Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Góc nhỏ bình yên




Chúng ta đều có một góc nhỏ nào đó trong tâm hồn hay ngoài đời để về trú ẩn trong khi cuộc đời đi vào sóng gió. Ngôi nhà cũ ven sông khi lớn lên? Những ngọn đồi của cánh diều tuổi thơ? Một quán cà phê cạnh biển nhìn những cánh hải âu bay lượn? Một buổi nhạc thính phòng trầm lắng theo điệu ru? Một góc sân chùa vàng cánh lá thu? Một giáo đường im lìm trong sương tuyết? Vòng tay của mẹ, góc nhìn của cha? Nụ cười của con, môi hôn của người tình?

Tôi luôn cám ơn Ơn Trên cho tôi và mọi người một chút không gian bình yên đó để tìm lại phương hướng và niềm tin. Vì quả thật, cuộc đởi khá đắng cay, nhiều trắc trở và nhất là những dối trá ma quỷ của con người với con người.

Trong cuộc phiêu lưu làm ăn mấy chục năm qua, tôi không nhớ hay đếm đủ những lần mình vấp ngã, nản chí và gần như tuyệt vọng. Tâm trạng này xầy đến nhiều lần tại những xứ sở thành phố xa lắc lạ lùng. Không thể về nhà ngay, tôi thường tìm đến những ngôi chùa hay những giáo đường hay những thư viện công…để tìm chút thăng bằng. Trong các không gian đó, tôi không cần cầu nguyện hay xin tha thứ gì; chỉ cần nhắm mắt ngủ một giấc ngắn 5, 10 phút…là thấy lòng nhẹ hẳn. Năng lượng nạp lại, sẵn sàng cho trận chiến ngày mai.

Một lần tôi lang thang vào một đền thánh Hindu ở Madras (bây giờ gọi là Chennai). Buổi chiều vắng, ông giáo sĩ hỏi “con cần gì?” Tôi mầu mè nói,” con cần tìm một cảm thông với chúa Brahma hay Vishnu…”. Ông cười, ” con cần cảm thông với chính con hơn. Hôm nay, ngài bận lắm”. “Vậy để con ngủ chút và đợi ngài nhé.” Hình như, ngài không bao giờ đến nhưng tôi cũng có được một giấc ngủ khá bình yên.

Alan

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Giải trí cuối tuần

Kết quả không ngờ 

Hai cậu bé nói chuyện với nhau: "Hôm trước tao đi đánh nhau với 8 thằng đấy".

- Ghê thế à? Kết quả thế nào?

- À, tao đánh cho cả 8 thằng đấy đều phải vào viện...

- Kinh, mày đối phó giỏi thế.

- Bọn nó phải vào viện để thăm tao.

- !!!!!


Tình yêu mù chữ 

Thằng nhóc 5 tuổi ngồi hí hoáy viết viết, ba nó hỏi: "Con trai ba làm gì thế?".

- Dạ, con đang viết thư cho bạn gái!

- Con đã biết viết đâu!

- Không ba ơi! Thế ba nghĩ cô ấy biết đọc à? Đó là tình yêu, ba không thể hiểu được đâu.

- !!!!!

Căng thẳng vì tiêu tiền 

Chồng và vợ tranh luận: "Anh rất là vất vả mới kiếm được đồng tiền về nhà, sao em lại có thể tiêu hết sạch trơn một cách nhẹ nhàng như vậy?".

- Làm gì được nhẹ nhàng, thật ra lúc tiêu số tiền đó em rất căng thẳng.

- Vậy à? Thế mà anh lại trách nhầm em, nhưng rốt cuộc em đã dùng nó cho việc gì vậy?

- Em tập trung đánh bài.

- !!!!!

Bồ câu hóa thành chằn tinh 


 Hai anh bạn xa nhau mấy năm, nay mới gặp lại. Một người xởi lởi hỏi: "Mối tình của cậu với con bồ câu ngày ấy bây giờ ra sao?".

- Chim chóc gì! - Người kia xẵng giọng.

- Ủa! Cô ấy đi lấy chồng rồi à?

- Thì bây giờ cô ấy là vợ mình và hóa thành chằn tinh chứ bồ câu gì!


Thành tựu khoa học 

Tại hội nghị khoa học, giáo sư người Mỹ nói: "Chúng tôi lai giống giữa bò và gà, kết quả, giống mới cho chúng tôi thịt, sữa và trứng".

- Còn chúng tôi lai giống giữa ruồi và ong. - Giáo sư người Pháp tuyên bố - Kết quả, giống mới chỉ bu vào rác và cho ra mật.

- Ăn thua gì so với chúng tôi! - Giáo sư người Nga tự hào - Chúng tôi lai giống giữa gián và dưa hấu. Kết quả, khi bổ dưa hấu, các hạt liền tự động nhảy ra rồi chạy loanh quanh.


Vẫn ăn như thường 

Chuyến bay vượt Đại Tây Dương rơi vào trong cơn bão và bị nhồi lắc dữ dội.

Đột nhiên, tiếng cô chiêu đãi viên cất lên trong loa phóng thanh:

- Xin quý khách vui lòng thắt dây an toàn. Máy bay bị hỏng động cơ và chúng tôi đang cố gắng hạ xuống mặt biển một cách nhẹ nhàng nhất.

Tiếng xôn xao sợ hãi vang lên, rồi một bà già hỏi:

- Cô tiếp viên ơi! Thế biển ở đây có cá mập không?

- Có đấy, nhưng quý khách đừng lo! Trong chiếc chai gần ghế của quý khách có chứa loại hồ đặc biệt, được thiết kế để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp như thế này. Chỉ cần thoa một lớp mỏng lên tay và chân là đủ.

- Nếu tôi làm như thế, cá mập sẽ không chén tôi nữa chứ? - Bà già hỏi tiếp.

- Chúng vẫn chén như thường, có điều không được ngon miệng thôi!


Rơi lên tầng trên cùng 

Hai vợ chồng đi du lịch bằng tàu hỏa trên một toa có 3 giường nằm.

Người chồng để vợ nằm tầng trên cùng, anh ta nằm tầng giữa, còn dưới cùng là một ông khách khác. Nửa đêm, nghe có tiếng động khác lạ ở tầng trên, ông chồng quát to:

- Ai làm gì trên ấy đấy?

- Tôi đây mà! - Ông khách đáp - Tôi vừa trở mình một cái, thế là rơi ngay lên đây.


Phương pháp sinh nở 

Mẹ mang thai và sắp đến kỳ sinh nở. Bé rất tò mò muốn biết sau này em bé sẽ ra đời như thế nào bèn hỏi bố.

Bố đáp:

- Mẹ sẽ đẻ cái đầu trước, rồi đẻ đến thân hình, cuối cùng thì đẻ đến hai cái chân. Con hiểu chưa?

Bé reo lên:

- Con hiểu rồi! Bố này, cuối cùng bố sẽ dùng đinh vít lắp chúng lại với nhau phải không ạ


Mải nhìn chim 

Thầy giáo say sưa giảng bài bỗng phát hiện có một học sinh đang mải nhìn ra ngoài.

Ông lại gần và hỏi:

- Em đang làm gì vậy?

Học sinh trả lời:

- Dạ em đang nhìn chim, thầy ạ.


Cụ già nổi trong hồ 

Vào một buổi sáng chủ nhật cả nhà đi chơi, khi đi ngang qua hồ Hoàn Kiếm, bố liền hỏi cô con gái 4 tuổi: "Con có nhớ hồ gì đây không?"

- Đây là hồ... (rồi hét to) hồ nước.

- Đúng là hồ nước, nhưng con có nhớ hồ này có cụ gì mà thi thoảng lại nổi lên không?

- Cụ già!

- !!!!

 
Bóc mẽ chồng 

 Anh chồng đi săn về khoe với vợ: "Này em yêu, em xem anh bắn được cho em một con gà rừng đây này!"

- Sao không bắn con thỏ ấy, cho nó rẻ có hơn không?




Không ngờ còn thằng nữa 

Một sĩ quan về nhà, thấy vợ ngoại tình, ông bình tĩnh nói: "Anh ra ngoài, chúng ta sẽ giải quyết theo kiểu đàn ông".

Sau đó, ông ta đề nghị bắn hai phát đạn, rồi hai người giả chết, nếu bà vợ ôm xác ai, người đó sẽ ở lại với bà ta. Nghe tiếng súng nổ, bà vợ mở cửa ra rồi kêu to:

- Anh ơi, chui ra đi. Cả hai thằng ngốc đều chết cả rồi.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

ƠI CON SÔNG NGÀN PHỐ

DĐL: Nơi ấy tôi ...rưng rưng!


Sáng tác: Trần Hoàn



Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi
(chứ) Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết
Những chuyện ngày xưa kể mần răng cho hết
Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây

Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay
Nắng ban mai nhuộm sông màu sáng
Và Ngàn Sâu như hai hàng lụa trắng
Để sông La chảy mãi lững lờ.

Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa
Như con thuyền ngày xưa tôi đi theo Ngàn Phố
Hương Sơn quê mình đó với Nước Sốt, Cầu Treo
Dãy núi Nầm cheo leo quanh năm trầm mặc.

Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông
Gặp đường Hồ Chí Minh vắt ngang con đường Tám
Đường lên thăm nước bạn cũng có gì đâu xa
Rừng thắm nở hoa chờ đợi anh trở về.

Ngàn Phố của hôm nay gừng vẫn cay, muối vẫn mặn
Mà nghĩa tình càng sâu nặng, con cá Mát với bát chè xanh
Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay
Mà răng đi nỏ được, mà răng đi nỏ được
Ơi Ngàn Phố của tôi...!


* * *

Không biết tự bao giờ, tôi yêu những ca khúc viết về Hà Tĩnh quê mình đến vậy?! Có phải do "thiên vị" khi nghĩ mình là người Hà Tĩnh nên tôi cứ đồ rằng những ca khúc viết về mảnh đất và con người của núi Hồng, sông La hay đến mức mà hiếm một vùng quê nào trên đất nước này có được. Có thể liệt kê: Chào em cô gái Lam Hồng; Người con gái sông La; Gửi sông La; Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh; Hà Tĩnh mình thương; Nơi ấy quê mình; Mời anh về Hà Tĩnh; Sông La ngày về; Núi Hồng Sông La... vân vân và vân vân...

Duyên cớ nào mà một dải đất nhỏ hẹp của "Khúc ruột miền Trung" nghèo lúa gạo mà giàu nghĩa tình cùng... thiên tai, địch hoạ, nắng lửa, bão giông lại có cả một kho tàng phong phú những ca khúc"vượt thời gian" như thế!? Câu trả lời xin dành về phía các bạn... Nhưng có một điều chắc chắn rằng người Hà Tĩnh chúng ta dù sống ở đâu cũng thật tự hào bởi những tình khúc viết về quê mình như thế! Những bản tình ca ấy đã thấm sâu vào lòng người một cách tự nhiên và say đắm. Có lẽ bởi đó chính là di sản nghệ thuật đích thực mà các nghệ sỹ như những con tằm miệt mài dứt ruột nhả tơ để dệt cho đời, cho Hà Tĩnh những tấm thảm nghệ thuật lộng lẫy, đa sắc màu và có sức công phá thời gian?!

Cảm ơn các nhạc sỹ đã ưu ái dành cho Hà Tĩnh cả những tấm lòng!

Quả thật, xưa nay, nhiều nhạc sỹ đã rất thành công khi viết về mảnh đất và con người Hà Tĩnh. Các tác phẩm ấy đã trở thành "Những bài ca đi cùng năm tháng". Và cùng với nó là những tên tuổi cũng sống mãi với thời gian như Ánh Dương, Doãn Nho, Lê Việt Hoà, Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Hồ Hữu Thới, Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh, Quốc Việt... và đương nhiên, trong đội ngũ sáng tác đông đảo ấy, chúng ta không thể không nhắc tới một nhạc sỹ đã gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây bằng nhiều ca khúc để đời. Đó chính là nhạc sỹ tài hoa - cố nhạc sỹ Trần Hoàn. Ông có những bài hát về quê hương Hà Tình đi vào lòng người đã từ rất lâu mà nổi bật là ca khúc "Mời anh về Hà Tĩnh". Hình như Trần Hoàn duyên nợ với quê hương Hà Tĩnh mình lắm (?!) Bởi, những giai điệu, tiết tấu, âm sắc và ca từ trong các sáng tác của ông cứ trở đi trở lại và neo đậu trong trái tim và tình cảm của người dân xứ Nghệ nói riêng và nói chung cho tất cả mọi người. Trong số đó, có một nhạc phẩm mà gần đây, tôi tình cờ được nghe bởi giọng ca trong trẻo, sâu lắng mà ngọt ngào của một nữ ca sỹ nào đó, ca khúc: "Ơi con sông Ngàn Phố", ca từ được diễn đạt dưới hình thức của ngôn ngữ thơ:



Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi!

(chứ) Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết

Những chuyện ngày xưa kể mần răng cho hết

Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây.

Ơi con sông Ngàn phố của hôm nay!

Nắng ban mai nhuộm sông màu sáng

Và Ngàn Sâu như hai hàng lụa trắng

Để sông La chảy mãi lững lờ...

Hai đoạn mở đầu được phát triển trên nền nhạc nhẹ nhàng êm êm, đậm âm sắc câu vè, điệu ví dân ca xứ Nghệ mà ngọt ngào như tiếng mẹ ru ta.. Một là"con sông Ngàn Phố"của ngày xưa:"Em sinh khi mô mà tui đây nỏ biết" và một là "con sông Ngàn Phố của hôm nay, nắng ban mai nhuộm sông màu sáng". Giọng nữ trung đầy mê hoặc của nữ ca sỹ dìu dặt, thướt tha, luyến láy như đưa tôi về với con sông Ngàn Phố thuở hồng hoang; vượt qua không gian, băng qua thời gian cùng những biến cố, thăng trầm của lịch sử để hôm nay, có một Ngàn Phố hợp lưu cùng với một Ngàn Sâu"như hai hàng lụa trắng"dệt nên một dòng La êm đềm"lững lờ" trôi, mà trên đó có rất nhiều chiến công đã đi vào huyền thoại.


Chất liệu dân ca như hoà quyện trong mỗi ca từ. Cảm từ "Ơi" ở đầu mỗi đoạn kết hợp với động từ sở hữu"của" ("Ơi con sông Ngàn Phố của tôi ơi!" và "Ơi con sông Ngàn Phố của hôm nay) qua sự sáng tạo của ca sỹ, được chắp cánh từ giai điệu mang âm hưởng mượt mà, dịu ngọt của dân ca xứ Nghệ, tạo nên âm ba du dương, lắng sâu và da diết; như đăm đắm, day dứt; như bâng khuâng, luyến nhớ và tự hào trước biến cố của thời gian"vật đổi sao dời" và cảm thức của lòng người. Người nghệ sỹ đã níu thời gian từ thuở hồng hoang trở về với hiện tại để cho"con sông Ngàn Phố" hôm nay không còn là một hiện tượng tự nhiên hoang sơ nữa, mà thực sự trở thành một nhân vật trữ tình, được tác giả cách điệu hoá thành"Em" - Em sông Ngàn Phố ! Một điều tưởng như phi lý trong logic đời sống nhưng lại thật có lý trong nghệ thuật. Rất táo bạo mà cũng thật dễ thương! (chứ) "Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết"). Có lẽ (tất cả chúng ta) cũng chỉ có thể biết rằng sông Ngàn Phố khởi nguồn từ phía tây thuộc dãy Trường Sơn còn "sinh khi mô" thì ai mà biết được (?!). Cái quá khứ thuở "khai thiên lập địa" với hiện tại đã vượt lên không gian và thời gian vô định để xích lại gần nhau bởi cụm từ "chỉ biết"."Chỉ biết bây giừ xanh biếc những bờ cây" mà thôi. Còn ngoài ra chỉ là sự tồn tại!

Mô típ "chứ" mà ta thường gặp trong ví giặm Nghệ - Tĩnh (giặm: thêm, chen, giặm vào những chỗ trống (giặm lúa) để đưa đẩy, biểu đạt cảm xúc: "Em ơi (chứ) khoan vội bực mình"; (chứ) "Giận thì giận mà thương thì thương"; (chứ) "Khi tui chưa đánh thằng Mỹ, thì nghe đồn ngược đồn xuôi..." v.v... Và khi đến tình khúc nổi tiếng "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" thì đã được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sử dụng rất "đắc địa" ở câu mở đầu: (chứ) "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh..." và lần này trong ca khúc "Ơi con sông Ngàn Phố" lại được Trần Hoàn phát triển khá linh hoạt. Lại nữa, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất "tôi" ở câu thứ nhất được tác giả tinh tế chuyển ngay sang tiếng địa phương Hà Tĩnh "tui" ở câu thứ hai, kết hợp việc sử dụng với tần số cao các phương ngữ khác như "khi mô", "nỏ biết" tạo nên sự đậm đặc của ngôn từ xứ Nghệ trong một câu hát, gây cảm hứng thích thú cho người nghe: (chứ) "Em sinh khi mô thì tui đây nỏ biết".

Như vậy, từ việc vận dụng chất liệu dân ca một cách tinh tế đến sự kết hợp rất khéo những phương ngữ Nghệ - Tĩnh như"khi mô","nỏ", "mần răng","bây giừ" v.v..., người nghệ sỹ đã cùng ta đi từ quá vãng xa xưa trở về với cuộc sống hôm nay bằng hai đoạn tiếp theo rất giàu tính tự sự và yếu tố kể nhằm "điểm danh" những vùng "địa linh", những "nhân kiệt", "hiền tài" đậm chất sử thi, đã đi vào sử sách; gợi nhớ về một thời chưa xa mà mảnh đất và con người Hà Tĩnh phải gồng mình lên, bám đất quê hương để mà tồn tại, để mà sống và làm nên lịch sử, làm nên Đất Nước. Hơn một lần chúng ta đã từng được gặp những tên đất, những con người như thế trong ca khúc "Mời anh về Hà Tĩnh": "... vào tận Đèo Ngang rồi vòng lên Chu Lễ...ghé Đức Thọ, Hương Sơn; Can Lộc vào Cẩm Xuyên; Thạch Hà ra Hồng Lĩnh... qua huyện Nghi Xuân,... thăm mộ Nguyễn Du;... lên đồi Cụ Phan,... qua nhà Trần Phú...".

Không phải là sự trùng lặp, mà là trước đó, tác giả như nói chưa hết, nên đến ca khúc này, ông lại gợi nhắc và nhấn mạnh thêm một lần nữa như để khẳng định, để tự hào và thưởng thức:

Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa

Như con thuyền ngày xưa, tôi đi theo Ngàn Phố

Hương Sơn quê mình đó, có Nước Sốt, Cầu Treo

Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc

Tôi đi giữa đồng lạc, qua viếng mộ Lãn Ông

Gặp đường Hồ Chí Minh, vắt ngang con đường Tám...

...

Những tên đất, tên người, được nêu lên ở đây, đâu chỉ là ghi dấu chiến công trong quá khứ. Đó còn là những địa chỉ văn hoá và những vùng kinh tế mở trong thời "hội nhập", "mở cửa" hôm nay. Đó là bến Tam Soa (ba dải lụa) nơi hợp lưu của Ngàn Sâu, Ngàn Phố để đổ vào sông La thuộc địa phận xã Tùng Ảnh, Đức Thọ - vùng "địa linh" với biết bao "nhân kiệt" như Phan Đình Phùng, Trần Phú... Rồi Nước Sốt, Cầu Treo là chốn khởi nguồn và là tiềm năng cho những vùng kinh tế mới. Giai điệu ở đây trầm lắng như thủ thỉ, tâm tình, như lời ru ngọt ngào da diết, như hoài niệm mà cũng rất mực tự hào muốn gọi mời khách thập phương hãy về với "Hương Sơn, Ngàn Phố, Nước Sốt, Cầu Treo..."

Nhịp điệu và tiết tấu ở đây mạnh và dồn dập. Khắc hoạ hình ảnh dòng sông nơi thượng nguồn, có độ dốc lớn, nước chảy xiết hơn, nên câu hát như được tách ra làm tư với nhịp 3/2, 2/3 và 2/2 ở câu cuối của khổ thơ tạo sự dứt khoát, gấp gáp như nhịp chèo trên sông Ngàn Phố:

Tôi đi từ / chợ Thượng / tôi ngược bến / Tam Soa

Như con thuyền /ngày xưa / tôi đi theo /Ngàn Phố

Hương Sơn / quê mình đó /c ó Nước Sốt / Cầu Treo

Dãy núi Nầm / cheo leo / quanh năm / trầm mặc...

...
Ai từng lên Hương Sơn nếu đi đường bộ, chắc sẽ phải qua Ngã ba Nầm. Đây là một chặng của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại; trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành "túi bom"do không quân Mỹ dội xuống hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Núi Nầm giờ toạ lạc một nghĩa trang Liệt sỹ lớn, nơi yên nghỉ cho những người con quê hương Hà Tĩnh, của Mẹ Việt Nam đã hy sinh vì Nước và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nước bạn Lào. Bởi vậy mà dãy núi Nầm càng thêm "trầm mặc" và thiêng liêng! Chất liệu dân ca vùng quê Nghệ Tĩnh đã quyện lại, lắng sâu vào từng ca từ, được nhạc sỹ xử lý một cách linh hoạt và uyển chuyển tạo nên tiết tấu đậm đặc âm sắc chất giọng xứ Nghệ .

Đoạn cuối như một dấu lặng, khép lại cảm xúc trước lúc đạt tới cao trào và độ viên mãn khi nhạc sỹ vận dụng chất liệu"gừng cay, muối mặn" trong câu ca dao "Muối ba năm, muối đang còn mặn; Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay" và một sự so sánh cũng thật dung dị, đơn sơ để chỉ một Ngàn Phố hay nói rộng ra là một Hà Tĩnh hôm nay đã đổi mới và đi lên cùng đất nước. Đã "đàng hoàng, to đẹp hơn" nhưng vẫn luôn giữ một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình người sâu nặng, thuỷ chung, nghĩa tình, son sắt:



Ngàn Phố của hôm nay, gừng vẫn cay, muối vẫn mặn

Mà nghĩa tình sâu nặng, như con cá Mát với bát chè xanh...


Hương Sơn nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm như lộc nhung hươu, như cam bù, mật ong rừng cùng nhiều lâm sản quý... Vậy nhưng nhạc sỹ chỉ chọn hai sản vật bình dị nhất đó là "con cá Mát" và "bát nước chè xanh" để bộc bạch tấm lòng của người dân Hương Sơn, Hà Tĩnh mình chân quê mà nặng tình, chung thuỷ; đơn sơ mà rất đỗi bền chặt, sáng trong. Chính điều đó cắt nghĩa vì sao đôi chân người nghệ sỹ cùng tất cả những ai đến với Hương Sơn, trong giờ phút chia xa cứ như bị níu giữ, không thể nào "dứt áo ra đi" nổi:

Đã đến giờ xa nhau, đã đến phút chia tay

Mà răng đi nỏ được! Mà răng đi nỏ được?...

Cô ca sỹ đã thể hiện bằng điệp khúc và sự kéo dài và luyến láy không dứt âm ba tạo nên sự dùng dằng, day dứt "Mà răng đi nỏ được?! Mà răng đi nỏ được?" để cuối cùng bật lên cảm xúc dâng trào, trong niềm kiêu hãnh và tiếc nuối khi phải chia tay:"Ngàn Phố của tôi!"

Chưa có may mắn được biết danh tính của người thể hiện ca khúc này, nhưng tôi thật sự xúc động, tự hào và cảm ơn cô gái - ca sỹ, đã chắp cánh cho bài hát "Ơi con sông Ngàn Phố" được thăng hoa trong bầu trời âm nhạc. Bài hát đã ghi thêm vào danh sách những ca khúc tuyệt vời, hát về quê hương Hà Tĩnh yêu dấu của chúng ta!

Có nhiều nhạc sỹ viết về những dòng sông và có nhiều dòng sông được các nhạc sỹ thể hiện và gửi gắm bằng nhiều cung bậc tình cảm say đắm khác nhau của lòng mình, nhưng "Ơi con sông Ngàn Phố" của nhạc sỹ Trần Hoàn là nhạc phẩm có một tiếng nói riêng, một cảm xúc riêng, là bản tình ca sâu lắng mà dâng trào như những nhịp sóng, mãi vỗ dạt dào vào bến bờ tâm khảm của người nghe.

(Mời các bạn nghe ca khúc từ panel. Nếu panel không mở được,
hãy mở từ Albums, sẽ có ngay bài "Ơi con sông Ngàn Phố")

TP. Hà Tĩnh, 02/2009

________________ V K S

Chú thích:

- Khi mô: khi nào, lúc nào

- Tui: tôi

- Mần răng: làm sao

- Nỏ: chẳng, không

- Răng: sao, tại sao

- Bây giừ: bây giờ


Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Tết miền thơ ấu

Nguyễn Quang Lập



Cứ gần đến tết mình lại ngồi nhớ con Hà, hơn bốn chục năm rồi không sao quên được nó. Con Hà cũng bốn tuổi, trắng trẻo xinh xắn, cười có lúm đồng tiền chấm phẩy. Nó ở sát ngay nhà mình, chẳng biết thân nhau từ khi nào nữa.

Tết năm 1960 mình năm tuổi, con Hà cũng năm tuổi. Nó sinh tháng giêng, mình sinh tháng ba, nó nói tau hơn mi hai tháng, mi phải kêu tau bằng chị chớ! Mình nói ẻ vô kêu mi bằng chị. Nó nhăn răng cười, lúm đồng tiền chấm phẩy hồng tươi.

Ngày 22 vẫn chưa thấy có gì, trong nhà ngoài ngõ vẫn vắng hoe. Sang đến ngày 23 bỗng rộn ràng hẳn lên, nhà nào cũng dựng cây nêu, đã nghe mùi hương khói, mùi xôi, mùi thịt cá thơm lừng. Người lớn tất bật hết chạy chợ lại nháo về nhà mua mua bán bán, có khi vừa chợ về đã vội vã nháo trở ra.

Mình với con Hà cũng đi chợ tết, đứng chôn chân gian hàng đồ chơi. Hàng tò he ngày thường đã thích, ngay tết thì mê đi, bao nhiêu anh hùng hảo hán xanh xanh đỏ đỏ, đứng đứng ngồi ngồi trên tấm chiếu hoa. Con Hà nói ông Quan Công đó tề! Mình nói ông Trương Phi đó tề! Mình nói a a Tôn Ngộ Không! Con Hà nói a a Trư Bát Giới!… Hai đứa mải mê nhìn, thèm quá thích quá, nước mũi nước miếng chảy xuống tận cổ.

Ngày 23 tết hai đứa đứng ngửa cổ nhìn ba mình dựng cây nêu trước cổng. Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau tới Tết dựng NÊU ăn chè. Cây tre tươi cao vói treo lủng lẳng cái giỏ nhỏ đựng cau trầu, buộc mảnh vải vàng tươi bay phấp phới và gắn mảnh tôn sắt màu đỏ hình mũi tên trỏ về hướng Đông, chỉ có vậy thôi mà ngây ngất.

Con Hà nói nhà tau cũng trồng cây nêu rồi, mình nói nêu nhà tau cao hơn. Con Hà cong môi, nói nêu nhà tau cao hơn, mình nói nêu nhà tau, nó nói nêu nhà tau… Rồi nhăn nhăn răng cười, túm tay mình nhảy chân sáo, vừa nhảy vừa hát Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)/ Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà./ Quỷ vào thì Quỷ lại ra./ Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.

Lâu lâu hai đứa lại đứng ngửa cổ nhìn mãi mảnh vải vàng bay phấp phới. Mình nói áo cà sa của Phật đó. Con Hà nói áo Phật mần chi? Mình nói ba tau nói Phật mặc áo cà sa bay lượn trên không, xua đuổi ma quỉ. Con Hà chỉ cái mũi tên sắt, nói cái nớ mần chi? Mình nói ngón tay Phật đó! Con Hà tròn xoe mắt, nói rứa a, tay Phật mà rứa a.

Mình nói ừ, Phật chỉ tay hướng Đông, hét bớ ma quỉ cút đi cút đi! Ma quỉ con mô liều mạng xông vô, Phật chỉa ngón tay nhọn hoắt đâm phát lòi mắt, đâm phát trúng tim, ma quỉ chết luôn, a ha ha. Con Hà cười theo, đập tay mình kêu dzê-ê! 

Mình nói ma quỉ chết hết rồi, ông bà tổ tiên mới từ trời sa xuống cây nêu, lấy cau trầu trong giỏ ăn, rồi bay xuống bàn thờ ăn tết với cả nhà. Con Hà nói ai nói ai nói? Thiệt không thiệt không? Mình nói ba tau nói. Con Hà lại nhảy lên, nói a ha rứa là ông bà không chết ông bà chỉ đi xa thôi! Nó sung sướng đập tay mình kêu dzê-ê!

Hai đứa cùng tụi con nít kéo nhau chạy từ nhà này sang nhà khác, tranh nhau chỉ trỏ tranh nhau khoe khoang. Đứa này nói nêu nhà tau cao, đứa kia nói nêu nhà tau cũng cao- Nhà tau có xôi- Nhà tau cũng có xôi- Nhà tau có xôi gấc có thịt gà- Nhà tau cũng có thịt gà có cả cái đầu heo- Nhà tau cũng có đầu heo- Phét phét! Nhà mi không có- Có có! Không tin thì thôi… Rồi nhảy cà tẩng hét vang ôi ôi tết đến rồi!... Sướng quá! Sướng quá!

Nghe tiếng lợn kêu nhà nào cả lũ ba chân bốn cẳng chạy đến nhà đó, chầu chực chờ người lớn ném cho cái bong bóng lợn, thổi phồng lên làm quả bóng, cột dây kéo chạy ù ù dọc triền sông.

Mình cầm bong bóng chạy trước, con Hà chạy sau, nói cho tau chơi với cho tau chơi với! Đuổi không kịp, nó đứng dậm chân mếu máo, nói ẻ vô chơi với mi nữa! Mình đưa bong bóng cho nó, nó cầm bóng chân chạy miêng kêu a a a…vang cả triền sông.

Chiều tối mạ mình sai bê cái chậu nhỏ đựng ba con cá chép ra thả sông, con Hà chạy theo, nó con gái không được mạ nó cho đi thả cá. Hai đứa vừa đi vừa ngắm ba con cá, con Hà nói ông Thổ công cưỡi con mô? Mình nói con ni nì! Nó nói ông Thổ công to nhất à? Mình nói ừ to nhất. Con Hà lại hỏi ông Thổ địa cưỡi con mô, bà Thổ kì cưỡi con mô, mình chỉ bừa con ni con ni, thế mà nó cũng tin.

Bờ sông đầy người thả cá chép. Hai đứa bắt từng con một thả sông, miệng hát Nay mừng tứ hải đồng xuân/ Tam dương khai thái, muôn dân hoà bình, mắt mơ màng ngước lên trời cao như thấy ba ông bà Thổ công, Thổ địa, Thổ kì cưỡi cá chép bay đến Thiên đình. Mình chép miệng, nói mình được cưỡi cá chép bay lên trời cái hè? Con Hà gật gật, nói ừ, hai đứa ngồi một con liệng vòng vòng vèo qua nhà chào ba mạ rồi bay vút lên trời, he he sướng sướng!

Chiều ba mươi đã háo hức áo mới, mặc vào chạy rông khắp xóm khoe, cứ đứng ngoài ngõ nhà người ta nhìn vào, muốn khoe lắm nhưng ngượng. Có người khen, nói chà, cu Lập có cái áo đẹp hè! Sướng rêm, lại chạy sang nhà khác.

Tất nhiên mình chạy sang nhà con Hà đầu tiên, con Hà sờ sờ vuốt vuốt cái áo, nói áo ca rô đẹp hè đẹp hè. Mình nói anh Mĩ tau ở Liên Xô gửi về đó. Nó nói Liên Xô ở mô? Mình nói ở ngoài Hà Nội tề, xa lắm.

Mặc được nửa tiếng lại cởi ra cất, nói để mai mồng một mặc cho mới. Được nửa tiếng lại lôi ra mặc, ngắm ngắm nghía nghía, lại cất đi, lại lôi ra mặc, loay hoay với cái áo suốt chiều ba mươi.

Năm nào cũng thế, có áo thôi quần có quần thôi áo, như thế cũng đã sướng lắm rồi, ôm cái áo ngửi ngửi mùi vải mới sướng ngây ngất. Mạ nói tắm tắm rồi mạ cho mặc áo mới, thế là nhảy cẩng lên, lạnh mấy cũng tắm. Nồi nước tắm tất niên đầy lá hương nhu lá hồi lá sả lá bưởi lá chanh… thơm điếc mũi.

Mình ngồi trong chậu tắm, con Hà chạy vòng quanh lêu lêu, nói ê ê lớn rồi mà ở lỗ (cởi truồng) xấu quá xấu quá. Đến lượt nó tắm, mình chạy vòng quanh lêu lêu, nói ê ê điệu điệu, giả đò tắm cả quần, con nít tắm cả quần điệu điệu.

Đêm trừ tịch hầu như không ngủ, mọi đêm chín mười giờ đã ngủ lăn lóc thế mà đêm ấy tỉnh như sáo, mắt mũi hoảnh, hết chạy ra sân xem mâm cúng ngoài trời lại chạy vào loanh quanh bên nồi bánh chưng mạ nấu, nghe ba kể ông nội làm gì, ông ngoại làm gì. Thích nhất là chuyện cụ thần hoàng làng làm quan to nhà Lê, cụ kị làm lưỡng quốc lương y chữa bệnh cho cả vua ta lẫn vua Tàu. Lâng lâng tự hào, mình túm tay ba giật giật, nói cụ kị giỏi nhất chưa ba? Ba nói giỏi nhất. Thích quá nhảy cà tẩng hét dzê-ê!

Vừa lúc nghe tiếng con Hà gọi, nó không dám vào nhà chỉ đứng ngoài ngõ gọi khẽ, sợ kiêng, con gái phải quá Ngọ mồng một tết mới được sang nhà người ta. Mình chạy ra ngõ. Con Hà cũng diện áo mới, áo lụa tơ tằm màu mỡ gà láng coóng. Nó cười hì hì, nói nhà mi nấu chín bánh chưng chưa? Mình nói chưa, nó xòe bàn tay ra, nói nhà tau nấu chín rồi, năm cặp! Mình nói nhà tau nấu mười cặp tề, nó thè lè lưỡi nghẹo cổ cười, nói phét phét, nồi nhỏ rứa mà mười cặp. Rồi nó bốc cho mình một nắm cốm rang thơm phức, nói tau về đây không mạ tau giết.

Sáng mồng một háo hức chờ khách đến nhà cho tiền mừng tuổi, hồi đó tiền mừng tuổi chỉ năm xu một hào, khách sộp mới cho đến hai hào. Khách đến thì cứ giả đò chạy vô chạy ra, đến khi khách cho tiền thì giả đò ưỡn ẹo không lấy, mồm thì cháu không cháu không, mắt thì liếc nhìn mạ đợi lệnh. Mạ cười nói thôi xin bác đi con, mới cầm lấy tiền chạy ù đi. Lúc lúc lại sờ vào túi lẩm nhẩm đếm tiền. Thỉnh thoảng lại xổ ra cả, ngồi đếm đi đếm lại, sung sướng vô cùng.

Con Hà nói mi được mấy rồi? Mình nói ba đồng chín. Nó nói tau được bốn đồng hai ke ke ke. Mình tức lộn ruột, nói chị Nghĩa tau còn nợ tau hai đồng. Nó cười khì, nói có mốc xơ, đồ ba đồng chín xí hổ quá hi hi. Mình tức suýt khóc, nó còn lêu lêu, mình đá nó một phát bẹp đít, nó mếu máo khóc, chị Nghĩa chạy ra kêu ba ơi mạ ơi, mồng một tết thằng Lập đánh nhau đây này. Hai đứa ù té chạy.

Làng nào cũng thế, hễ tết đến là sân đình bày hết các trò chơi, chỗ này cờ thẻ, chỗ kia chọi gà, chỗ nọ đánh đu. Sáng mồng một đi chùa hái lộc xong mọi người tập trung về đấy cả.

Vui nhất là hội bài chòi, người xúm đen xúm đỏ, trống đánh rền vang, người la kẻ hét. Xưa nghe nói hội bài chòi có dựng chín cái chòi, người chơi ở trong chín cái chòi ấy. Bây giờ thì không, chỉ thấy anh cu Tịnh đứng tên bục cao, cầm cái lọ thẻ hát hát nhảy nhảy. Người chơi ngồi xếp vòng tròn đen đặc, mỗi người có ba thẻ, hơm hớp chờ nghe xướng.

Mình với con Hà chạy tới, chầu chực mãi mới mua được ba thẻ. Mình nói để tau cầm thẻ cho, con Hà vui vẻ đồng ý liền, nó sợ con gái hay xui. Anh cu Tịnh lắc lắc ống thẻ, rút cái thẻ ra, ngó liếc cái số thẻ , rồi hát Chồng nằm chính giữa / Hai vợ hai bên / Lấy chiếu đắp lên / Gọi là ba bụng / Ba bụng bụng ba / Là con số ba! Con Hà nhảy lên, hét huơ đây đây. Mình với nó sướng rêm, đập tay nhau hét dzê-ê! Còn hai thẻ nữa, nếu trùng số cả ba thẻ là ăn giải. Con Hà chắp tay lạy lạy, miệng lầm bầm nói còn số một số chín nữa… lạy trời lạy trời!

Anh cu Tịnh lắc lắc ống thẻ, rút cái thẻ ra, ngó liếc cái số thẻ, rồi hát Đi đâu mang sách đi hoài / Cử nhân không đậu, tú tài cũng không… Con nhất trò nó vừa ra xong! Con Hà nhảy ra khỏi vòng, hét huơ làng trúng rồi! Mình với nó cầm tau nhau nhảy cà tẩng!

Còn một số nữa, hồi hộp đến nghẹt thở.

Anh cu Tịnh lắc lắc ống thẻ, rút cái thẻ, ngó liếc cái số thẻ, rồi hát, lần này đổi giọng, không biết điệu gì đó nghe thật du dương: Bà con lẳng lặng mà nghe/ Róc rách ống tre con gì nó ra đây/ Anh trai Ba Đồn đi bán chiếu tre/ Gặp em gái bến sông Gianh/ Thương ai lòng thấy bồn chồn… Con chín nó ra rồi/ Ơi bà con ơi… Mình và con Hà như muốn bắn tung lên trời, ôm nhau sung sướng đến tức thở. Không mấy khi hô ba con liên tiếp trúng cả ba. Tiếng trống thúc một hồi, mọi người ồ lên, nói may hè, may hè…

Phần thưởng chẳng có gì, chỉ có gói bánh và cái khăn mùi xoa, nhưng hai đứa sướng mê man suốt ba ngày tết. Ăn chung gói bánh, con Hà nói cái khăn để tau cất, mi cất mất liền. Mình gật gật, nói ừ ừ, tụi mình là hai vợ chồng mà! Nó nói đúng rồi hai vợ chồng! Mình nói hai vợ chồng hay hè hay hè! Nó nói ừ ừ hai vợ chồng hay hè hay hè!

Tết năm 1967 con Hà chết bom. Nhà nó sơ tán lên làng Đông cùng với nhà mình, phiên chợ 20 tết trúng bom chết mấy trăm người, tất cả các cây nêu làng Đông năm đó đều treo tang trắng. (Chuyện này mình đã kể trong Kí ức năm hào).

Chị gái nó tên Hân đưa lại cái khăn cho mình, nói em giữ lấy, đừng có làm mất tội nghiệp con Hà. Liền mấy tiết Thanh minh, năm nào mình cũng ra mộ nó, đặt lên khăn mùi xoa hai quả chuối, hai quả cam nhỏ, hai quả trứng gà, hai cái kẹo, ngồi với nó cả giờ rồi lủi thủi ra về.

Đến khi vào đại học mình còn giữ được cái khăn mùi xoa. Tết năm 1976 chị Hân xuống nhà mình chơi, nói em còn giữ cái khăn mùi xoa không? Mình nói có. Chị ứa nước mắt khóc nghẹn, nói con Hà nhiều lần hiện về hỏi chị cái khăn, hình như nó nhớ em…Cho chị xin cái khăn để chị hóa cho nó.
Mình ngồi yên rưng rưng, không biết nói sao.

NQL

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Kỹ sư “Hai lúa”

Dương Đình Lương: Không biết các "Kỹ sư" được học hành, có bằng cấp hẳn hoi có chút nào xấu hổ khi đọc bài này? Tôi có người quen cũng là Kỹ sư cơ khí chế tạo (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) từ khi tốt nghiệp lấy bằng "kỹ sư" đến giờ "thành quả duy nhât" mà anh ta "chế tạo" là cái "máy tuốt lúa" nhưng "không sử dụng được". Mẹ anh ta cùng với một bác nông dân hàng xóm đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của để "đầu tư" cho anh "Kỷ hư" thực hiện dự án này. Nhưng hỡi ôi! Mỗi khi cái cần đạp đi lên thì cái đầu gối của người tuốt lúa cũng gần "chạm đến cằm"(?).
Không dùng được thì phải vứt bỏ thôi. Thật đáng xấu hổ cho những tay "kỷ hư" loại này(!).
Tôi sẽ có bài riêng về "nhân vật điển hình này" để trả lời câu hỏi: Vậy bây giờ nó ra sao?


Tay "kỷ hư" không làm nổi cái "máy tuốt lúa" đơn giản này 
               chứ đừng nói đến "máy xe tơ bốn trục" phức tạp của anh Hai Lúa!



Ông Nghiêm Đại Thuận đang sản xuất chỉ tơ xơ dừa trên máy quay 04 trục do chính ông sáng chế

Kỹ sư “Hai lúa”


Chưa học qua trường lớp nào về cơ khí nhưng với sự thông minh, cần cù vượt khó , “Hai lúa” Nghiêm Đại Thuận đã làm mọi người thán phục khi sáng chế thành công máy se chỉ xơ dừa 4 trục. Chiếc máy không chỉ giúp phụ nữ nông thôn giảm bớt nhọc nhằn mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo nên “kỳ tích” mới trong phát triển kinh tế hợp tác, xóa đói giảm nghèo.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên anh Nghiêm Đại Thuận không may mắn như các bạn cùng lứa trên con đường học vấn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá, vợ chồng anh Thuận không giấu được sự vui mừng về “kỳ công” sáng chế ra chiếc máy xe tơ xơ dừa 4 trục.

Nói về những thăng trầm trong suốt quá trình sinh sống, lao động vất vả của mình, anh Thuận nhớ lại: Quê anh ở Sóc Trăng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo lại đông anh em. TPHCM là nơi anh Thuận đặt chân đến tìm kế mưu sinh với đủ thứ nghề, từ làm mướn đến giúp việc cho cơ sở hàn tiện sắt thép phế liệu. Không bám trụ được, anh trở về quê với 2 bàn tay trắng và sau đó sang Hàn Quốc giúp việc cho một trang trại nuôi heo. 

Quyết định hồi hương đã mang đến cho anh một cơ duyên bất ngờ. Trong những lần quen biết ngẫu nhiên tại TPHCM, thấy anh Thuận tính tình chân thật, lại có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, anh Nguyễn Hoàng Đệ (quê xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) đã mai mối người em gái duy nhất của gia đình là chị Nguyễn Thị Mỹ Thùy cho anh Thuận.

Về quê vợ lập nghiệp, chồng nuôi heo, vợ kéo chỉ tơ xơ dừa bán. Hàng ngày vợ anh làm lụng suốt ngày mà chiếc máy chỉ cho ra vài ba ký tơ xơ dừa, thu nhập chỉ được vài chục ngàn đồng. Anh Thuận mang chiếc máy kéo chỉ tơ xơ dừa lên tận các cơ sở cơ khí ở TPHCM nhờ thiết kế thêm nhiều trục quay để hiệu quả sản xuất cao hơn. Đến đâu anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, từ chối không thể làm được. Sau nhiều đêm không ngủ cộng với kiến thức “hàn tiện sơ cấp” học được khi đi làm thuê ở TPHCM, anh mày mò nghiên cứu, vay tiền người thân thiết kế chiếc máy xe tơ 4 trục.

Sau 2 năm tự nghiên cứu và nhiều lần thất bại, cuối cùng năm 2012 anh đã sáng chế ra chiếc máy quay chỉ tơ xơ dừa 4 trục, công suất tơ thành phẩm 40kg/ngày, gấp 5-7 lần so với chiếc máy ban đầu. “Vùng quê ở đây cây lác, cây dừa rất nhiều, thấy vợ se tay cực khổ suốt ngày mà thu nhập chỉ có 15.000 - 25.000 đồng. Từ khi có chiếc máy 4 trục này, mỗi ngày gia đình xe được 25 - 30kg, mang lại 6 triệu đồng/tháng, cao gấp 20 lần trước đây”. 

Thông tin “Hai lúa” Nghiêm Đại Thuận sáng chế thành công máy xe tơ xơ dừa 4 trục hiệu quả sản xuất gấp 4 lần so với máy trước đây lan nhanh khắp làng quê, nhiều đoàn cán bộ xã, huyện, tỉnh đến tham quan chia sẻ kinh nghiệm. Từ thành công chiếc máy ban đầu, đến nay anh Thuận đã sản xuất thêm 4 chiếc máy theo đơn đặt hàng của bà con trong xã. Chiếc máy 4 trục của anh Thuận chế tạo chạy rất ngon, giá 75 triệu đồng/máy, mỗi ngày cho ra 30 - 40kg tơ xơ dừa loại nhỏ, nếu xe tơ loại lớn thì từ 100 - 120kg. Có chiếc máy này đỡ vất vả cho chị em phải xe thủ công.

Hiệu quả chiếc máy thay thế hàng chục lao động, cho ra sản phẩm cao gấp 15-20 lần so với chiếc máy 1 trục trước đây”. Không dừng lại ở đó, hiện anh Thuận đang nghiên cứu chế tạo tiếp một chiếc máy xe tơ xơ dừa 6 trục. 

Ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Trà Vinh, cho biết trung tâm sẽ dành nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công để hỗ trợ, anh Thuận trang thiết bị, công nghệ sản xuất. Song song đó, quảng bá đến các trung tâm khuyến công khu vực ĐBSCL biết để đưa nghề sản xuất tơ xơ dừa phát triển thêm một bước mới.

Theo SGGP
KỲ DUYÊN

Chân dung hay chân tướng nhà văn: Hoàng Phủ Ngọc Tường



NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Hồi năm 1978, ông bạn họa sĩ Trịnh Tú, lúc đó là thư ký bác sĩ Tôn Thất Tùng, GĐ bệnh viện Phủ Doãn một hôm rủ tôi :
“ Tới thăm vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đi !”
Tôi ngần ngại :
“ Có việc gì cần không ? Nếu không thì ngồi quán bà Dậu làm chén rượu chẳng hơn à ?’
Hồi đó tôi ở phố Ấu Triệu sát ngay bệnh viện Phủ Doãn nên Trịnh Tú thưởng lẻn sang rủ tôi uống rượu ở quán bà Dậu ngay đầu phố tôi. Nguyên là ông bạn vàng này mới nhờ tôi đưa bồ hắn từ Sàigòn ra đi thăm nuôi chồng vốn là sĩ quan quân đội cộng hòa đang cải tạo mãi tại vùng rừng núi heo hút Thanh Hóa. Vì không phải thân nhân nên tôi không được vào trại , phải ngủ rừng một đêm muỗi cắn gần chết. Sợ ông bạn lại “sai” việc nữa , tôi giao hẹn trước :
“ Tới chơi thôi, còn có việc thì thôi nhé !”
Trinh Tú cười cười :
“ Tới giúp bà Mỹ Dạ, vợ ông Tường đi khám bệnh…”
Tôi gật gật:
“ Vậy thì được…”
Tôi tưởng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải ở một căn hộ nào đó ở khu hồ Tây hoặc khu nghỉ dưỡng Quảng Bá, không ngờ Trịnh Tú đưa tôi lên đường đê La Thành vào trường viết văn Nguyễn Du tới một căn buồng mái tranh, vách đất, trống huếch trống hoác, giữa nhà trải chiếc chiếu, một người đàn ông gày guộc, ngồi xệp, hai đầu gối qúa tai. Chắc đã hẹn trước, nhà văn vồn vã mời ngồi, còn chị vợ - nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ thì xin phép vào bếp rang…lạc đãi khách. Trịnh Tú vội xua tay :
“ Thôi thôi…tôi tới coi sức khỏe chị sao ? Liệu có giúp được gì rồi phải về ngay…”
Trong lúc Trịnh Tú hỏi chuyện chị vợ thì tôi ngắm nhà văn . Ôi chao ôi , người đàn ông gày gò, ốm đói kìa lại là người viết ra bút ký “ Rất nhiều ánh lửa “đăng trang nhất báo Văn Nghệ ư ? Điều kiện sống tối tăm và ẩm thấp thế này ông lấy đâu ra lửa ?
Trên đường về tôi la oai oái. Thật không thể tưởng tượng được, một “nhà văn viết bút ký hay nhất của văn học ta hiện nay” ( Nguyên Ngọc) , hồi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế , soạn “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng phát đi khắp các nẻo đường, phố phường Huế Tết Mậu Thân , có thành tich lớn trong phong trào “diệt ác, trừ gian”, theo đồn đại đã từng ngồi ghế Chủ tọa Tòa án Nhân dân tại trường Gia Hội . Năm 1972 được điều ra làm Trưởng Ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị ở Đông Hà (vùng mới giải phóng của Mặt trận Giải phóng), 17 năm kiên trì làm “đối tượng Đảng” rồi được kết nạp…
Một người đã bỏ đô thị “lên xanh” theo cách mạng với thành tích lớn thế sao ra Bắc lại bị “đãi ngộ” nghèo nàn đến vậy.
Ra khỏi nhà Hoàng phủ Ngọc tường, tôi lo lắng hỏi bệnh tật chị Mỹ Dạ, Trịnh Tú gạt đí :
“Bệnh tật gì đâu…bệnh thiếu…protide ấy mà…ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sinh bệnh thế thôi.”
Tôi nổi cáu :
“ Một cặp nhà văn –nhà thơ có nhiều đóng góp cho cách mạng sao giờ lại đối xử vậy ?”
Trinh Tú cười hề hề :
“ Cậu đi hỏi mấy ông trên, sao hỏi tớ ? Thôi, ghé quán bà Dậu làm chén “cuốc lủi” , mặc mẹ sự đời .”
Sau này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rời Hà Nội trở về Huế và nghe nói được “đãi ngộ” khá hơn. Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp riêng Tổng bí thư. Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng, giờ là Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải nổi tiếng vụ “trảm tướng” sân bay Đà Nẵng, đòi đánh thuế cả xe máy dân nghèo, lúc đó là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một dàn máy tính xịn. 
Năm 1980-1981, được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Rất nhiều ánh lửa” (1979). 
Năm 2007, được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. 
Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Cửa Việt.
Tháng 7-1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường sang thăm Paris. Khi được bà Thụy Khuê (RFI) hỏi :
“Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào"
Ông đã trả lời :
“ Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng…”
Phải chăng vì những oan hồn đó, sau này trên giường bệnh, ông làm những câu thơ đậm chất “tâm linh” :
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Hoặc :
“Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi ……”
Cũng trên giường bệnh, trả lời nhà báo, Hoàng Phủ Ngọc Tường thành thực :
“ Nhà văn phải nói lên sự thật…”
Qúa đúng, với ông , có lẽ trước hết là sự thật về cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân ở Huế.
Nhà thơ Xuân Sách có lẽ hiểu khá thấu đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường nên đã hạ bút :
“Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh giũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi!”

Nhật Tuấn

Thứ năm, ngày 12 tháng một năm 2012


Phùng Quán xông đất nhà thơ Tố Hữu



Nhà thơ Phùng Quán


Sáng mùng một Tết năm Canh Ngọ. Như thường lệ, vợ chồng chúng tôi xuất hành vào 9 giờ sáng, đến chúc Tết các gia đình họ hàng nội ngoại. Năm đó chúng tôi quyết định xông đất đầu tiên gia đình nhà thơ Tố Hữu.

Trong mối liên hệ gia tộc, tôi gọi nhà thơ bằng cậu. Theo phong tục miền Bắc, tôi phải gọi bác, vì nhà thơ là anh em cô cậu ruột với mẹ tôi. Cậu là con út trong gia đình, hàng cháu chúng tôi vẩn quen gọi cậu út. Mọi năm, trên đường đi chúc Tết, tôi thường vẫn đi xe đạp ngang qua trước cổng biệt thự của nhà thơ trên đường Phan Đình Phùng. Cảnh tượng tưng bừng, tấp nập trước cổng biệt thự tôi không tả nổi; chỉ đoán chắc cả Hà Nội cũng chỉ năm bảy nhà sánh kịp mà thôi. ô tô con đủ hình dáng, màu sắc, nhãn hiệu, choáng lộn như vừa xuất xưởng, đỗ một hàng dài san sát. Những bó hoa tươi thật lớn, thật rực rỡ, được đưa từ trên xe xuống… Công an mặc lễ phục đi lại dọc vỉa hè. Lính cảnh vệ oai nghiêm bồng súng đứng gác bên cổng sắt đồ sộ. Người ra người vào nườm nượp, mặc toàn đồ lớn, nét mặt hồng hào rạng rỡ, đầy vẻ trịnh trọng có pha chút khúm núm. Ngang qua đó, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác sờ sợ, đầu không khiến mà chân cứ tự động đạp xe dạt sang bên kia đường.

Nhưng Tết này, trước cổng biệt thự của nhà thơ quang cảnh vắng teo. Không có chiếc ô tô con nào, không công an cũng chẳng lính cảnh vệ. Cái cổng sắt mọi ngày nom như hẹp hẳn lại, hai cánh cửa khép hờ, ai vào cứ việc đẩy cửa mà vào y như thể dân thường. Hai vợ chồng chúng tôi xuống xe đạp đửng tần ngần một lúc trước cổng sắt.

"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan bỗng đột ngột hiện ra trong trí nhớ của tôi với toàn bộ vẻ đẹp u trầm và sâu sắc đến kinh người của nó.

"Tết này là đúng ba mươi hai cái Tết anh không đến chúc Tết cậu" - tôi nói với vợ, tay khẽ khàng đẩy cánh cổng sắt. Chúng tôi dắt xe qua khoảng sân lốm đốm những mảnh rêu, dựa xe vào tường dãy nhà ngang dài tít tắp, cuối dãy nhà là gara ô tô. Dãy nhà ngang này, mới năm ngoái năm kia, còn người ra người vào tấp nập, vang vang tiếng chuông điện thoại, tiếng "Alô, tôi nghe đây", tiếng máy chữ lách cách liên hồi; trong gara ngự một chiếc ôtô đen choáng lộn, nhìn thắng ra cổng với cặp mắt đèn pha sáng quắc, uy nghi. Bây giờ các cửa phòng đều đóng kín, trong gara đậu một chiếc xe con nhỏ thó, màu trắng đục.

Tôi bâng khuâng đưa mắt nhìn cây táo già và cây hồng tơ đứng sát bên rào sắt trước tiền sảnh biệt thự. Đây là hai cái cây nổi tiếng đã đi vào thơ.

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt", "Quả son nhún nhẩy đèn lồng cành tơ". Nhìn cây tôi bỗng chạnh nhớ đến anh lính trẻ thương binh Hoàng Cát viết văn. Chỉ vì cây táo này mà có lần anh phải mang họa vào thân. Anh viết truyện thiếu nhi "Cây táo ông Lành" và đã bị trừng phạt vì có dụng ý nói xấu cán bộ lãnh đạo cao cấp. Giá hồi đó anh đổi thành "cây nhót hay cây ổi ông Lành" chắc đã không phải khổ. Tôi nghĩ vậy và thầm tiếc cho anh. Chúng tôi bước vào phòng khách rộng lớn, thấy nhà thơ đang tiếp mấy vị khách ăn mặc xuềnh xoàng như chúng tôi, trong đó có một phụ nữ đứng tuổi, gương mặt thanh thoát, sắc sảo, cởi mở. Sau đó tôi mới được biết người phụ nữ này là chị Nẻ, vợ đồng chí Võ Chí Công.

"Thưa cậu, năm mới vợ chồng cháu xin đến chúc Tết, mừng tuổi cậu mợ và các anh chị…". Sau ba mươi hai năm không gặp lại, nhà thơ vẫn nhận ra tôi. "Vợ chồng Phùng Quán" nhà thơ nói như muốn giới thiệu luôn với mấy người khách – "Sao lâu nay cháu không đến cậu?" Giọng nhà thơ ân cần, có pha chút trách cứ của bậc bề trên.

Tôi thoáng một giây bối rối, nhưng nhờ mấy chén rượu xuân trước lúc xuất kích, nên đầu óc tôi trở nên mẫn tiệp. "Thưa cậu" - tôi chắp tay cung kính, ý thức sâu sắc rằng tôi không chì nói riêng với nhà thơ mà với cả khách khứa đang có mặt - "Cháu biết như vậy là rất có lỗi với cậu, nhưng mong cậu hiểu cho. Trước đây, lúc cậu còn là uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thứ nhất, cháu chỉ đến với mục đích duy nhất là để thăm, chúc Tết cậu mợ, nhưng bạn hữu và những người quen biết cháu sẽ đinh ninh Phùng Quán đến để cầu cạnh, xin xỏ Tố Hữu điều gì, và Tố Hữu gọi Phùng Quán đến để sai bảo điều gì. Tấm lòng thật của cháu dù biện minh đến ngàn lần cũng chẳng ai tin. Miệng lười thế gian dữ dằn lắm cậu ạ. "Ai biết đâu ma ăn cỗ!". Bây giờ mọi việc đã xong rồi, vợ chồng cháu lại được đến chúc Tết cậu mợ…".

Nhà thơ nhìn tôi với ánh mắt vừa thương hại vừa cười cợt. "Thôi, được rồi, hai vợ chồng ngồi xuống đây - nhà thơ chỉ hai cái ghế trống sát bên cạnh. Tôi là anh của mẹ Phùng Quán" - nhà thơ giới thiệu tôi với mấy người khách, trong đó có anh Hồ Ngọc Đại, nhà giáo dục cách tân nổi tiếng. Chúng tôi niềm nở bắt tay nhau. "Cậu có đọc bàỉ thơ "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe" - nhà thơ nói - Bài thơ được lắm". Tôi thực sự ngạc nhiên trước lời khen về bài thơ đó. Đến chúc Tết nhà thơ tôi ngại nhất là chuyện này. Tôi thầm hy vọng nhà thơ chưa đọc.

Em ơi nếu Tử Mỹ - Nhà ở rộng mười gian - Rào sắt với cổng son - Thềm cao đá hoa lá - Chắc ông không thể làm - Mưa thu mái nhà tốc…

Những câu thơ như thế có thể làm nhà thơ nghĩ rằng có sự ám chỉ cá nhân… Lời khen bất ngờ này toát ra vẻ đẹp trong trắng của tâm hồn nhà thơ: với thơ bao giờ cũng hoàn toàn vô tư.

Nhân nhắc đến chuyện thơ, chị Nẻ bỗng ngừng câu chuyện với người khách ngồi cạnh, quay sang hỏi nhà thơ với giọng thẳng thắn bộc trực: "Sao lâu nay anh ít làm thơ thế? Anh đừng để tâm gì nhiều đến những chuyện đã qua. Tôi nói thật, mất đi mười ông Phó Thủ tướng tôi cũng chắng tiếc bằng mất một nhà thơ như anh. Tuổi thanh niên tôi lao vào hoạt động cách mạng một phần cũng do đọc thơ anh. Ngày đó, bao nhiêu bài thơ trong tập Từ ấy tôi thuộc làu làu. Hồi bí mật, bọn mật thám bắt tôi, chúng nó tra tấn treo ngược tôi lên, bắt tôi khai báo. Tôi trả lời chúng bằng cách đọc thơ anh, đọc bài này tiếp bài khác, đọc suốt đêm. Sáng hôm sau chúng nó sợ phải cởi trói cho tôi… Không phải chúng nó sợ tôi đâu, mà sợ thơ anh đấy…".

Cũng là người làm thơ, nghe người phụ nữ kiên cường này nói về sức mạnh lớn lao của thơ, tôi thầm ao ước cả đời mình chỉ nhận được một phần mười của lời khen tặng đó - "Mọi năm, Tết nào anh cũng có thơ Xuân - chị Nẻ lại hỏi tiếp - Sao vài năm nay anh không có thơ Xuân?". "Tết này tôi cũng có làm một bài, ngắn thôi, thơ tứ tuyệt…". Vợ tôi nói: "Xin cậu đọc cho chúng cháu nghe với". Nhà thơ cười cười, đọc bài thơ với giọng Huế đặc sệt: "Đầu đề bài thơ là "Anh bộ đội mua đồng hồ". Xin lưu ý là "anh bộ đội" nghe: Có anh bộ đội mua đồng hồ - Thiệt giả không rành anh cứ lo - Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm; từ "tủm tỉm" của tôi là đắt lắm đấy. "Giả mà như thiệt khó chi mô!". Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một.

Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây. Chào 61 đỉnh cao muôn trượng, câu thơ sáng khoái của nhà thơ trong "Bài ca Xuân 61" được nhiều người hệt vào những câu thơ sấm ngữ. Riêng tôi, bài thơ này làm tôi nghĩ ngợi phân vân: có lẽ nào một nhà chính trị, một nhà thơ từng trải, thông minh như cậu mà mãi cho đến lúc bước vào tuổi bảy mươi mới bắt đầu ngấm cái đòn-giả-thật? Hay cậu đã ngấm từ lâu nhưng phải đến hôm nay, khi không còn hệ lụy gì nữa, mới có dịp bộc bạch với mọi người? "Các cháu ăn mứt đi - nhà thơ quay sang nói với vợ chồng tôi". "- Thưa cậu cháu không quen ăn ngọt. Cậu có rượu chi ngon cho cháu uống, cháu xin uống ngay". "Rượu à? Cạnh cái chân lò sưởỉ có chai rượu gì đó người ta biếu, cháu xem có uống được không?". "A, Rượu Nga? Ararat". Tôi vặn nút rót một ly đầy và uống cạn - Rượu ngon tuyệt cậu ạ. Thế mà vừa rồi nghe đâu Goocbachôp lại ra lệnh cấm rượu, Goocbachốp cùng tuổi với cháu, tuổi Tân Mùi". "Cấm rượu, nhà thơ dằn giọng - Do đó mới làm thiệt mất của đất nước một trăm mấy chục tỷ rúp". Gương mặt của nhà thơ đang vui vụt sa sầm, cặp mắt đang vui chợt lóe lên ánh tức giận trước một tổn thất quá lớn về của cải của một đất nước mà nhà thơ yêu mến từ thuở thiếu thời và đã từng viết nên những vần thơ xao xuyến lòng người. Nhà thơ nói tiếp: "Sự đúng đắn và lố bịch nhiều khi chỉ cách nhau một sợi tóc".

Sau khi khách khứa ra về, chỉ còn lại ba cậu cháu. Tôi đã uống đến ly Ararat thứ năm. Rượu bắt đầu ngấm làm tôi trở nên mạnh dạn. Tôi hỏi nhà thơ câu hỏi tôi muốn hỏi từ lâu: "Thưa cậu, cháu rất muốn biết, bây giờ thực sự cậu mong muốn điều gì?". Một thoáng trầm ngâm, nhà thơ nói: "Cậu ao ước còn đủ sức khỏe, đạp một chiếc xe đạp về trong quê mình, sống lại kỷ niệm của thời ấu thơ, thời hoạt động sục sôi của tuổi thanh niên, rồi đặt những bài vè như Mẹ Suốt, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Nước non ngàn dặm… tìm đến nơi có đồng bào, bà con tụ tập, đọc lên cho bà con nghe… Cậu mong muốn được làm người hát rong của nhân dân".

Nhà thơ ngồi yên lặng một lúc lâu. ánh mắt nhà thơ trở nên tĩnh lặng thâm trầm như mặt vực nước của một dòng suối lớn lắng lại sau khi chảy qua biết bao ghềnh thác dữ dội của cuộc sống và cách mạng. "Nhưng cậu còn bận vào việc phải hoàn thành công tác Đảng giao. Vả lại sức khỏe cũng kém đi nhiều, nên cái điều ao ước đó e khó lòng thực hiện được…"

Nghe nhà thơ tâm sự mắt tôi tự dưng mờ lệ, lòng quặn thắt cảm thương người cậu của tôi sang Xuân này, bước vào tuổi bảy mươi đã trở lại nguyên vẹn một nhà thơ, một NHÀ THƠ viết hoa.

Có lúc nhà thơ đã đạt đến chức Tam Công trong bộ máy quyền lực của đất nước, nhưng cuối đời lại chỉ mong ước được làm một nghệ sĩ hát rong của nhân dân mà không hy vọng thực hiện được. Trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên tôi lĩnh hội được hết vẻ cao sang của thi ca đích thực.

Vợ chồng tôi xin phép cậu ra về để còn đi chúc tết nhiều gia đình khác. Nhà thơ đứng lên tiễn chúng tôi và dặn: "Khi nào có thì giờ hai vợ chồng đến chơi với cậu. Cậu thường rảnh vào buổi chiều". Nhà thơ khoác vai tôi một bên, vợ tôi một bên lững thững đi ra cổng. Bước xuống khỏi những bậc tam cấp nhà thơ nói với vợ tôi: "Thằng Quán nó dại…". Khi ra gần đến cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình: "… mà cậu cũng dại…". Mấy ly rượu Ararát làm cái lưỡi tôi trở nên phóng túng, tôi bật cười to: "Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!"


Phùng Quán. Thứ 4, ngày 17 - 06 - 2009

Sức khỏe: Thông tin những bệnh nhân được cứu sống từ lá đu đủ

Theo danh sách GS Nguyễn Xuân Hiền cung cấp, PV đã trực tiếp trao đổi với các bệnh nhân và đơn vị nghiên cứu lá đu đủ chữa ung thư tại Việt Nam để thông tin rõ vấn đề.

Những cái chết... hồi sinh?

Lần theo số điện thoại còn lưu lại của GS Nguyễn Xuân Hiền, chị Nguyễn Thị Hạnh (45 tuổi ở 36 đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, chị không rõ mình khỏi bệnh do nước lá đu đủ hay các loại thuốc mà chị đã uống.

Chị Hạnh kể, năm 2004, chị phát hiện bị ung thư buồng trứng và đã phẫu thuật cắt hết buồng trứng cùng cổ tử cung, sau đó truyền hóa chất và xạ trị. Ở bệnh viện về chị rất suy sụp và đã tìm đến bài thuốc uống nước sắc lá đu đủ của GS Nguyễn Xuân Hiền.

GS Nguyễn Xuân Hiền đang tư vấn bài thuốc chữa ung thư bằng lá đu đủ cho bệnh nhân qua điện thoại.

GS Nguyễn Xuân Hiền đang tư vấn bài thuốc chữa ung thư bằng lá đu đủ cho bệnh nhân qua điện thoại.

Thực tế, ngoài lá đu đủ chị còn uống nhiều loại thuốc từ thuốc ung thư đến phục hồi gan (hỏng gan do hóa chất)... được mua từ Mỹ về. Có thời điểm, riêng tiền thuốc của chị 1 ngày trị giá cả một cây vàng. Chị kiên trì điều trị như vậy rồi bệnh lui lúc nào không biết. Năm 2008 thì chị khỏi hẳn.

Riêng về lá đu đủ, theo chị rất cần các nhà khoa học nghiên cứu xem có chất gì bởi chị thấy: Nước sắc lá đu đủ nếu để bên ngoài, chỉ 1 vài tiếng là rất thối. Cho vào tủ lạnh ngày hôm trước đến hôm sau mà nước cũng biến đổi từ màu xanh đục sang trong veo.

Bác Nguyễn Trường Thế (68 tuổi ở số 10/8 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) đã uống bài thuốc của GS Nguyễn Xuân Hiền một năm thì khoẻ mạnh. Trao đổi với chúng tôi, vợ bác Thế cho biết, đầu năm 2010, chồng bác ăn không ngon, ngủ không yên, chiều đến thường xuất hiện những cơn đau tức ngực. Đi khám ở Bệnh viện Đống Đa cho kết luận có khối u ở phổi, bác Thế được chuyển đến Bệnh viện U bướu Hà Nội điều trị.

Sau một thời gian nằm viện, bác Thế được trả về. Vô tình nghe người ta mách uống nước lá đu đủ chữa khỏi bệnh, bác tìm đến GS Nguyễn Xuân Hiền và uống cho đến giờ. Hiện, sức khoẻ của bác Thế đã dần được hồi phục. Hằng ngày, bác vẫn đưa đón cháu đi học, phụ giúp vợ con việc nhà.

Khỏi ung thư phổi nhưng chết vì di căn xương

Trao đổi với gia đình bệnh nhân Lê Văn Sang (71 tuổi ở Linh Đàm, Hà Nội), bị ung thư phổi sau 5 tháng kiểm tra lại khối u xơ hóa hết, chị Thu con gái bệnh nhân cho biết, ông đã kéo dài được gần chục năm và mất do di căn xương. Theo chị Thu, bố chị bị ung thư phổi giai đoạn muộn không thể phẫu thuật, tia xạ 40 lần kiểm tra lại khối u vẫn không bé đi. Gia đình đã cho cụ uống lá đu đủ theo hướng dẫn của GS Nguyễn Xuân Hiền cùng với tam thất sống. Kết quả kiểm tra lại khối u teo đi, chỉ còn lại một đốm mờ nhưng cụ lại rất đau xương, bệnh viện kết luận di căn ung thư xương và cụ mất vì bệnh này.

Chị Nghiêm Thị Lanh (48 tuổi ở khu 10 xã Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, chị bị đau tức ngực và âm ỉ khắp nơi, đi khám bác sĩ kết luận u vú và chuyển Bệnh viện K xét nghiệm kết luận ung thư. Chị sợ ung thư động dao kéo nhanh chết nên về nhà và được họ hàng mách cho ở xã bên có người bị ung thư não uống nước lá đu đủ tới nay khỏi bệnh.

Chị đến hỏi và biết được do GS Nguyễn Xuân Hiền hướng dẫn nên gọi điện để xin bài thuốc. Uống hơn 10 ngày thấy đỡ, chị tìm đến tận nhà GS hỏi kỹ hơn. Cho đến nay, sau khi uống thuốc được 1 tháng 12 ngày, chị cho biết bệnh đại tràng mạn tính của chị không còn, cũng không còn cảm giác đau râm ran khắp người, chỉ còn tức ngực. Khối u của chị nhỏ nên chị vẫn không thấy. Chị cho biết, chị sẽ uống hết 3 tháng rồi đi xét nghiệm mới biết lá đu đủ có tác dụng chữa được ung thư hay không. Trước mắt uống nước lá đu đủ chị thấy mình khoẻ mạnh và giảm rất nhiều đau nhức.

Khảo sát hoạt tính chống ung thư của nước lá đu đủ

Theo giới thiệu của GS Nguyễn Xuân Hiền, chúng tôi đã gặp và trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, người đang cùng một số đồng nghiệp và học viên, sinh viên nghiên cứu về hoạt tính chống oxy hóa, hoạt tính chống ung thư của dịch chiết nước lá đu đủ.

PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên cho biết, lý do nhóm nghiên cứu tiến hành các đề tài này là vì tình trạng ung thư ngày càng nhiều, Tây y chữa trị có nhiều tác dụng phụ khiến có nhiều bệnh nhân không chịu đựng được. Đông y có thế mạnh khai thác dược thảo, lấy các hợp chất từ thiên nhiên để điều trị. Đặc biệt, thế giới có nhiều công bố về tác dụng của lá đu đủ chữa khỏi ung thư nên nhóm muốn nghiên cứu các hoạt chất sinh học và thử nghiệm xem có tác dụng thực sự hay không.

Hơn nữa, ngoài công bố về bài thuốc chữa bệnh ung thư từ lá đu đủ đã được ông Stan Sheldon ở vùng Gold Cost, Australia sử dụng để chữa lành bệnh ung thư phổi cho chính bản thân ông và 16 người khác, các bác sĩ Australia đã thử nghiệm và công nhận công hiệu của lá đu đủ trong điều trị ung thư.

Gần đây, một số nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm lâm sàng thuộc Trung tâm Ung thư, Đại học Florida, Mỹ và Đại học Tokyo, Nhật Bản đã hợp tác với nhau để nghiên cứu về khả năng phòng chống ung thư của lá đu đủ. Kết quả nghiên cứu của họ công bố vào đầu năm 2010 đã chỉ ra rằng, dịch chiết nước của lá đu đủ có khả năng ức chế sự phát triển của 10 loại tế bào ung thư thử nghiệm, gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tuỵ... Khi cho 10 loại tế bào ung thư khác nhau tiếp xúc với dịch chiết trên, 24 giờ sau có thể thấy tốc độ phát triển của tế bào chậm hẳn lại và nếu nồng độ chất chiết xuất càng cao, hiệu quả kháng tế bào ung thư, thậm chí giết chết nó càng rõ rệt.

Trong một thí nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học còn phát hiện ra các hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ có khả năng thúc đẩy sự sản sinh ra tế bào lympho Th1 - tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của người. Kết quả này gợi mở khả năng điều trị và ngăn chặn bệnh ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn dị ứng ở người của các hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ, cũng như khả năng sử dụng chúng như là chất hỗ trợ miễn dịch. Cũng trong nghiên cứu này, các tác giả đã công bố rằng, những hoạt chất chiết xuất từ lá đu đủ có tác dụng kháng ung thư, nhưng không gây độc đối với các tế bào lành tính khác. Hiện các nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu để thử nghiệm trên động vật và người.

“Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học về tác dụng chống ung thư của lá đu đủ, kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các mẫu thí nghiệm đều có hoạt tính chống oxy hóa cao gấp nhiều lần so với vitamin C ở cùng một nồng độ thử nghiệm và đều có hoạt tính ức chế một số dòng tế bào ung thư mà chúng tôi đã khảo sát", PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên thông báo.

Theo Thúy Nga
Khoa học & Đời sống