cũng thú vị lắm sao! Để giữa những lúc nghỉ ngơi giữa giờ, người bạn ấy có thể nhắn cho tôi một cái tin rất… “sống chậm”.

Bởi vì cuộc sống là một bản nhạc tuyệt vời, cũng có khi là một bản rock ồn ào cuộn sôi, cũng có khi là một khúc ballad dịu dàng chậm rãi... Vậy thì đâu có gì phải băn khoăn về sống nhanh hay sống chậm! Cứ sống để sau này, khi nằm xuống cảm thấy mình sống đủ và không hối tiếc.

Có ai đó đã nói: “Cuộc sống quá ngắn ngủi nên hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh”.Đấy, cái gì đáng nhanh thì nhanh, cái gì đáng chậm thì chậm. “Sống là không chờ đợi”, câu slogan quen thuộc (của một nhãn hàng) cũng đã trở thành phương châm sống của không ít người, đặc biệt là những người trẻ. Mỗi ngày sống của chúng ta với biết bao nhiêu điều mắt thấy, tai nghe để thấu hiểu và trải nghiệm bằng cách này hay cách khác đã đang thấp thoáng hay hiện hữu trong trí óc chúng ta. Và trong đời sống “phi mã” có biết bao cảnh đời đang đứng lại?

Cuộc sống là muôn mảnh ghép. Chúng ta cảm nhận được bao nhiêu chất ấy trong cuộc sống này? Hạnh phúc nhất là được sống, dù ở thời điểm nào. Cần lắm một góc sống chậm để được sống đầy đủ hơn với cuộc sống, để đừng bao giờ sống thiếu khi đã được sống!

Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chính cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp đập của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.

Sống chậm dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.

... Có một nhà văn đã viết thế này: “…Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…”.

Sống chậm - đó là những lúc họ ngồi trong những quán cà phê, trầm ngâm suy nghĩ về cuộc sống, tự hài lòng với những gì mình đang có, và cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Còn sống chậm theo kiểu sống mòn thì không nên chút nào.

Cũng tùy hoàn cảnh. Lúc còn trẻ, niềm tin, năng lực, sự năng động tràn đầy, bảo người ta sống chậm thì hơi khó. Trong khi cơ hội và thách thức còn đặt ra cho họ.

Nhiều người vẫn sống nhanh, phấn đấu, và họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống đấy thôi! Với họ, sống là vươn lên, nỗ lực hết mình, và họ tìm thấy niềm vui với thành công đạt được.

Cũng tùy vào hoàn cảnh, ai đó sẽ nhận thấy cần sống chậm lại một chút, dành nhiều thời gian thư giãn, chiêm nghiệm và tìm kiếm thêm tình yêu thương... Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm bằng trà đạo… là những giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay. Hãy hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng tận giây phút hạnh phúc trong hiện tại.

Đôi khi bạn chỉ cần nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần ngừng chạy, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được nhịp điệu cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần im lặng, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể lắng nghe được những điều kì diệu của cuộc sống.

Đôi khi bạn chỉ cần một mình, chỉ vài phút thôi, để bạn hiểu thêm về chính mình.

Ngoài việc bạn phải hòa mình với thiên nhiên, sống ý nghĩa, chậm lại để nhanh hơn ra bạn nên có 1 sở thích hết sức thú vị đó là nuôi thú cưng hay trồng cây xanh trong nhà. Sẽ giúp cho bạn đạt được cấp độ "Sống Chậm" sinh động hơn.

Hãy sống chậm lại và cảm nhận", mỗi người đôi khi hãy để mình sống chậm hơn một chút để quan sát con người xung quanh, để lắng nghe những âm thanh rất đỗi thân thương, để tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị, để gạn bớt những lo toan, những vội vã trong tâm trí, cảm nhận từng phút giây, từng khoảnh khắc của cuộc sống kỳ diệu và để hi vọng về một ngày mai tươi mới. Xin chúc các bạn ngủ ngon trong nhịp sống chậm cùng tôi nhé.

Lê Phương Dung

(FB Lê Phương Dung)

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Độc đáo ngày hội “phá trằm” Trà Lộc

TTO - Sáng 30-8, tại Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc (xã Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị), hàng trăm người dân và du khách hào hứng cùng nhau “phá trằm”, lễ hội truyền thống độc đáo của vùng trằm này.

Người tham gia lễ hội dàn thành hàng ngang để xua cá về một góc trằm để bắt - Ảnh: Quốc Nam
Đây cũng được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu.
Trằm Trà Lộc thực ra là một đầm nước rộng khoảng hơn 10 ha, nằm trong khuôn viên khu du lịch sinh thái Trà Lộc. Lễ hội “phá trằm” là ngày xả nước trong đầm để đón mùa mưa lũ mới.
Ban đầu, đây chỉ là dịp xả hồ đơn thuần. Sau này được ban quản lý khu du lịch sinh thái tổ chức thành một lễ hội dân dã. Nước trong trằm được xả đến khi còn khoảng hơn một mét thì ngừng để cả làng xuống tham gia bắt cá.
Nội quy bắt cá chỉ được bắt bằng nơm, lưới, hoặc vợt, và chỉ bắt cá lớn. Còn cá nhỏ để dành cho mùa sau. Khi bắt được cá lớn, người bắt được cá phải hô lên thật to để động viên những người tham gia khác.
Ngay cả những bậc cao niên trong vùng cũng không biết lễ hội này bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết từ nhỏ đã cùng ông bà cha mẹ ra trằm đi hội. Cụ ông Ngô Văn Tính, 83 tuổi cho biết, ban đầu lễ hội chỉ vài chục người quanh làng. Sau đó dần mở rộng cho cả khách thập phương về tham dự.
Việc dầm mình dưới hồ bắt cá giống như một niềm vui nho nhỏ của người nông dân vùng này trước khi bắt đầu mùa vụ mới. Ban đầu lễ hội chỉ có đàn ông tham gia, sau này cả phụ nữ trong làng cũng hăng hái mang nơm, lưới xuống trằm. Những đứa trẻ cũng không ngoại lệ.
Lễ hội thực tế là một chuyến săn cá đầy thú vị. Hàng trăm người hợp thành một đội hình dàn hàng ngang lùa cá về một góc, sau đó chia lẻ ra để nơm, bắt. Các nhóm dùng lưới vó thì ít di chuyển hơn, chỉ việc cất vó lên và thu hoạch.
Đúng giờ ấn định, hàng trăm người nông dân cùng đổ xuống trằm để bắt cá - Ảnh: Quốc Nam
Nhiều người chọn cất lưới vó để bắt cá trong dịp phá trằm - Ảnh: Quốc Nam
Nơm là dụng cụ được nhiều người sử dụng nhất khi tham gia hội - Ảnh: Quốc Nam
Niềm vui của những người tham gia hội phá trằm là khi bắt được những con cá to như thế này - Ảnh: Quốc Nam
Khi bắt được cá to, tất cả cùng hô vang để chia vui và động viên những người tham gia - Ảnh: Quốc Nam
Các cô cậu học sinh tiểu học cũng theo cha mẹ xuống trằm bắt cá trong hội “phá trằm” - Ảnh: Quốc Nam
QUỐC NAM





Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Nguyễn Quang Lập - Đêm chong đèn nhớ Trịnh (sáng tác mới)



1. Nhớ Trịnh thì nhớ những gì? Nhớ “đường phượng bay mù không lối vào…”, nơi quán cóc rượu Kim Long, nem và tré. Con đường chiều chiều nàng vẫn đạp xe đi qua. Bốn giờ tới quán, sáu giờ ngà ngà say, cũng là lúc bóng hồng thấp thoáng. Nàng đẹp nhất khi say, đáng yêu nhất cũng khi say, tỉnh rồi đều “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, bỏ ta đi hay ta bỏ đi thì cũng thế.

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai? Nhiều lắm. Không chỉ Diễm, không chỉ là Dao Ánh. Những nàng như Hồng Nhung “quá gần gũi không biết phải gọi là ai!”… Những nàng như thiếu nữ trường Trưng Trắc Huế, trường Trưng Vương Hà Thành, “Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá… già!”…, là những ai? Làm sao biết được. Tất cả chỉ là tình ảo, tình mộng, đắm say nhưng là ảo, nồng nàn nhưng là mộng.

Tình hờn bờ sông Nhật Lệ, tình đau rừng thông Thiên Thai, tình ngọt gốc sấu Hà Thành, tình buồn cát trắng Hải Lăng, tình vớ vẩn đò sông Hương, tình very fun gầm Cầu Dài – Đồng Hới, tình vờ tuyết trắng Moskva, cả tình đắng ngắt trên máy bay to Sài Gòn một trưa nắng gắt… Những cuộc tình đủ vị nhưng chỉ là tình rỗng. Tình ảo và tình hát.

“Hát để mà yêu, yêu để mà hát. Thiệt không? – Thiệt! – Còn gì nữa không? – Hết rồi, rứa thôi. – Thiệt không? – Thiệt!”

Không ai có nhiều hơn một mối tình. Trịnh Công Sơn cũng vậy, anh chỉ có một mối tình. Ấy là khi anh yêu để mà sống, không phải yêu để mà hát. Người tình của anh cũng không phải yêu anh để mà hát, chỉ vì “cảm thấy mình sống khi được hát Trịnh Công Sơn”. Đó là Khánh Ly. Tình ấy còn đến bây giờ và sẽ còn mãi muôn sau, bất chấp những xì xèo sau những chuyến du ca.

2. “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…”

Anh nói câu này khi nào? Nói sau Sương đêm, sau Ướt mi… hay sau Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ…? Tình Trịnh Công Sơn như một tiếng thở dài, nhạc tình anh cũng thế. Buồn thì hẳn rồi, đau hình như không, nào có ai bội bạc anh đâu để mà đau? Được yêu nhưng không yêu được. Đời anh không có chữ phúc, nhạc tình anh cũng thế, chỉ có đắng, đắng hoài và đắng ngắt. Dù là điệu Slow, Blues hay điệu Boston cũng chỉ thấy đắng, không thấy gì.

3. “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.” Anh nói câu này khi nào? Sau Cát bụi, Một cõi đi về… hay sau Ru ta ngậm ngùiĐêm thấy ta là thác đổ, Phúc âm buồn, Rừng xưa đã khép? Cũng có thể sau trận ốm thập tử nhất sinh tuổi 18, Sartre và Camus, Phật và Chúa đã ngấm vào anh, giúp anh sinh ra dòng nhạc thân phận không ai theo kịp cũng chưa thấy ai dám theo. Anh viết dòng nhạc này như Tagore làm thơ, như Rodin tạc tượng, như Faulkner viết văn… có phải thế chăng? Nhạc Trịnh đã ra thế giới và sẽ còn ra thế giới, không chỉ khúc Diễm xưa và Ngủ đi con. Cùng với Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đứng vào tốp ba đỉnh cao nhạc Việt thế kỉ 20. Rất có thể nhiều thế kỉ sau không thể có tốp ba nào được như tốp ba này. Có phải thế chăng?

4. “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Anh nói câu này khi nào? Sau Ca dao Mẹ, Ngủ đi con… hay sau Gia tài của mẹ, Cho một người vừa nằm xuống, Đi tìm quê hương? Phật không dạy anh, Chúa cũng chẳng dạy anh, cả Sartre và Camus cũng ngoài cuộc trong dòng nhạc da vàng buốt đau và cuồng nộ. 

Không phải Trịnh Công Sơn đẻ ra dòng nhạc phản chiến, nhưng chỉ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn mới làm cả hai chính quyền tham chiến đều sợ hãi và né tránh, vì chỉ có Trịnh Công Sơn mới dám Hát trên những xác người. Việt Nam Cộng hòa tẩy chay nhạc Trịnh, cũng chỉ tẩy chay dăm ba bài. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấm cửa hết thảy nhạc Trịnh có đến cả chục năm, mãi đến hôm nay dòng nhạc Da vàng, dòng nhạc phản chiến của anh vẫn còn bị cấm cửa.

Đôi khi thấy anh một mình đứng tựa cửa 26 Lê Lợi ngóng ra sông Hương mặt buồn như khóc, lẻ loi đến tận cùng lẻ loi. Đôi khi thấy anh ngồi bệt trên tấm chiếu rách quán rượu nghèo chị Phước, uống và hát như điên, uống và cười như dại, cô độc đến tận cùng cô độc.

5. ”Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống.” Anh nói câu này khi nào? Sau cuộc say quán rượu nhà chị Hiếu đêm hè năm 86? Hay sau khi anh mua tặng tôi cuốn Qui luật của muôn đời? Không biết nữa.

Anh vỗ nắp thùng gạo nhà chị Hiếu hát như cuồng đến kiệt sức “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?…”. Anh hát một lần, hát thêm lần nữa, một lần nữa vẫn chưa thôi. Ngô Minh khóc, Hoàng Phủ Ngọc Tường khóc, Vĩnh Nguyên khóc, tôi cũng khóc. Chỉ mình anh vui, vui như là lần đùa cợt sau cùng của cuộc sống.

Lần ấy đùa cợt để mà đùa, mười lăm năm sau anh mới đành đùa cợt để mà đi. Tháng này đây, ngày nay đây năm 2001. Uống rượu say, về cơ quan ngủ một giấc đến hai giờ chiều, tỉnh dậy nghe ai đó đang gọi máy, nói Trịnh Công Sơn đi rồi, đi lúc 12h45. Hệt như ngày nhận được điện ở quê báo tin ba mất, tôi ngồi ngẩn ngơ, đầu óc rỗng không, chẳng nhớ gì, chẳng nghĩ gì.

Bỗng từ giá đỡ bàn làm việc cuốn Qui luật của muôn đời rơi xuống. Chợt nhớ một buổi chiều quán rượu chị Phước, anh ném cuốn sách đó cho tôi, nói Lập đã ốm lần nào chưa? Anh ốm rồi. Chả hiểu anh nói gì. Đến khi đọc sách mới hiểu. “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời”, Nodar Dumbadze đã nói thế. Thốt nhiên ngồi nghĩ vẩn vơ. Ừ nhỉ, anh Sơn đã ốm một lần tuổi 18, nhờ đó đất nước đã có một dòng nhạc bất diệt có tên là nhạc Trịnh. Còn mình thì sao, đến bây giờ mình chưa ốm lần nào cho ra ốm.

Chẳng ngờ một tháng sau tôi rơi vào trận ốm mười lăm năm không dứt. Trận ốm tuổi năm mươi chẳng giúp tôi có thêm được gì, ngoài những khổ đau ngày mỗi ngày chồng chất.

Dù vậy chẳng khi nào dám ghen tị với anh, chỉ thương nhớ anh, luôn luôn thương nhớ anh, cả khi anh sống lẫn khi anh đùa cợt lần cuối để mà chết. Như đêm nay chẳng hạn, ngồi thương nhớ anh cho đến 4 giờ sáng. Chỉ biết thương nhớ thôi, chẳng biết làm gì.

Nguyễn Quang Lập

(Văn Việt)