Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Lực Chuyển 3: Công Nghệ Phản Động

Alan Phan


(Bài 4 trong loạt bài Những Lực Chuyển Của Hai Thập Kỷ Tới ). Link

http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/nhung-luc-chuyen-cua-hai-thap-ky-toi.html

7 July 2014

Hiện nay một chữ được hâm mộ khắp vũ trụ kinh tế tài chánh toàn cầu là “phản động”, dịch thoáng từ Anh ngữ: disrupt (verb), disruptor (noun) hay disruptive (adjective). Disruptor thực ra là kẻ “thọc gậy bánh xe”, người phản nghịch…gây ra tình huống mới rất disruptive….cho sự ổn định của hệ thống, của cơ chế, của tổ chức, của lối kinh doanh bình thường, cổ truyền…Tóm lại, một thế lực thù địch có hành vi phản động muốn phá hoại trật tự.

Trong những road shows gây quỹ, trên thị trường chứng khoán, tại các mạng truyền thông…chữ phản động được đề cao như là một thành tích và tài sản quý giá nhất của bất cứ doanh nghiệp nào. Hai mươi năm trước, mọi công ty đều cố gắn nhãn dotcom sau tên gọi; rồi sau đó là e- hay i-, rồi là social network, là mobile platform, là IT cloud …Bây giờ, phản động là lời khen tốt nhất.

Nguyên lý của phản động


Thực ra, lịch sử thế giới luôn tạo tiến bộ bằng hành vi phản động. Những cuộc cách mạng bắt đầu bằng triết thuyết phản động, tiến hành bởi những tổ chức phản động…cho đến khi nắm được chính quyền. Sau đó, kẻ nào chống lại “cách mạng” đều là phản động.

Lịch sử kinh tế cũng diễn biến tương tự. Một hay nhiều công ty sẽ đề xướng một mô hình kinh doanh mới lạ, khác hẳn với cách kinh doanh truyền thống. Sau khi họ thuyết phục được người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường, thì họ lại phải đối phó với những disruptors mới, tìm cách thay đổi cuộc chơi (game changers). Họ phải biết điều chỉnh…nhưng thường là bị tiêu diệt bởi các đối thủ nhỏ hơn, trẻ hơn, nhanh lẹ hơn, sáng tạo hơn…

Vài thí dụ. Vào thập kỷ 70’s, IBM thống lĩnh thị trường máy tính điện tử. DEC (Digital Equipment) nghĩ là chỉ nên nhắm vào thị trường ngách là máy tính cỡ trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thành công tuyệt đỉnh trong thập kỷ 80’s, DEC đã bị Apple và các nhà sản xuất PC xóa tên trên địa bàn máy tính cá nhân. IBM và Apple đã nhanh chân đổi mới khi mô hình phản động chuyển qua tablet, smart phone và điện toán đám mây…nhưng các disruptors lớn nhỏ vẫn đang tìm cách hạ bệ những ông khủng long này. Bọn phản động còn đặt trong tầm nhắm các đại gia như Google, Facebook, Amazon, Boeing, GM, Toyota, Samsung…Định luật này được hiểu như là huỷ diệt để sáng tạo (creative destruction).

Ngay chính Microsoft đã đẩy IBM qua một bên với lối tiếp thị phần mềm trực tiếp cho các nhà sản xuất PC; Amazon đã chôn vùi những hệ thống bán sách lớn nhất thế giới như Border, Dalton, Barnes & Nobles; Tesla đang thử thách sự thống trị thế giới ô tô của Toyota, GM, Ford; hay Skype đã đảo lộn trật tự viễn thông của AT&T và những đại công ty thế giới; và cả ngàn disruptors khác đang tranh nhau để trở thành “the next best thing”.

Các công ty phản động

Trong 30 năm qua, có đến 47% những công ty “tỷ đô” khởi nguồn từ con số không 15 năm trước đó. Chưa bao giờ lịch sử kinh tế toàn cầu lại có sự thay đổi ngôi vị, thứ hạng, tài sản…nhanh như vậy. Công nghệ phản động đã là động cơ chính turbocharged những cuộc cách mạng mới này.

Mạng truyền thông CNBC bắt đầu lên danh sách Top 50 Disruptors hàng năm, được chia sẻ bởi các nhà đầu tư nhiều hơn Top 500 người giàu nhất của Forbes hay Fortune. Các nhà bình luận, phân tích gia…theo dõi và đánh giá những hoạt động của các disruptors hàng ngày. Và quan trọng hơn hết, dòng tiền đầu tư cũng như venture capital đang ào ạt đổ vào kênh này, hy vọng sẽ bắt đúng một siêu sao như Facebook, Alibaba, Google…

Các disruptors đang thay đổi cuộc chơi đã đạt thị giá hơn tỷ đô la gồm có những tên tuổi quen thuộc như Twitter, DropBox, Pinterest, AirBnb, Uber, Square…Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang sục sạo đi tìm những viên kim cương lẫn trong đá sỏi. Những disruptors có tiềm năng trên nhiều danh sách là DocuSign, Genband, GiamMedia, Xirrus, Dataminr, TransferWise, RedFin, Kickstarter…Bạn chỉ cần tìm ra một “siêu sao” trong đám đông này là bảo đảm sự an toàn tài chánh của cá nhân và gia đình bạn trong nhiều thập kỷ.

Dù nằm trong bất cứ lãnh vực nào, các disruptors đều có thể thành công vĩ đại hay thất bại thảm thương. Ngoài từng cá nhân mỗi công ty, bạn có thể đầu tư thì giờ và tiền bạc vào ba công nghệ mà mọi người tin sẽ là nền tảng cho tương lai kinh tế trong vài thập kỷ tới. Đó là “3D Printing”, “Robotic Command System” và “Internet of Things”. Mỗi công nghệ đều được ước tính là sẽ mang lại khoảng 1 ngàn tỷ đô la trong 10 năm tới và có thể nhiều hơn.

3D Printing

Sau Internet, có lẽ đây là công nghệ có khả năng thay đổi hiện trạng kinh tế toàn cầu. Nó được so sánh với sự phát minh của máy in Guttenberg, của động cơ xe hơi, và ngay cả của lửa. Mọi cách thức vận hành một nhà máy sản xuất sẽ biến dạng sâu rộng.

Lấy ví dụ chúng ta muốn sản xuất đinh vít. Theo mô hình hiện tại, mỗi cỡ đinh phải được làm khuôn, rồi sản xuất ra cả trăm ngàn đơn vị và phải tồn kho, vận chuyển, kiểm soát thật tốn kém cho từng chặng sản xuất. Một nhà máy làm động cơ phản lực bên Mỹ chỉ cần khoảng 1 ngàn đơn vị cho 3 cỡ đinh và phải mua qua các nhà nhập khẩu phân phối từ Trung Quốc. Với máy 3D printer, nhà máy bên Mỹ chỉ cần viết hay mua lại phần mềm và tự sản xuất 3 cỡ đinh này trong 20 phút. Không những chỉ đinh vít mà tất cả cơ phận của động cơ đều có thể tự in ra và ráp nối.

Vì 3D printer có thể dùng bất cứ nguyên liệu gì, nên nhiều phòng thí nghiệm đã bắt đầu thử làm những bộ phận của thân thể, đơn giản như cơ bắp, xương, răng, mạch máu…và chỉ trong vài năm nữa, một quả thận, một lá gan, ngay cả trái tim nhân tạo…cũng có thể được sản xuất ngay trong bệnh viện theo đúng kích thước, nhu cầu cá nhân. 3D printing sẽ hiện thực bất cứ điều gì bạn nghĩ trong đầu khi coi các phim khoa học giả tưởng.

Dĩ nhiên, mặt trái của 3D printing là sự dễ dàng sản xuất những vũ khí khủng bố, khó kiểm soát được thuế và tài chánh (khi cơ xưởng của bạn nằm trong garage), nạn thất nghiệp của người lao động không có kỹ năng, và vấn đề ăn cắp bản quyền trí tuệ.

Hiện nay, một máy 3D printer đơn giản cho người tiêu dùng chỉ tốn có 2 ngàn đô la và giá này trong tương lai còn xuống thấp hơn một chiếc IPhone nhờ số lượng sản xuất.

Robotic Command System (RCS)

Khi nói đến robots, mọi người hình dung đến những người máy với chân tay cứng ngắc, và những tác động giống như con người. Thực tình, robots trong tương lai chỉ là những máy tính lớn nhỏ với các phần mềm điều khiển ngay tại chỗ hay từ xa. Robots dùng trong dây chuyền của cơ xưởng lắp ráp ô tô chỉ là những “cánh tay” liên tục di chuyển vật liệu rồi hàn hay vặn vít. Tuy nhiên, trong tương lai gần, robots sẽ được trang bị nhiều chức năng hơn và theo ước tính của McKinsey, 40% nhân công trong các nhà máy sản xuất công nghiệp sẽ bị robots thay thế trong 20 năm tới.

Ứng dụng phổ thông nhất hiện nay của RCS là máy bay không người lái (drones), đang được quân đội Mỹ điều động khắp các mặt trận. Giá bán của drone đã xuống khá thấp để những công ty thương mại hay cá nhân có thể sở hữu; nhưng chính phủ Mỹ vẫn chưa soạn thảo xong luật kiểm soát về sự an toàn hay việc lợi dụng drones trong các dịch vụ phi pháp (do thám của tư nhân hay vận chuyển ma tuý).

Google cho biết sẽ bán ra thị trường xe hơi không người lái vào khoảng 2017. Sony cho ra đời cách đây vài năm một robot tên Asimo biết làm các công việc vặt trong nhà như tưới cây, bưng nước, ca hát nhảy múa…còn hãng Tosy của Việt Nam thì cho ra đời một robot biết đánh ping pong. Người tiêu dùng Mỹ hiện đang chuộng loại máy tự động chùi dọn nhà cửa bằng cách hút bụi thảm hay chùi sàn.

Quan trọng hơn, robots có thể thay người trong những việc nguy hiểm như gỡ bom mìn, hay độc hại như xử lý phóng xạ hay môi trường khắc nghiệt của nóng và lạnh (dương hay âm ngàn độ C)…Trong ngành y khoa, những robots siêu vi được tiêm vào bệnh nhân để dò tìm hay chữa trị những biến thái trong mạch máu và các bộ phận khác.

Trong tương lai, khi artificial intelligence hoàn thiện hơn nữa thì robots sẽ hiện diện cùng khắp xã hội và chung sống hoà bình cùng nhân loại. Nhưng chỉ trong vòng 20 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng về cách vận hành sản xuất, cung cấp dịch vụ và nhiều ứng dụng do robotics đem lai.

Internet of Things (IOT)

Nói nôm na, IOT là việc sử dụng Internet và phần mềm để các máy trao đổi thông tin rồi quyết định vận hành mà không cần tương tác với con người.

Ví dụ một ngôi nhà thông minh sẽ biết là bạn cần máy sưởi hay máy lạnh vào những giờ giấc nào trong ngày và tự động xử lý. Tủ lạnh thông minh sẽ biết là bạn cần sữa hay bánh mì hay trái cây gì…và tự liên hệ với máy tính của siêu thị để đặt hàng. Chiếc xe thông minh sẽ thông báo là chỗ đậu xe nào trong thành phố còn trống; do đó bạn không phải chạy xe lòng vòng tìm chỗ đậu. Một phòng mạch thông minh sẽ khám bệnh qua các sensors cài sẵn trên điện thoại của bệnh nhân, ngay cả khi nạn nhân chưa cảm thấy bệnh chứng.

Ở bình diện rộng hơn, một thành phố thông minh sẽ tự tưới cây, lên đèn ban đêm, điều phối traffic, báo động về động đất hay lửa hay lụt, cũng như điều hành xe rác, xe quét đường…đo lượng ô nhiễm, lượng chất thải ra sông biển…để cùng xử lý với các hệ thống máy tính khác.

Trong kinh doanh, một công ty thông minh sẽ tự xuất hoá đơn, thu và trả tiền, lập chương trình giao hàng, kiểm soát toàn bộ supply chain, lập kế hoạch bảo trì máy móc và xe cộ, ngay cả quản trị hồ sơ nhân viên và các chương trình phúc lợi. Trong nông nghiệp, hệ thống máy tưới cây tự động, gieo giống hay bón phân, trồng và gặt theo thời điểm của khí hậu và thị trường, chương trình chăm nuôi và cho gia súc ăn…là những thay đổi đang diễn ra sâu rộng tại Mỹ.

Libelium, một công ty tiền phong trong IOT, ước tính là đến 2020 sẽ có 50 tỷ máy móc kết nối trực tiếp với nhau để điều hành sinh hoạt hàng ngày của nhân loại.

*******

Nếu các bạn bắt đầu vào ngày hôm nay, tạo cho mình kỹ năng chuyên sâu và kiến thức cập nhật về một trong ba công nghệ này; rồi tìm cách làm việc hay kinh doanh vào các hoạt động liên quan; tôi tin chắc là tối thiểu các bạn sẽ trở thành triệu phú đô la, sớm hay chậm tuỳ kỹ năng, lòng kiên nhẫn và ý chí theo đuổi đến cùng. Bạn có thể là một nghiên cứu sinh, một chuyên viên, một nhà đầu tư hay chỉ một nhà bán lẻ phân phối hàng hoá và dịch vụ. Hãy bắt đầu bằng cách lên các search engines để tìm biết tất cả kiến thức “miễn phí” trên mạng trước đã.

Công nghệ phản động mới sẽ tạo một cuộc cách mạng tận cùng gốc rễ của truyền thống. Tham gia cuộc cách mạng này là bảo đảm cho chính bạn và gia đình một vị trí vững chắc trong xã hội.Cứ hỏi các thế lực phản động 70 năm về trước khi họ vào rừng để bắt đầu sự nghiệp. Một khác biệt: cuộc cách mạng này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, tại những thành thị đã phát triển…và sẽ không đổ máu.

Và luôn nhớ rằng, “những cuộc cách mạng lớn mạnh nhất bắt đầu rất nhẹ nhàng, ẩn che trong bóng tối” (The greatest and most powerful revolutions often start very quietly, hidden in the shadows – Richelle Mead)

Alan Phan

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Mùa Hè và Những Cuốn Sách

Alan Phan


Tôi đang thu xếp công việc cũng như hành lý, chuẩn bị cho một tháng hè lang thang tại các bãi biển dọc Á Châu. Đây là khoảng thời gian dành cho gia đình, cho riêng mình, cho mọi sự lắng đọng …để có thể “thoát” ra khỏi những tiếng động của công việc, của môi trường, của lề phải hay lề trái. Ngoài tiếng sóng vỗ về ru giấc ngủ, ngoài tiếng cười giỡn của trẻ thơ ngoài cát trắng, ngoài tiếng mưa trên những hàng dừa xanh bất tận…tôi sẽ không muốn nghe thêm bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, những khoảng thời gian vắng yên, trí óc tôi vẫn hoạt động và một thói quen hàng năm là lợi dụng những ngày hazy lazy của mùa hè, để bổ túc và nhìn lại từ bối cảnh, những kiến thức và xúc cảm qua những người bạn không quen biết (tên tôi gọi những cuốn sách).

Tôi lên mạng và đặt mua hơn chục cuốn, load vào tablet, và đây là một hành lý quan trọng cho hành trình. Vì nhiều bạn hỏi về những sách tôi thích và đọc (tôi không thể nhớ hết hay sắp hạng), nên tôi chỉ ghi lại nơi đây những sách vừa mua cho hè này.

Aftershock by Robert Reich

Cuốn sách nói về những hệ quả để lại từ khủng hoảng kinh tế 2008 tại Mỹ. Con đường sắp tới khi khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng sâu và khó khăn sẽ đến khi giới trung lưu phải chìm sâu vào nợ nần để bám vào mức sống của “giấc mơ Mỹ”.

The everything store by Brad Stone

Cuốn sách mô tả đế chế Amazon của Jeff Bezos, chia sẻ những góc nhìn từ nhân viên, gia đình và chính từ các phỏng vấn với Bezos. Những tham vọng của Bezos trong các mô hình kinh doanh mới từ Amazon Supply đến cloud computing. Và những so sánh với các huyền thoại như Gates, Jobs, Zuckerberg…

How Asia works by Joe Studwell

Studwell là mộ nhà báo lão thành của Financial Times, chuyên viết về Đông Á. Trong cuốn sách này, ông phân tích và giải mã những ẩn khuất đằng sau sự thành công và thất bại của 9 quốc gia: China , Japan, South Korea, Taiwan, Indonesia, Malaysia, Thailand, the Philippines, and Vietnam. Đặc biêt là khảo luận về chánh sách đất đai, sản xuất công nghiệp và tài chánh.

The wealth of China by Gao Qiang

Góc nhìn về sự giàu có của Trung Quốc và giới tư bản đỏ. Xuyên qua thị trường chứng khoán, BDS, quan hệ quyền lực, văn hoá và những bong bóng tài sản. Hệ quả của sự thịnh vượng trong một xã hội phân hoá bởi giàu nghèo.

The Rational Optimist by Matt Ridley

Một thế giới đang lần hồi trở nên tốt đẹp hơn theo góc nhìn của Ridley. Thực phẩm, thu nhập, tuổi thọ toàn cầu đang gia tăng trong khi bệnh hoạn, bạo lực và độc tài đang giảm thiểu. Văn hoá, kiến thức và sáng tạo sẽ đem đến những công nghệ, phát minh tuyệt vời cho sinh hoạt hang ngày của nhân loại.

3D Printing: The Next Industrial Revolution by Chris Barnatt

Một kỹ nghệ mới có khả năng tạo nên 1 ngàn tỷ doanh thu trong 10 năm tới. Download phần mềm từ Internet, bạn có thể in ra mọi thứ cần dùng mà không phải qua khâu sản xuất truyền thống hiện nay. Từ đồ trang sức, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe cộ…đến các body parts như thận, xương, tim nhân tạo…

Và vài cuốn tiểu thuyết khi đầu óc cần thư giãn…

The silkworm by Robert Galbraith

Thám tử tư nổi danh Cormoran Strike đi tìm nhà văn Owen Quine và khám phá một tình huống…chết mọi người…

And the mountain echoed by Khaled Hosseini

Sau thành công rực rỡ của The Kite Runner, lần này Hosseini đua chúng ta đi khắp thế giới từ Paris, San Francisco đến Hy Lạp để tìm ý nghĩa của đời sống và tình yêu.

One Lavender Ribbon by Heather Burch

Một phụ nữ trẻ tìm thấy trong ngôi nhà cũ ở Southern Florida một chồng thư để lại từ một người lính của Thế Chiến Thứ Hai về một cuộc tình xa cách và mất mát.

Ngoài ra, nếu có ghé Saigon, phải tìm mua thêm vài cuốn sách mới của Nguyễn Ngọc Tư và vài nhà văn Việt mà tôi hay đọc.

*******

Mùa hè là sự lãng đãng của những mảnh vụn tư duy, không đâu ra đâu nhưng rất gần gụi. Tôi mong các bạn hãy bỏ đi thật xa những thực tại đang quấy rối mỗi ngày để tìm cho mình một góc nhỏ của an bình.

Home is where the heart is.

Sống ích kỷ cho mình một tháng, một tuần…để thấy yêu thương tha nhân nhiều hơn. Như George Moore đã nói “ Chúng ta đi khắp thế giới để tìm những thứ chúng ta cần và chỉ lúc về nhà mới nhận ra nó…”

Alan Phan

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Lực Chuyển 2: Dòng Tiền Đầu Tư

Alan Phan


(Bài 2 trong loạt bài Những Lực Chuyển Của Hai Thập Kỷ Tới ). Link
http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/nhung-luc-chuyen-cua-hai-thap-ky-toi.html
25/6/2014

Một nghiên khảo tôi đọc đã lâu nêu ra một điều buồn cười về Liên Xô (thực ra là một thảm kịch cho người dân Nga) là trong thời gian đảng Cộng Sản cầm quyền từ 1946 (sau chiến thứ 2) đến năm 1975 (14 năm trước khi sụp đổ), nếu chánh phủ độc tôn Liên Xô chỉ bán khoáng sản, tài nguyên… rồi cả nước ngồi không ăn chơi, thì thu nhập quốc gia và cá nhân cũng không thay đổi chút gì trong 30 năm đó. Thay vì ngồi yên, họ lập ra đủ kế hoạch 5 năm, 10 năm, 100 năm…với những bộ não thuộc loại đỉnh cao của loài người để vận hành kinh tế. Kết quả? Người dân Nga phải làm nô dịch theo mệnh lệnh của quan chức, phải đi kinh tế mới và làm chuyện tào lao theo chính sách mù mờ, phải vào nhà thương điên ở vùng băng giá Siberia (gọi là gulag) …và phải xếp hàng vài tiếng mỗi ngày để mua một miếng thịt hay cái quần lót…

Các nước Cộng Sản, bây giờ và quá khứ, là những minh chứng hùng hồn cho thấy sự phát triển kinh tế toàn cầu không chỉ tuỳ thuộc vào “labor”, sức lao động của công nông dân như Marx biện luận. Liên Xô không thua Âu Mỹ về bất cứ thành tố gì từ tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ khoa học, đến số lượng lao động, khả năng quản trị…Ngoại trừ một thứ: tư bản.

Một cô gái đứng đường cũng hiểu rõ quy luật này hơn cả những chuyên gia đại học hàng đầu của các đảng Cộng Sản: No money, no honey.

Trung Quốc thường được ca ngợi là hiện tượng thành công lịch sử trong việc điều hành kinh tế. Nhưng yếu tố quan trọng nhất mà các nhà phân tích hay bỏ qua là sự đóng góp của dòng tiền từ nước ngoàivào sự thịnh vượng này. Nếu không có những tư bản lúc đầu từ Hoa Kiều và sau đó, từ các quốc gia Âu Mỹ Nhật, máy bay kinh tế tài chánh Trung Quốc sẽ không có đủ nguyên liệu để cất cánh.

Dĩ nhiên, căn bản của lực chuyển kinh tế phải dựa trên quyền tư hữu cá nhân. Và thể hiện rõ nhất trong mọi tài sản là “tiền”. Tôi không biết có bao nhiêu cuốn sách đã xuất bản về các triết thuyết kinh tế và bàn luận về những yếu tố chính trị, xã hội, văn hoá, lao động, trí thức, quản trị…để đem tới một thành công sau cùng. Theo quan sát của riêng tôi, “tiền” vẫn là một thành tố quan trọng nhất.

Trong thời đại Internet, mọi người (kể cả tôi) vinh danh “trí tuệ”, “sáng tạo” và “mô hình phản động” (disruptors) như những động cơ khởi nghiệp sắc bén. Những ví dụ thành công thì đầy dẫy tại Silicon Valley, tại Wall Street, tại Hollywood… Tuy nhiên, nếu không có dòng tiền từ chứng khoán, từ IPO, từ M&A, từ venture capitalist, từ đủ loại quỹ đóng mở, từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ ngân sách các chánh phủ…thì hiện tượng trăm hoa đua nở tại các điểm đến của tương lai này cũng chỉ èo uột như mùa gặt trong thời hạn hán.

Dĩ nhiên, có những thời kỳ dòng tiền chẩy sai vào chỗ trũng tạo nên bong bóng mà mọi người liên quan phải trả giá đắt, như dotcom cùa 1997, như bất động sản Mỹ của 2006, như đại suy thoái cùa 1929… Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều: dòng tiền chảy đến đâu thì tăng trưởng kinh tế và ngành nghề sẽ đơm hoa nở nhuỵ. Ít nhất trong một thời gian khá dài (5 đến 10 năm). Sau đó nếu có sai trật, thị trường sẽ điều chỉnh, nhanh hay chậm tuỳ môi trường và cơ chế.

Do đó, chúng ta có thể bắt đoán thời cơ và soạn ra chiến lược kinh doanh dựa trên dòng chảy của tư bản. Như các thám tử, muốn tìm thủ phạm của các vụ án, thì cherchez la femme.

Trước khi tiếp tục, tôi xin tạm quay về những nguyên tắc và thành phần căn bản của dòng tiền thế giới để những bạn chưa nắm vững về vận hành tài chánh hiểu thêm phần sau của bài viết.

Theo McKinsey, năm 2012, lưu lượng dòng tiền chảy quanh thế giới vào khoảng 26 ngàn tỷ USD mỗi năm, hay khoảng 36% GDP của toàn thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2025, lưu lượng sẽ tăng lên 85 ngàn tỷ USD. Hiện nay, tổng số tài sản của thế giới tính theo giá trị tài chánh (financial assets) lên đến 900 ngàn tỷ USD. Tất cả những con số trên không bao gồm những phi vụ rửa tiền, trốn thuế hay qua chợ đen etc…Có quá nhiều kênh cho dòng chảy và phần lớn không liên quan đến xu hướng đầu tư. Hai kênh lớn nhất là tiền thanh toán cho các dịch vụ và thương mại (xuất nhập khẩu, du lịch…) và tiền quay trục quanh các ngoại hối để kiếm lời bằng arbitrage (sự khác biệt trên các thị trường).

Còn lại là tiền đổ vào chứng khoán (stock), trái phiếu (bond), giấy nợ (tiền tiết kiệm hay phí bảo hiểm là loại giấy nợ của ngân hàng hay công ty insurance), chứng chỉ phái sinh (derrivatives), v.v… Hai dòng tiền chúng ta phải lưu ý đến nhiều nhất là tiền mặt của các công ty hay của cá nhân (để đầu tư trực tiếp hay gián tiếp) và tiền của các quỹ đầu tư, từ quỹ mutual có cả trăm tỷ USD tài sản đến những quỹ hedge fund nhỏ, từ quỹ đóng đến quỹ mở, từ quỹ đã niêm yết đến quỹ tư nhân. Một số tiền khá lớn cũng đã được những doanh nhân thành đạt đổ vào các quỹ từ thiện, cũng như số tiền tài trợ từ các tổ chức chánh phủ và phi chánh phủ…nhưng chúng nằm ngoài tầm phân tích của bài viết này.

Mục tiêu lý tưởng của dòng tiền đầu tư là tìm lợi nhuận cao nhất với rủi ro ít nhất trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, khó ai có thể đạt tất cà ước muốn này trong một thị trường tài chánh tự do. Do đó, các nhà quản lý quỹ thường hoạch định một chiến lược riêng của quỹ và bán dịch vụ của mình cho các nhà đầu tư thích hợp với chiến lược này.

Chẳng hạn có những nhà đầu tư giữ tiền lương hưu cho vài trăm ngàn thành viên. Họ rất bảo thủ và chấp nhận lời ít nhưng tỷ lệ an toàn phải tuyệt đối cao. Trong khi đó một tỷ phú trẻ vừa kiếm tiền khủng qua M&A của công ty khởi nghiệp sẽ sẵn sàng nhận rủi ro cao để roll the dices (đánh bạc) với các venture capitalists. Nhiều quỹ thích những thị trường mà họ thông hiểu (Âu Mỹ Nhật) cùng những công ty lớn, đa quốc…có tài chánh vững vàng. Nhiều quỹ mạo hiểm vào các thị trường mới nổi (BRICS) hay cả thị trường ngoại biên (frontier market như Việt Nam, Pakistan, Nigeria…).

Trong bức tranh vân cẩu phức tạp đó, chúng ta vẫn có thể tìm ra một xu hướng chung của các dòng tiền đầu tư. Dòng tiền này lại phân ra thành hai loại: FDI (đầu tư trực tiếp như mở cơ xưởng, mua bất động sản hay M&A) và IDI hay portfolio investment (đầu tư gián tiếp vào chứng khoán, trái phiếu, giấy nợ…). Thời hạn đầu tư của FDI thường kéo dài từ vài năm đến vài chục năm, theo tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư; trong khi IDI thì muốn “mì ăn liền” đôi khi chỉ vài ngày (nhưng vẫn có nhiều ngoại lệ).

Hiện nay, trong khuynh hướng “chuyển trục” của toàn cầu, phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng dòng tiền đầu tư dưới mọi dạng đang quay lại với những nền kinh tế phát triển, đặc biệt là USA, vì các nguyên nhân sau đây:

- Thất vọng với sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi trong khi những yếu tố rủi ro lại gia tăng

Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà đầu tư đã thất vọng nhiều với mức tăng trưởng của nhiều quốc gia mới nổi mà chỉ 10 năm trước, họ cho là sẽ khống chế kinh tế toàn cầu vì sức năng động và nhu cầu lớn của giới trung lưu tại những xứ này. Thất vọng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai siêu cường kinh tế tiềm năng này đều có những dấu hiệu mệt mỏi, bất ổn và ẩn chứa nhiều scandal kinh tế đang chờ phát hiện. Chính các nhà đầu tư người Trung Quốc và Ấn khởi động một capital flight khỏi quốc gia họ; và ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của những nhà đầu tư ngoại khác. Ở một tỷ lệ nhỏ hơn, Brasil, Nga và Thai Lan, Indonesia, đang bị suy trầm về kinh tế vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng dòng tiền đầu tư bắt đầu chấp cánh bay về chân trời mới.

Những kỳ vọng lớn lao về sự đột phá của các quốc gia như Việt Nam, Pakistan, Nigeria…đã tan biến theo những bong bóng tài sản, tệ trạng tham nhũng và sự thiếu minh bạch của những công ty địa phương.

- Kinh tế Âu Mỹ đang hồi phục và căn bản pháp trị, dân chủ, tự do…bảo đảm một mức độ an toàn hơn cho dòng tiền đầu tư

Trong khi đó, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 ở Mỹ và sau tình trạng bờ vực của đồng Euro vào 2009, nền kinh tế Âu Mỹ đã hồi phục. Năm nay, tăng trưởng GDP của Mỹ dự đoán ở mức 3.8%, tỷ lệ thất nghiệp xuống 6.1% (thấp nhất từ 2007), một kết quả khá tốt cho người khổng lồ.

Trên hết, không quốc gia nào trên thế giới có thể sánh với Âu Mỹ Nhật về hệ thống kinh tế tự do trên một căn bản pháp trị nghiêm khắc và minh bạch. Một thí dụ: bạn có thể tư hữu bất cứ bất động sản hay chứng khoán nào của Mỹ mà không cần phải minh chứng quốc tịch, mầu da, hộ khẩu, lý lịch cách mạng v.v…Quyền tư hữu cá nhân được bảo vệ đến mức linh thiêng: ngay cả cảnh sát cũng không thể bước vào nhà bạn nếu không được phép, của bạn hay của toà án.

Đây là lơi thế cạnh tranh lớn nhất của những quốc gia Tây Phương về sự thu hút dòng tiền đầu tư.

- Lơi nhuận cùa những công ty Âu Mỹ đang gặt hái những kết quả tốt nhất từ mấy thập kỷ qua.

Thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh mới cho chỉ số Dow và Nasdaq trong suốt 5 năm vừa qua. Chỉ số Dow Jones từ 8,500 vào 2008 đã đạt 17,000 hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng bong bóng đang hình thành. Tuy nhiên, phần lớn các nhà phân tích đều nghĩ rằng “lơi nhuận” của những công ty niêm yết càng tăng thì theo tỷ lệ P/E, giá chứng khoán phải tăng theo như quy luật vận hành.

Số lợi nhuận khủng của các công ty Âu Mỹ đang tăng trưởng cao nhờ những cắt giảm chi phí tối đa khi họ đối diện với khủng hoảng kinh tế tài chánh vĩ mô vài năm trước. Các lý do khác là nhờ sự thịnh vượng chung của người tiêu dùng và hiệu năng của công nghệ hiện đại (xem phần dưới).

- Hoạt động M&A đang gia tăng mạnh nhờ khối tiền mặt dự trữ lớn của các blue chips.

Một phần của đáp số về bài toán tăng trưởng cho giá chứng khoán Âu Mỹ cũng nằm trong cơ hội M&A, nơi những con cá mập đa quốc với số tiền cash dồi dào (nhờ lợi nhuận, lãi suất ngân hàng thấp và giá cổ phiếu tăng) đang cố gắng thu tóm các địch thủ nhỏ hơn để bành trướng. Những phi vụ M&A chục tỷ đô la của các công ty dược phẩm như Pfizer, viễn thông như Verizon…hay IT như Facebook, Google, Microsoft…đã tạo nên những cơ hội kiếm lời khủng cho số đông nhà đầu tư. Dòng tiền đang đổ mạnh vào lãnh vực này để lướt sóng và đoán bắt cơ hội.

Một thí dụ của sức mạnh cash đem tới trong M&A là tiền mặt dự trữ của công ty Apple hiện nay lên đến 137 tỷ đô la. Để so sánh, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối 2013 là 33 tỷ đô la (theo lời khoe của chánh phủ).

- Công nghệ mới đem một sinh khí sáng tạo và hào hứng cho môi trường kinh doanh

Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Mỹ có thể được mô tả như là sống động với những thiên tài trẻ, sáng tạo, đam mê và mức độ chấp nhận rủi ro rất cao. Một cuộc viếng thăm Silicon Valley sẽ làm bạn kinh ngạc với thế giới mới của một thế hệ mới không bị ràng buộc bởi bất cứ quy luật nào. Chỉ cần một ý tưởng phản động (disruptive) cộng với sự hợp tác của vài bạn bè và một chuyên gia tài chánh, bạn có thể kiếm cả tỷ đô la trong vài năm (ở Việt Nam có thể đi tù vài năm). Những thí dụ diển hình là sự thành công của Uber (hệ thống taxi dùng xe tư nhân), Dropbox (chứa dữ liệu trong đám mây), What’s App (Facebook vừa mua lại với giá 19 tỷ USD)… Ngoài IT, các lĩnh vực y tế, sinh hoá học (biotech), dịch vụ tài chánh ngay cả công nghệ cũ …cũng đã đem nhiều tỷ đô la cho những doanh nhân của thế hệ U-40 như Kickstarter (crowdfunding), Tesla (xe sports dùng điện lực)….

15 năm trước, khi một công ty niêm yết đạt thị giá 1 tỷ đô la, các mạng truyền thông ào ạt ra tin tức và xin phỏng vấn. Ngày nay, nếu công ty bạn được “cá mập” chào mua với giá 1 tỷ đô la, có lẽ phi vụ chỉ được ghi vào một tin nhỏ ở trang phụ không quá 10 dòng.

Tiền sinh ra tiền. Khi những dòng tiền tụ về một nơi, chúng sinh con đẻ cái không biết cơ man nào mà kể.

- Với hiệu năng đột phá nhờ công nghệ IT cùng robot, chi phí cao cho nhân viên không còn là một rào cản lớn trong toàn bộ phí sản xuất

Sự sáng tạo của Silicon Valley đã đóng góp rất nhiều vào mọi hoạt dộng kinh tế khác trên toàn cầu, ngay cả trong những lãnh vực không liên quan, như nông nghiệp và sản xuất. Các trang trại nông thôn của Mỹ hiện nay không thiếu những công cụ như máy bay không người lái (drones) để rải giống, bón phân, sát trùng…, hệ thống tưới và thải nước do robot điều khiển, hạt giống được biến chất DNA để có năng suất cao nhất, các phần mềm phân tích thị trường và khí hậu để “timing” về thời điểm trồng và gặt, máy đo lường khí hậu, độ ẩm, báo nguy…tân tiến hơn các máy tại những phòng lab của viện đại học cách đây vài chục năm..

Các nhà sản xuất công nghiệp đã bắt đầu quay lại mẫu quốc để đầu tư, nhất là khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc sẽ ngang hàng với Mỹ kể từ 2016 (theo McKinsey report). Dù phí nhân công Mỹ vẫn cao hơn gấp mấy lần Trung Quốc nhưng thế cân bằng đã tạo được nhờ sự sử dụng robots (40% nhân công Mỹ sẽ bị robot thay thế trong 20 năm tới), hiệu năng của công nhân Mỹ, giá năng lượng rẻ, phí vận chuyển ít và sản xuất tại Mỹ sẽ tránh được nạn ăn cắp “tài sản trí tuệ”.

- Người tiêu thụ giàu hơn nên sẵn sàng trả một giá cao hơn đề có hàng hoá chất lượng, thương hiệu và phục vụ (customer service). 

Gần đây, Walmart, hệ thống bán lẻ cho thành phần thu nhập thấp tại Mỹ, bắt đầu quảng bá khẩu hiệu “người Mỹ dùng hàng Mỹ”. Hiện nay, hàng sản xuất Mỹ đắt hơn hàng Trung Quốc từ 10% đến 25% theo giá bán lẻ, tuỳ mặt hàng. Tuy vậy, với đa số người dân Mỹ, trả thêm ít tiền trong ngắn hạn để hưởng thú tư hữu dài hạn vẫn là một giải pháp tốt. Họ được bảo đảm về chất lượng, về thương hiệu đứng sau sự bảo đảm, về dịch vụ hậu mãi (nếu cần đổi hay sửa chữa…).

Ngay cả tại thị trường các nước mới nổi, người tiêu dùng có khả năng tài chánh cũng ưa chuộng hàng Âu Mỹ hơn. Một lý do nữa là những chất độc hại quá nhiều trong các sản phẩm từ Trung Quốc bao gồm thực phẩm, đồ chơi trẻ con, ngay cả quần áo, vật dụng tiêu dùng…Hiện trạng đang lan phủ và có thể ảnh hưởng đến danh tiếng (xấu) của các quốc gia mới nổi khác mô chép mô hình kinh doanh của Trung Quốc như Việt Nam.

Như đã trình bày, mỗi nhà đầu tư, mỗi quản lý quỹ…đều có những tầm nhìn chiến lược khác nhau. Cho nên, dòng chảy của mọi nguồn tiền rất đa dạng và khó đoán. Ông Warren Buffett gần như không đầu tư chút nào vào các công ty IT, ngay cả trong thời điểm bong bóng dotcom vào 1997 và hiện nay. Tuy nhiên, nếu doanh nhân muốn tạo một tài sản khổng lồ như Steve Jobs (Apple) vào 1975 hay Jeff Bezos (Amazon) vào 1994, họ phải biết xu hướng của dòng tiền và những cơ hội, lực chuyển ngắn cũng như dài hạn. Đi ngược với trào lưu cũng có thể mang đến những thành công bất ngờ, nhưng tỷ lệ xác suất sẽ rất thấp.

Các doanh nhân ở các nước mới nổi thường coi tài sản lớn nhất của công ty là mối quan hệ hay thế chống lưng từ vài quan chức quyền lực. Mô hình kinh doanh này bắt đầu rã đám dần dần từ Trung Quốc và khó thể xuất khẩu đến các thị trường lớn mạnh của Âu Mỹ Nhật. Dòng tiền đầu tư đã chuyển hướng và chỉ trong 2 thập kỷ tới, nếu Trung Quốc không thay đổi, nền kinh tế mà mọi người ca tụng hôm nay sẽ chỉ là một chú thích trong lịch sử.

Hai câu nói rất nhàm tai của Tôn Tử nhưng cho đến giờ này tôi vẫn thuộc nằm lòng,”biết người biết ta”và “kết quả của trận đấu đã được định đoạt trước giờ khai hoả”…

Alan Phan