Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG VỀ THƠ HUY CẬN

ANH NGỌC



Anh Ngọc thời “tân binh” và nhà văn Nguyên Hồng.


Ngày 6-9-1971, mình nhập ngũ và cả đơn vị tân binh được đưa lên Nhã Nam, Việt Yên, Hà Bắc để luyện quân. Đơn vị mình đóng ở xã Phúc Thành, mình và 2 đứa bạn được phân về ở nhờ trong nhà bác Ngọc Thanh, một CCB của thời KCCP. Bác Thanh rất thích thơ văn và quý bọn mình. Một lần bác hỏi mình:

- Cậu làm thơ, viết văn thế có biết nhà văn “Duyên Hồng” không?
- Nguyên Hồng chứ bác, cháu yêu văn ông ấy từ bé sao lại không biết ạ?
- Thế thì may cho cậu rồi. Nhà ông ấy ở ngay Ấp Cầu Đen, dưới Quang Tiến kia kìa, ngày nào tớ cũng gặp ông ấy đi chợ Nhã Nam, ăn mặc nâu sồng, râu ba chòm phơ phất, quần xắn móng lợn, y như ông phó cối ý! Hôm nào rỗi tớ dẫn đến nhà ông ấy chơi nhé!

Được lời như cởi tấm lòng. Mình sốt ruột quá không chịu nổi, ngay tối hôm đó, …. trốn luôn cuộc họp đơn vị, cũng không đợi bác Thanh dẫn đường, một mình đánh đường tìm đến nhà Cụ Nguyên Hồng vốn ở trên một mỏm đòi nhỏ, cách đó chỉ cỡ vài ba cây số…

Và đây là đoạn trích chuyện mình đã từng viết và in trên “Tạp chí Thơ” của HNVVN năm ngoái:

… “Đêm mùa thu chóng tối, khi tôi bước lên triền đồi thì tất cả đã chìm trong bóng đêm và lặng ngắt như tờ. Chỉ có ánh sáng một ngọn đèn dầu le lói hắt ra từ sau chái nhà tre. Tôi còn nhớ, người đón tôi đầu tiên có lẽ là bác gái Nguyên Hồng. Bác nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên và còn ngại ngần nữa. Hình như các bà vợ của những người nổi tiếng đều có thêm nhiệm vụ là làm hàng rào bảo vệ và sàng lọc khách cho chồng. Nhưng có lẽ bộ quân phục đã cứu tôi. Chính lúc bác gái đang có vẻ chần chừ không biết có nên cho vị khách ất ơ không mời này gặp ông chồng hay không, thì nhà văn Nguyên Hồng đã rất nhanh nhẹn từ dưới nhà ngang bước lên tươi cười chào tôi. Đã 41 năm trôi qua, giờ này tôi vẫn nhớ như in gương mặt, ánh mắt và nhất là chòm râu phất phơ nhưng vẫn còn nhiều sợi đen của nhà văn mà tôi đã đem lòng yêu quý và ngưỡng mộ từ thuở thiếu thời. Và trong cái buổi tối mùa thu của năm 1971, trong căn nhà ấm cúng ở Ấp Cầu Đen, Nhã Nam hôm ấy, nhà văn Nguyên Hồng đã trò chuyện với một thằng lính trẻ chưa từng quen biết là tôi bằng tất cả bầu nhiệt huyết vốn nổi tiếng của ông, một cuộc trò chuyện không phân chủ khách, chẳng chút lễ nghi, có thể kéo dài bất tận mà cũng có thể ngừng lại bất cứ lúc nào!

Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi được trò chuyện với một nhà văn mà trong tôi đã trở thành cổ điển, đã thuộc thế hệ cha chú xa lắc xa lơ, mà lại vẫn trẻ trung, sung sức và gần gũi đến bất ngờ. Những câu chuyện hoàn toàn tùy hứng và tùy…tiện. Lúc thì ông xưng tôi gọi anh, lúc thì cậu cậu tớ tớ. Và câu chuyện của chúng tôi dĩ nhiên là xoay quanh về thơ. Khi nghe tôi nhắc đến “Cửu Long Giang ta ơi” (bài thơ rất hay của Nguyên Hồng – A.N.), Nguyên Hồng dường như rưng rưng nước mắt. Ông cất giọng đọc vang một đoạn dài. Rồi ngồi lặng đi một lúc. Ông bảo tạng ông thích thơ trữ tình nhưng rắn rỏi và phải đẹp, đẹp một cách sang trọng và tề chỉnh. Ông bảo ông ghét nhất thứ thơ uốn éo, làm duyên làm dáng, mà ông gọi là thứ thơ “vê vuốt” – vâng, đúng là từ “vê vuốt” mà tôi có thể đóng dấu “made in Nguyên Hồng”, vì từ bấy đến nay chưa nghe ai dùng tới bao giờ. Hăng lên, ông còn gọi thơ của một nhà thơ nổi tiếng (vốn có một bài thơ được rất nhiều người truyền tụng) là…”điếm”, là thứ… “thơ điếm”, “chẳng khác gì một con điếm”! Ông đay đi đay lại như vậy. Có cảm giác như ông đang chọc phải một tổ kiến lửa và trong lòng ông cũng đang có một lò lửa bừng bừng. Thực lòng tôi không bao giờ to gan dám bịa ra những chi tiết và từ ngữ như thế. Cầu mong anh linh các vị tiền bối đã khuất, kể cả người trách cứ lẫn người bị trách cứ, xin hãy tha thứ cho tôi vì đã tiết lộ điều này. Tôi chỉ kinh ngạc và bái phục sự thẳng thắn đến không khoan nhượng của một nhân cách nhà văn trượng phu. Bởi vì, sau này tôi thậm chí còn nghe nói chính Nguyên Hồng là người đầu tiên được nghe nhà thơ này đọc cho nghe bài thơ nói trên ngay khi nó mới được làm ra, và khi nghe ông đã…khóc!? (Hìhì…). Vâng, chi tiết nghe có vẻ mâu thuẫn và ngộ nghĩnh, nhưng lại có thể cắt nghĩa được khi đặt vào một tính cách sống giầu cảm tính và có thể gọi là cực đoan như nhà văn yêu quý của tôi. Vào thời điểm ấy và với tính cách ấy, Nguyên Hồng đã hăng hái tống tiễn xuống mồ thứ thơ mà ông dán cho một cái mác chung là “vê vuốt”.

Cứ thế, có lúc tôi đã cùng bật cười và suýt nữa cùng khóc với Nguyên Hồng. Chẳng hạn, khi ông hỏi tôi có thích thơ Huy Cận không? Thay vì trả lời ông, tôi liền đọc:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu…

Đó là “Ngậm ngùi”, một kiệt tác của Huy Cận, mà tôi gọi là “Khúc ca ru của những cặp tình nhân”. Tôi yêu bài thơ này đến nỗi quên cả mình đang ở đâu và sau khi đọc xong, liền liều mạng cất tiếng ngâm theo điệu hát ru, bằng cái giọng cao thấp không quá một khoảng tám của mình. (Sau này, tôi còn nhiều dịp tái bản tiết mục yêu thích này trong nhiều cuộc trò chuyện về thơ, thậm chí còn hát cả ca khúc do nhạc sĩ Phạm Duy phổ bài thơ này, nhưng không lần nào hào hứng như lần đầu thi thố cho một mình nhà văn Nguyên Hồng nghe lần ấy).

Hahahaaa…

Nguyên Hồng cười vang và cất tiếng đọc to bài thơ “Đi giữa đường thơm” của Huy Cận:

Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm…

Tôi sướng quá. Chọc đúng tổ con chuồn chuồn của mình rồi. Và liền cất tiếng song ca với nhà văn Nguyên Hồng. Hai cái giọng, một không còn trẻ lắm và một chưa già lắm hòa vào nhau cực kỳ ăn ý:

Lòng dắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu
Không biết nữa có chút gì làm ngợp
Trong không khí hương với màu hòa hợp…

Cứ thế hai bác cháu đọc thuộc lòng cho đến hết cả bài thơ mà đảm bảo không sai một chữ nào.

Cho đến giờ này, nhắc lại giây phút ấy lòng tôi vẫn rạo rực đến kỳ lạ. Quả là ở trên đời không có gì sung sướng hơn là gặp được một tâm hồn đồng điệu. Chữ “đồng điệu” là của chính Huy Cận. Bởi sau này, khi đọc được bài bình bài thơ này của tôi trên báo, nhà thơ Huy Cận đã gọi điện cho tôi và ưu ái giành cho tôi hai từ chính xác và quý hóa ấy. Lại xin nói thêm: Hôm nhà thơ Huy Cận “giã từ cõi thực để vào hư”, trong một bài viết đưa tiễn ông, tôi lại dùng đến câu chuyện trên đây của tôi với nhà văn Nguyên Hồng để bày tỏ lòng yêu mến và quý trọng vô bờ đối với thơ và nhà thơ Huy Cận…”

Với đoạn dẫn dài dòng trên, tôi mời các bạn thưởng thức bài thơ “Đi giữa đường thơm” mà tôi và nhà văn Nguyên Hồng đã “song ca” đêm ấy nhé, xem khẩu vị của chúng ta có chỗ nào giống nhau không, OK?

.
ĐI GIỮA ĐƯỜNG THƠM

Đường trong làng: Hoa dại với mùi rơm…
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu ?
Không biết nữa. Có chút gì làm ngợp
Trong không khí . . . hương với màu hoà hợp . . .

Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự
Buổi trưa này xưa kia ta đã đi
Phải cùng chăng ? Lòng nhớ rõ làm chi!
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng
Trí vô tư cho da thở hương tình
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không – khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”.
Chân đang bước bỗng e dè đứng lại
- Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…

(HUY CẬN - Trích tập thơ “Lửa thiêng”)

LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC:

Đây là một trong số hiếm hoi những bài thơ tạm gọi là vui của Huy Cận. Bởi thơ Huy Cận chủ yếu là buồn – một thứ buồn sinh ra cùng một lúc với trời đất, nó như là thuộc tính, như là cơm ăn, nước uống, khí.trời vẫn hằng nuôi dưỡng những kiếp người. Ngay trong bài thơ tạm gọi là vui này, rồi ra cũng không chạy trốn được thứ định mệnh ấy. Nhưng đấy là chuyện của đoạn kết. Bây giờ ta hãy lần theo từ dòng thứ nhất.

Một cái đầu đề vui – hẳn thế. Nó hứa hẹn những câu thơ vui – quả vậy. Huy Cận đã vẽ ra một cảnh thiên nhiên quê kiểng rất mộc mạc mà thân gần, thứ thiên nhiên vừa nguyên sơ, vừa toả hơi ấm cua con người:

Đường trong làng: Hoa dại với mùi rơm. . .
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng…

Làng, rơm, tre, phượng là cảnh trí của thôn quê, cái nôi lành ấp ủ những con người Việt Nam từ ngàn đời nay. Không chọn một con đường nào khác, mà lại chọn con đường. làng là thi nhân đã dụng ý dắt ta trở về với ngọn nguồn tình cảm của chính ta. Chợt hiểu vì sao một nhà thơ khác, cùng thời với Huy Cận, đã dành cả một bài thơ dài dặn cho một con đường làng:

Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng. . .
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất, hương đồng chẳng ngớt tuôn
(Tế Hanh – Lời con đường quê)

Cùng nói đến đường làng, nhưng Tế Hanh lấy đường làng làm mục đích tái hiện và trong khi làm như thế, ông đã lấy hồn mình để diễn đạt hồn của cảnh. Huy Cận ngược lại, mượn hồn của cảnh để diễn đạt hồn mình. Cảnh trí ở đây vốn đã giàu có với những mùi rơm, hoa dại, với những tre, những phượng, những cu gáy, bướm vàng, khóm trúc, những nắng trải, nắng thêu, và gíó hương đưa mùi dìu dịu phất phơ… Lại được bổ sung bởi sự giàu có của hồn người với những hương hoa tưởng tượng, những khao khát vô cùng lên bề cao hay đi xuống bề sâu. Cảnh đã vui, lại gặp lúc hồn người cũng vui, nên tất cả bỗng thăng hoa, tất cả bất giác lung linh, quyến rũ lạ lùng – những câu thơ lộng lẫy, trang nhã và sang trọng như vẫn thường thấy ở Huy Cận:

Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu…
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ…
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng
Trí vô tư cho da thở hương tình…
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho…

Quả là những dòng thơ đẹp đến não nùng. Vần thơ chặt chẽ nhưng vẫn phóng khoáng: nhịp thơ uyển chuyển lúc nhanh lúc chậm, dồn nén mà đẩy đưa, hình ảnh biến hoá và xao động, từ ngữ chắt lọc nhưng không câu thúc và trên hết là sức bay bổng của trí tưởng tượng có khả năng mời gọi mọi giác quan cùng tận hưởng một bữa tiệc tưng bừng của màu sắc, hương thơm, thanh âm, mùi vị và hơi ấm. Đẹp đến nỗi nó khiến ta ngờ đấy là một giấc mơ. Bởi mặc dù cảnh ở đây là cảnh thật, thật đến từng chi tiết, và niềm hân hoan trong lòng người cũng có vẻ chân thành, nhưng một nỗi lo âu thường trực cứ xui ta băn khoăn hồ nghi rằng tất cả rút cuộc cũng chỉ là một cảnh mộng được bày đặt ra ở trong hồn thi nhân vào một thời khắc hiếm hoi mà cái sầu muôn thuở chừng mệt mỏi quá mà thiếp đi chốc lát. Ngủ đấy, nhưng một mắt của nó vẫn hé mở. Đúng lúc niềm vui trong lòng người toan phất cờ chiến thắng, thì nỗi buồn như một tên lính canh cần mẫn, vội vàng bật dậy vì nhớ đến nhiệm vụ, nó phũ phàng gióng lên một tiếng chuông cảnh cáo: Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu… Cái kết cục có bất ngờ, nhưng không ngoài quy luật. Lo xa quá chăng ? Hay chính đó là lẽ đời – không có bữa tiệc nào không tàn. Chỉ biết rằng như một cái tát, một cú sốc mạnh, ta bàng hoàng rơi xuống giữa cõi thực. Những đường làng, mùi rơm, hoa dại… cảnh trí trong mộng vẫn còn đây, nhưng giờ bỗng trơ trẽn phơi ra dưới ánh sáng mặt trời, mất sạch hồn vía như hàng mã sau mưa và người thơ của sầu hận muôn năm lại trở về đúng bản thể của mình: Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm…

Thực ra, cũng không hẳn chỉ vì mấy câu kết mà nói rằng bài thơ chỉ tạm gọi là vui. Cái vui vốn mong manh được cố ý hà hơi tiếp sức để đem ra hòng chống lại nỗi buồn to lớn thì tự thân đã có vẻ chông chênh, yếu thế – bởi thực ra trong tương quan này, nó không phải là đối thủ của nỗi buồn. Nói như Hoài Thanh, đấy là thứ vui gượng, vui hấp tấp, vui cuống quýt, vì trong lúc vui người cũng biết buồn đương chờ mình ở đâu đó. Bài thơ rất Huy Cận là vì lẽ đó. Nó cũng còn mang đặc thù của thơ ông, vì cho dẫu lấy đề tài từ tình yêu, hay bất cứ gì gì đi nữa, Huy Cận đều trở về với những cảm quan về cuộc đời, về thân phận con người – những sinh linh bé bỏng, yếu ớt trong vòng quay vô hồn của tạo vật và sự xô đẩy không thương xót của cõi thế. Mặt khác, dù vẽ rất tài những khung cảnh đơn sơ, thân thuộc đến dân dã, rất Việt Nam và cũng rất Hà Tĩnh quê hương, Huy Cận tự vẽ chân dung tinh thần của chính mình còn thần tình hơn nhiều, bởi thơ ông chủ yếu là thơ hướng nội. Đọc một bài như Đi giữa đường thơm, ta thấy thi nhân đi với người tình nhưng là một người tình quá mơ hồ, không rõ đến cả giới tính, ngoài lời giới thiệu: Đôi lứa đứng bên vườn tình tự. Rốt cuộc đó có thật là một con người, nghĩa là một người khác bằng xương bằng thịt, hay chỉ là một nửa của hồn thi nhân tự tách ra cho đỡ bớt cô đơn. Bởi vì ở đây chẳng có cuộc đối thoại nào, nói đúng hơn, ở đây con người không nói. Chỉ có một cuộc độc thoại triền miên trong ý nghĩ của một con người là thi nhân – và khi ý nghĩ quá bộn bề, người ta thường im lặng. Với người đã vậy, còn với cảnh thì, như đã nhận xét ở trên, ta thấy thi nhân đi giữa cảnh thực mà lại như không phải, vì ngay từ đầu chàng đã giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng và bàn chân thì không ướm trên đất bằng mà tìm lối bước lên bề cao hay đi xuống bề sâu của một con đường siêu hình nó chỉ tồn tại trong trí não con người; cũng như thế, chàng bước đi mà không rõ mình đang đi ở trong hiện tại hay quá khứ:

Buổi trưa này xưa kia ta đã đi
Phải cùng chăng ? Lòng nhớ rõ làm chi

Tóm lại, con người này không hề của một không gian, thời gian nhất định. Chàng thuộc về mọi nơi và mọi lúc:

Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu

Mỗi bài thơ trong Lửa thiêng là một chiếc linh hồn nhỏ. Cả tập thơ này là một mối sầu thiên cổ, bởi hồn thơ Huy Cận là như thế. Từ sau thơ Đường, hiếm khi ta gặp một cốt cách thơ nào đạt được đến cảnh cõi ấy.

Theo Nguyễn Trọng Tạo Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét