Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

MẢNH ĐẤT CON NGƯỜI TRIỆU PHONG


LTS: Bài viết chỉ để tham khảo, đặc biệt phần đề cập các nhân vật kiệt xuất, lịch sử của quê hương Triệu Phong cần mọi người bổ sung góp ý nhiều ...


I.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH:

Mảnh đất Triệu Phong chính thức thuộc về bản đồ nước Đại Việt từ năm 1306, lúc hai châu Ô – Rý được vua Chăm pa là Chế Mân làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân - con gái vua Trần Nhân Tông. Từ năm đó về trước, sử cổ chỉ cho biết mảnh đất này là một phần của Bộ Việt Thường – một trong 15 Bộ của nước Văn Lang đời các Vua Hùng. Sau năm 207 (trước Công nguyên) là một phần của Huyện Tỳ Cành, Quận Nhật Nam thời Bắc thuộc. Giữa thế kỷ 4 lúc Vua Chăm pa là Phạm Văn đánh đuổi quân Hán ra khỏi Đèo Ngang, trở thành một phần đất của Châu Ô, thuộc Vương Quốc Chăm pa.

Sau khi tiếp quản, nhà Trần cho di dân từ phía Bắc vào, mở đầu quá trình hình thành làng xã và thành lập đơn vị hành chính. Quá trình dời dân diễn ra 3 đợt chính:

+ Đợt thứ nhất từ năm 1307. Trong đợt di dân này,số dân và số làng chưa nhiều. Theo sách minh chí của Trung Quốc, đến giưa thập kỷ thứ 2 thế kỷ 15 (tức hơn một thế kỷ sau) cả hai Châu Thuận và Hoá mới chỉ có 79 làng với 1470 nhà và 5662 khẩu.

+ Đợt thứ hai vào những năm đầu đời Lê Thánh Tông, là một đợt khá lớn. Theo sách “Thiên Nam dư hạ tập” viết năm 1483 thì riêng huyện Võ Xương đã có đến 53 làng. Năm 1553 sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An ghi số làng 59. Lúc này các làng ở vùng đồng bằng đã khá nhiều, vùng trung du ít hơn, và dọc bãi cát chỉ có người ở, chưa hình thành làng xã.

+ Đợt thứ ba bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (1558) trở đi. Đây là đợt di dân lớn nhất. Hai thế kỷ sau, năm 1776, sách “Phủ Biên tạp lục” đã cho biết huyện Đăng Xương gồm có 5 tổng, 107 xã, 29 phường, 7 giáp (huyện Đăng Xương lúc đó còn bao gồm cả tổng An Phúc, huyện Hải Lăng và tổng An Lạc của huyện Cam Lộ, còn tổng Hoa La và tổng An Dã thuộc huyện Hải Lăng).

Từ đây, việc di dân, lập làng chỉ còn diễn ra trong phạm vi nội bộ tỉnh và huyện (Số làng sau cách mạng tháng 8/1945 chỉ nhiều hơn số làng của năm 1776 là 23, trong đó tăng nhiều nhất là ở vùng Trung du, miền núi (Tổng An Đôn)).

Song song với quá trình di dân, lập làng đã diễn ra quá trình hình thành đơn vị hành chính.

Năm 1307, nhà Trần đổi tên Châu Ô thành Châu Thuận, đặt lỵ sở tại vùng Vệ Nghĩa ( xã Triệu Long bây giờ). Về hành chính, nhà Trần chia Châu Thuận thành 4 huyện. Đất Triệu Phong hiện giờ là huyện Hoa Lãng ( nghĩa là đẹp và rộng thoáng). Năm 1469, vua Lê Thánh Tôn định lại bản đồ đất nước, đổi tên Hoa Lãng thành Võ Xương thuộc phủ Triệu Phong (Phủ Triệu Phong lúc này gồm 6 huyện từ Cửa Việt vào Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẳng). Năm 1801 đặt dinh Quảng Trị, phủ Triệu Phong thuộc dinh, lãnh 3 huyện Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh. Năm 1830 đặt chức tri phủ kiêm luôn huyện Minh Lương, 2 huyện Đăng Xương, Hải Lăng chỉ thống hạt. Năm 1836 phủ chuyển vào kiêm thay luôn Đăng Xương thống hạt 3 huyện ( Minh Lương chia thành Minh Linh và Địa Linh). Đời Duy Tân, phủ chỉ là một huyện lớn không còn thống hạt) . Năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi thành huyện Đăng Xương, song phần đất của huyện Đăng Xương thời ấy khác với bây giờ. Tình trạng đó tồn tại mãi đến đời Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định mới dần dần điều chỉnh lại thành mảnh đất như hiện nay(Quá trình điều chỉnh địa phận như sau: năm 1836: cắt tổng An Lạc về huyện Địa Linh ( Gio Linh). Cắt tổng An Nhơn và 3 thôn Phương Long, Phú Hải, Thuận Đầu (thuộc tổng An Lưu) về huyện Hải Lăng. Cắt tổng An Dã và 2 làng Tam Hữu, Anh Hoa ( Anh Kiệt thuộc tổng An Thái và phần lớn tổng Hoa La trừ các làng Thạch Hãn, Tý Lễ (Quy Thiện, Long Hưng, Tích Tường, Như Lệ nhập về huyện Đăng Xương). Năm 1842: Cắt 4 thôn Phường Thiết, Tràng Thượng, Hoà Đức, Nội Đức của tổng An Đôn nhập về huyện Thành Hoá ( nay là Cam Lộ). Năm 1867, cắt các làng Đông Lai, Thượng Nghĩa, Đông Hà, Tây Trì thuộc tổng An Đôn về huyện Thành Hoá, đồng thời các làng Hà Xá, Trung Chỉ, Điếu Ngao, Lộc Yên từ Thành Hoá về huyện Đăng Xương. Năm 1920 chuyển các thôn Duy Phiên, Thanh Xuân, Xuân Thành từ huyện Gio Linh về phủ Triệu Phong). Năm 1844 do trùng với tên huý nhà Vua nên đổi Đăng Xương thành Thuận Xương. Khoảng 1918-1919 đời Khải Định, qua cải cách hành chính, phủ chỉ là huyện lớn không kiêm lý huyện và Thuận Xương trở thành phủ, lấy tên là phủ Triệu Phong, gồm 5 tổng (An Đôn, Bích La, An Dã, An Cư và An Lưu).

Sau cách mạng tháng 8 – 1945 chính quyền cách mạng bỏ đơn vị tổng lập thành xã gồm một số làng (tháng 10 -1946 toàn huyện có 14 xã), bỏ đơn vị phủ thành huyện. Năm 1950, thực hiện chủ trương của tỉnh từ 14 xã đã hợp nhất thành 10 xã lớn. Năm 1956, chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã chia Triệu Phong thành 18 xã thuộc 3 quận hành chính khác nhau là Triệu Phong, Đông Hà và Ba Lòng.

Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của TW, 1977 Triệu Phong hợp nhất với Hải Lăng thành huyện Triệu Hải. Năm 1978 cắt hai xã Triệu Lương, Triệu Lễ chuyển qua Thị xã Đông Hà. Năm 1990, huyện Triệu Hải được tách thành hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, huyện Triệu Phong gồm 22 xã, thị trấn. Đến năm 1997, cắt 3 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc về huyện Đakrong, huyện Triệu Phong còn lại 18 xã và 01 thị trấn.

II. TÍNH CÁCH CON NGƯỜI:

Dân số Triệu Phong hiện có 108.657 người (theo số liệu thống kê năm 2009), sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và ven biển. Phần lớn có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ di cư vào (Các gia phả của dòng học còn lưu lại đã chứng minh phần lớn nguồn gốc của người kinh ở Triệu Phong là từ Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào trong thời gian từ 1306 đến cuối thế kỷ thứ 16).

Hơn 20 thế hệ cùng chung lưng đấu cật để tạo dựng cuộc sống trên mảnh đất Triệu Phong, họ đoàn kết, hoà hợp nhau, thích nghi với hoàn cảnh, cùng nhau phát huy tinh thần lao động, cần cù, sáng tạo, đấu tranh để giành lấy cuộc sống hạnh phúc.

Thiên tai khắc nghiệt thì tìm mọi cách, làm mọi việc để hạn chế thiệt hại, vận dụng lợi thế sông nước, đào kênh vét hói để chống úng, chống hạn. Đất hoang trống thì khai phá, đất cằn cỏi thì chăm bón thành phì nhiêu. Cát lấn, họ đắp đập ngăn, biển dâng thì xây bể chắn. Để kịp thời vụ họ thức khuya dậy sớm, luồn lách giữa nắng cháy, gió rét mưa dầm.

Về nhân họa, con người thường xuyên đối mặt với nạn thuế, nặng sưu cao, nạn quan lại tham nhũng, nạn cường hào áp bức, bốc lột, nạn bắt lính, bắt phu, nạn hương ẩm và bao chiếm ruộng công khiến bao nhieu công lao của người nông dân bỏ ra trở thành công uổng. Đứng trước những tai họa đó, nhân dân đã kiên quyết giữ vững tinh thần đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Khi đất nước bị nạn ngoại xâm, họ gác lại quyền lợi riêng, chung lòng chiền đấu, không ngại gian khó, hy sinh. Cuộc sống đã dạy họ không phải chỉ có đấu tranh mà còn phai biết mỡ rộng trí óc, tầm mắt để vô hiệu hóa chính sách ngu dân của mọi bè lũ thống trị.

Những câu hát lời ca dân dã, những câu đối khắc chạm ở các đình làng, các nhà thờ họ vừa nói lên quyết tâm bảo vệ đất nước quê hương, vừa không quên nhắc nhỡ con em giữ gìn thuần phong mỹ tục, tiếp nối cha ông xây dựng danh giá của xóm làng, dòng họ.

Cuộc sống 7 thế kỷ qua đã hun đúc cho con người Triệu Phong những đúc tính quý báu. Đó là sự bền bỉ dẻo dai, chịu thương chịu khó đến quên mình, sống kiên nghị, dũng cảm nhưng rất mực nhân hậu, thủy chung. Bộc trực thẳng thắn nhưng lại hiền lành chất phát, lạc quan, tự trọng và biết mình biết người, ham học hỏi, trọng nhân nghĩa quý hiền tài.

Chính nhờ những đức tính đã hóa thành truyền thống ấy, các tiền nhân đã lập nên trên dãi đất này biết bao kỳ tích. Đất đai ngày càng mở rộng, không một tấc hoang hóa, làng xóm ngày một yên ấm, tươi vui hơn. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi dòng sông phố chợ đều gắn liền với những sự tích anh hùng, trở thành những di tích lịch sử - văn hóa minh chứng sự trường tồn cho mảnh đất quê hương.

Chẳng phải ngẩu nhiên chút nào, mới vào đầu thế kỷ 16, huyện đã có người khai khoa giải nguyên đó là Lương Văn Quán, người làng Đạo Đầu; thời nhà Nguyễn trong số 25 vị đại khoa của Tỉnh, Huyện lại chiếm đến 11, trong đó có hai Hoàng Giáp. Hơn thế nữa trí thông minh và tinh thần say sưa học tập của nhân dân Triệu Phong đã thể hiện tập trung qua một số người con trác Việt. Nguyễn Văn Tú, người làng Đại Hào, nay thuộc xã Triệu Đại vào khoảng năm 1730-1773 sau khi đi học 2 năm ở nước ngoài, đã nắm chắc được kỹ thuật chế tạo nên những chiếc kính thiên lý và những chiếc đông hồ kiểu mới đầu tiên của đất nước Việt Nam không chút thua kém phương Tây; Nguyễn Hữu Thận, người làng Đại Hào ( xã Triêu Đại), vào năm 1813, bằng cách tự tìm tòi sách vỡ để nghiên cứu trở thành nhà thiên văn học xuất sắc nhất nước lúc bấy giờ, làm ra lịch âm dương Hiệp kỷ mà hiện nay chúng ta vẫn còn dùng.

Triệu Phong cũng là mảnh đất đã sản sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc nhiều nhà lãnh đạo tài ba, của Tỉnh Ủy, Xứ Ủy và Trung ương (Thống kê Bí thư Tỉnh uỷ: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Đoàn Bá Thừa, Hoàng Hửu Chấp, Nguyễn Vức, Hồ Xuân Lưu, Trương Hoàn, Nguyễn Quang Xá, Lê Thị Diệu Muội, Đặng Thí, Nguyễn Cáo, Trương Chí Công). Tiêu biểu là đồng chí Lê Duẩn – Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam- người đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu trang giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Đoàn Khuê – Cố Ủy viên Bộ chính trị; Đồng chí Trần Hữu Dực; Trần Quỳnh Cố Phó Thủ Tương Chính phủ và nhiều đồng chí đã từng giữ những trọng trách cao cả trong các bộ ngành Trung ương.

Sự nghiệp bao đời trước để lại không nhỏ, đó là một khối vô lượng vật chất và tinh thần.

Gia tài đồ sộ ấy không phải chỉ thấm mồ hôi của gần 700 năm xây dựng kinh tế, văn hóa mà còn nhào trộn với máu và nước mắt của hàng chục thế hệ cha ông đã đổ ra để giữ nguyên vẹn từng tấc đất của quê hương xứ sở. Đó là nguồn sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đi tiếp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

Theo: trieuphong.quangtri.gov.vn


1 nhận xét: